(HBĐT) - Dịp cuối năm, giáp Tết là thời điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh sôi động nhất trong năm, lại trùng với mùa hanh khô nên tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Năm 2021, dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; nhiều tháng, các cơ sở phải nghỉ hoặc hoạt động cầm chừng. Khi chính sách về thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh được thực hiện, các hoạt động dần trở lại. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp coi cuối năm là dịp đẩy mạnh hoạt động để gỡ phần nào thời điểm khó khăn trước, nên nguy cơ cháy càng cao.
Công ty may SMA Việt Hàn thuộc phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) có gần 1.000 công nhân. Những tháng đầu năm 2021, công ty khó khăn về nhân lực để trả đơn hàng do có trường hợp công nhân phải cách ly. Khi chính sách thích ứng linh hoạt được áp dụng, công ty đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo các đơn hàng. Với đặc thù ngành may chứa nhiều vật liệu dễ cháy, công ty đã lắp đặt hệ thống thiết bị phòng cháy, chữa cháy (PCCC), lập đội chữa cháy cơ sở, tuyên truyền cho công nhân. Giám đốc công ty Nguyễn Quốc Thảo cho biết: Doanh nghiệp đã gặp khó do dịch Covid-19, lại thêm cháy nữa thì kiệt quệ, nên công tác đảm bảo an toàn PCCC được coi trọng. Có như vậy, cán bộ, công nhân mới đảm bảo đời sống, mới có Tết.
Tại các chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tạp hóa trên địa bàn tỉnh, hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm Tết đã, đang được tập kết. Bà Lê Thị Hằng, chủ cửa hàng tạp hóa tại tổ 2, phường Tân Hòa (TP Hòa Bình) cho biết: Tôi đã nhập thêm nhiều thùng bánh, kẹo và hàng hóa thiết yếu để bán dịp Tết. Được cán bộ công an đến phổ biến quy định mới về PCCC đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, tôi nâng cao hơn nhận thức, hiểu biết và đã mua bình chữa cháy xách tay.
Đối với chợ Phương Lâm, Phó Ban quản lý chợ Phùng Đức Thịnh cho biết: Chợ có trên 300 ki ốt, gần 200 hộ kinh doanh. Từng xảy ra cháy tại 1 ki ốt trong chợ nên chúng tôi cảnh giác với "giặc lửa”, nhất là vào thời điểm cuối năm, dịp Tết. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, sức mua trong năm chậm, có thời điểm chợ phải đóng cửa nên lượng hàng tồn nhiều. Chúng tôi phát loa thông báo các quy định PCCC và nhắc nhở tiểu thương. Hầu như các chủ ki ốt chưa mua bảo hiểm cháy nổ nên không may xảy ra cháy sẽ rất khó khăn.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh), năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ cháy làm 1 người bị thương, thiệt hại khoảng 322,5 triệu đồng. Trong đó, 3 vụ cháy nhà dân, 1 vụ cháy quán karaoke, 1 vụ cháy tại khách sạn, 1 vụ cháy tại cơ sở giáo dục, 1 vụ cháy ô tô. Nguyên nhân chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện, sơ xuất trong sử dụng lửa.
Để phòng chống cháy, nổ, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã tham mưu ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định về PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Tăng cường phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng phong trào Toàn dân PCCC. Tổ chức kiểm tra an toàn PCCC theo chuyên đề, định kỳ, đột xuất và kiến nghị khắc phục các sơ hở, thiếu sót; nhắc nhở, hướng dẫn việc khắc phục, xử lý các cơ sở, đơn vị vi phạm quy định. Qua kiểm tra chuyên đề tại 252 cơ sở đã kiến nghị 623 thiếu sót không đảm bảo an toàn PCCC; kiểm tra định kỳ tại 486 cơ sở, kiến nghị 1.040 thiếu sót; kiểm tra đột xuất tại 162 cơ sở, kiến nghị 152 thiếu sót. Xử phạt 37 trường hợp vi phạm hành chính trong PCCC 302,1 triệu đồng, tạm đình chỉ hoạt động 3 trường hợp, đình chỉ hoạt động 1 trường hợp.
Bên cạnh đó, Cảnh sát PCCC thường xuyên luyