(HBĐT) - Năm 2020, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn vật nuôi của tỉnh đạt rất thấp, mạng lưới thú y đang lỏng lẻo do nhiều nhân viên thú y bỏ việc sau sáp nhập xã. Cùng với đó là những bất cập sau gần một năm thực hiện sáp nhập ngành chăn nuôi và thú y (CN&TY). Đó là những vấn đề đang tồn tại, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi nếu không có các giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Việc triển khai tiêm các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do những bất cập sau sáp nhập ngành chăn nuôi và thú y. ảnh chụp tại thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc)
Ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng gần 30% trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh. Chăn nuôi đã, đang là một trong những hướng phát triển kinh tế mũi nhọn của nhiều địa phương. Là lĩnh vực quan trọng, để phát triển chăn nuôi bền vững thì công tác thú y, phòng, chống dịch bệnh có vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hệ thống thú ý ở cơ sở đang gặp nhiều xáo trộn, thậm chí có những xã không có nhân viên thú y.
Nhiều chính sách tác động đến ngành chăn nuôi và thú y
Theo đồng chí Trần Tiến Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục CN&TY tỉnh cho biết: Trước năm 2018, hệ thống ngành CN&TY xuyên suốt từ T.Ư đến địa phương. Chính vì vậy, công tác quản lý Nhà nước về CN&TY được thực hiện có hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, hàng năm, chi cục xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đàn vật nuôi; tổ chức tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp để phát triển chăn nuôi bền vững. Chủ động tham mưu, đưa ra phương án phù hợp, kịp thời để ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi. Công tác quản lý giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y chặt chẽ, đảm bảo xuyên suốt, hiệu quả.
Từ tháng 5/2020, các huyện, thành phố thực hiện sáp nhập Trạm CN&TY với các trạm khác để thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (TTDVNN). Sau sáp nhập các Trạm CN&TY, chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực này chỉ còn 2 cấp là T.Ư và cấp tỉnh. Phòng NN&PTNT các huyện và Phòng Kinh tế TP Hòa Bình được giao bổ sung nhiệm vụ về lĩnh vực CN&TY nhưng không bổ sung nhân lực chuyên môn. Do đó, việc triển khai thực hiện công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y, giám sát dịch bệnh trên địa bàn cấp huyện gặp rất nhiều khó khăn.
Trước đó, thực hiện quy định về phân cấp, hệ thống nhân viên thú y xã được HĐND tỉnh công nhận thuộc danh mục chức danh không chuyên trách và hưởng phụ cấp 1,0 mức lương cơ sở/tháng. Tuy nhiên, từ ngày 1/4/2017, hệ thống này do cấp xã quản lý, tuyển dụng. Yêu cầu tuyển dụng đòi hỏi trình độ bằng cấp chuyên ngành từ đại học trở lên, nên nhiều xã không tuyển được nhân viên thú y. Đặc biệt, sau khi các địa phương thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, nhiều nhân viên thú y xã bỏ việc vì phụ cấp thấp, trong khi địa bàn rộng hơn. Hiện, không ít địa phương giao nhiệm vụ thú y xã cho nhân viên không được đào tạo đáp ứng yêu cầu về chuyên môn theo quy định.
Chật vật tiêm phòng cho đàn vật nuôi
Lương Sơn là một trong những địa phương phát triển mạnh ngành chăn nuôi của tỉnh. Với địa bàn giáp ranh nhiều khu vực chăn nuôi của Thủ đô Hà Nội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát các dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Đồng chí Nguyễn Quốc Tiến, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Là huyện phát triển về lĩnh vực chăn nuôi nên vai trò của đội ngũ nhân viên thú y ở các xã, thị trấn rất quan trọng, nhất là trong phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Sau khi phòng NN&PTNT huyện được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực CN&TY, phòng gặp nhiều khó khăn để bao quát hết lĩnh vực này vì được giao thêm việc nhưng không giao thêm người. Cùng với đó, sau sáp nhập các xã, một số xã chưa thực hiện ký lại hợp đồng với nhân viên thú y. Một số xã cán bộ thú y bỏ việc, nếu xảy ra dịch bệnh, việc ngăn chặn sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Tháng 5/2020, TTDVNN huyện Lương Sơn được thành lập. Sau gần 1 năm hoạt động, cán bộ, nhân viên của trung tâm cũng bày tỏ nỗi niềm về thực hiện các nhiệm vụ đối với lĩnh vực CN&TY. Đồng chí Bạch Công Dũng, Phó Giám đốc trung tâm chia sẻ: Hiện, một số xã chưa có nhân viên thú y hoặc người được giao phụ trách không có trình độ chuyên môn về lĩnh vực này, nên việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhiều khó khăn. UBND các xã, nhất là xã thực hiện sáp nhập cũng rất vất vả trong việc chỉ đạo, huy động người có chyên môn đi tiêm phòng vì địa bàn rộng mà thiếu nhân viên thú y. Do đó, kết quả tiêm phòng đạt thấp. Năm 2020, trước thời điểm sáp nhập các trạm để thành lập TTDVNN, tỷ lệ tiêm các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi đạt trên 80%. Tuy nhiên, những tháng cuối năm, tỷ lệ tiêm phòng chỉ đạt hơn 50%, nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh dại trên chó, mèo.
Không chỉ trên địa bàn huyện Lương Sơn, tỷ lệ tiêm phòng dại của cả tỉnh cũng đạt khá thấp. Đến hết tháng 8/2020, thời điểm đáng lẽ đã hoàn thành tiêm phòng dại mà kết quả cả tỉnh mới đạt 25%, thậm chí có những địa phương vẫn chưa triển khai tiêm phòng dại. Riêng với địa bàn huyện Lương Sơn, trong 2 năm 2019 - 2020 đều có người bị tử vong do chó dại cắn. "Có những xã sau sáp nhập chưa có nhân viên thú y nên việc thông báo, tuyên truyền đến người dân cũng như triển khai thực hiện tiêm phòng rất chậm. Có thể nói, hiện nay, hệ thống thú y ở cơ sở trên địa bàn huyện còn lỏng lẻo. Những cán bộ thú y đã thanh lý hợp đồng trước đây, giờ cũng không mặn mà ký hợp đồng lại vì phụ cấp không đảm bảo cuộc sống. Nếu như không có giải pháp kịp thời, ngành CN&TY sẽ gặp nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, nguy cơ bùng phát dịch bệnh ngày càng cao khi tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp như năm 2020” - đồng chí Bạch Công Dũng, Phó Giám đốc TTDVNN huyện Lương Sơn nhấn mạnh.
Cần giải pháp để nâng cao năng lực hệ thống thú y
Cao Sơn (Lương Sơn) là một trong những xã thực hiện sáp nhập theo Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14. Xã được thành lập trên cơ sở sáp nhập các xã: Cao Răm, Hợp Hòa, Trung Sơn. Những năm qua, chăn nuôi gia súc, gia cầm đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, giúp người dân nâng cao thu nhập. Thế nhưng hiện nay, Cao Sơn đang là một trong những xã chưa có nhân viên thú y xã. Đồng chí Đinh Công Hân, Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết: Thực hiện sáp nhập xã, UBND xã đã tiến hành thanh lý hợp đồng với nhân viên thú y. Hiện, xã phân công công chức nông nghiệp và môi trường phụ trách mảng CN&TY, bởi theo quy định, nhân viên thú y phải có trình độ chuyên môn đại học nên rất khó để tìm được người có đủ điều kiện.
"Đây là lĩnh vực phải có trình độ chuyên môn mới đảm nhiệm được, nên công chức được giao phụ trách lĩnh vực này của xã cũng rất trăn trở. Còn với nhân viên thú y cũ, việc ký hợp đồng lại rất khó vì anh em chủ yếu có trình độ trung cấp, còn có trình độ đại học đã đi làm công việc khác vì mức phụ cấp như hiện tại không thể đảm bảo cuộc sống. Không có nhân viên thú y, xã đang gặp nhiều khó khăn, nhất là về công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Năm ngoái, tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp, đặc biệt là tiêm phòng dại với tỷ lệ tiêm chưa đến 30%” - đồng chí Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết thêm.
Tăng phụ cấp, giảm tiêu chuẩn về chuyên môn, đó là những ý kiến đề xuất của đồng chí Đinh Công Hân để giải quyết thực trạng "trống” nhân viên thú y nhằm củng cố, nâng cao năng lực hệ thống thú y cơ sở. Những vấn đề bất cập ở huyện Lương Sơn cũng là thực trang chung của nhiều địa phương trong tỉnh. Để phát triển chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế bền vững thì không thể thiếu được những người làm công tác thú y. Từ thực trạng của hệ thống thú y cơ sở và những khó khăn trong việc triển khai công tác tiêm các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi, đồng chí Trần Tiến Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục CN&TY tỉnh đánh giá: Nếu kết quả tiêm phòng thấp như hiện nay thì rủi ro với chăn nuôi sẽ tăng vì nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh. Bởi, nếu được tiêm phòng định kỳ, trong cơ thể vật nuôi lúc nào cũng có kháng thể để kháng bệnh, còn sau 1 - 2 năm không tiêm phòng, kháng thể không còn nên tăng nguy cơ vật nuôi mắc bệnh.
Do đó, cần có giải pháp kịp thời để củng cố, nâng cao năng lực hệ thống thú y cơ sở, nhất là trong bối cảnh chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ vẫn là phổ biến, rủi ro luôn tiềm ẩn khi dịch bệnh vẫn "rình rập” người chăn nuôi.
Viết Đào
Nhóm ý kiến
Nhân viên thú y xã rất quan trọng với người chăn nuôi
Nhiều năm nay, thu nhập chính của gia đình tôi đến từ chăn nuôi và trồng trọt. Gia đình duy trì nuôi lợn nái, lợn thịt, lợn rừng và trên 2.000 con gà mỗi năm. Hai năm trở lại đây, nhờ đầu ra và giá bán ổn định, mỗi năm, gia đình thu được 500 - 700 triệu đồng. Trong chăn nuôi, công tác phòng, chống dịch bệnh rất quan trọng. Gia đình tôi phải tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của những mô hình chăn nuôi khác để áp dụng vào mô hình của gia đình. Mỗi tháng, gia đình đều phun tiêu độc, khử trùng và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, cũng như tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi. |
Để chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế, bản thân người chăn nuôi phải nắm vững các kỹ thuật trong chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh. Ngoài ra, chúng tôi rất mong muốn có lực lượng thú y xã có trình độ chuyên môn, tâm huyết với công việc để tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, sau khi thực hiện sáp nhập xã, xã hiện chưa có nhân viên thú y. Không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ dân khác trên địa bàn cũng đang phát triển chăn nuôi, chúng tôi mong muốn sớm có cán bộ thú y xã có trình độ chuyên môn. Bởi thực tế, thời gian qua, dịch bệnh vẫn xuất hiện trên địa bàn xã và các vùng lân cận, là mối đe dọa đối với việc phát triển chăn nuôi của người dân.
Đinh Công Hoàng
(Xóm Hui, xã Cao Sơn (Lương Sơn) |
Quan tâm chế độ đối với nhân viên thú y xã |
Thực hiện chủ trương sáp nhập xã, các xã Phú Lương, Phúc Tuy và Chí Thiện sáp nhập thành xã Quyết Thắng. Quyết Thắng là xã thuần nông, trong đó, chăn nuôi trâu, bò, gà từ lâu đã phát triển mạnh và đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Trên địa bàn xã hiện có những mô hình chăn nuôi lợn, nuôi gà ri bản địa số lượng hàng nghìn con. Do đó, nhân viên thú y xã có vai trò rất quan trọng đối với việc phát triển chăn nuôi trên địa bàn. Sau sáp nhập, xã thực hiện ký hợp đồng với nhân viên thú y của xã Phú Lương (cũ) và thanh lý hợp đồng với nhân viên thú y hai xã còn lại. |
Nhân viên thú y xã hiện có trình độ chuyên môn đáp ứng theo quy định. Tuy nhiên, với địa bàn rộng, công việc của nhân viên thú y xã vất vả hơn nhiều, nhất là trong công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Trong khi đó, phụ cấp vẫn ở mức thấp nên phải làm thêm các công việc khác để đảm bảo cuộc sống. Là lĩnh vực quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển chăn nuôi của người dân, việc đảm bảo cuộc sống sẽ giúp nhân viên thú y xã tâm huyết với công việc. Vì vậy, chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền quan tâm, có chế độ, chính sách phù hợp, đảm bảo cuộc sống cho nhân viên thú y xã để nâng cao năng lực cho hệ thống thú y ở cơ sở. |
Bùi Văn Âu
Phó Chủ tịch UBND xã Quyết Thắng (Lạc Sơn)
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 3/3, Bắc Bộ trời không mưa, trời lạnh, đến đêm mưa nhỏ, mưa phùn kèm sương mù. Khu vực Trung Bộ giảm mưa, Nam Bộ nắng nóng gia tăng, nhiệt độ cao từ 35-36 độ C.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày và đêm 2/3, không khí lạnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi ở phía Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam. Khoảng tối và đêm ngày 1/3, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh vùng núi Bắc Bộ, gần sáng và ngày 2/3 ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ.
(HBĐT) - Trong cuộc sống hiện đại, khoa học - công nghệ (KHCN) xuất hiện trong hầu hết mọi hoạt động của đời sống hàng ngày, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của KT-XH, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân... Những năm qua, tỉnh ta đã luôn quan tâm, chú trọng tạo ra các sân chơi để Nhân dân được tham gia sáng tạo KHCN, ứng dụng vào đời sống.
(HBĐT) - Tết trồng cây xuân Tân Sửu 2021 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 tái bùng phát và diễn biến phức tạp. Tuy không có những lễ phát động sôi nổi với sự tham gia của đông đảo lực lượng như mọi năm, nhưng nhiều huyện, thành phố và các sở, ngành đã có những việc làm hưởng ứng phong trào Tết trồng cây và kế hoạch trồng rừng năm 2021 nhiều ý nghĩa, gắn với phòng, chống dịch bệnh.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ ngày 27-2, ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất 15-18 độ C, vùng núi có nơi dưới 14 độ C.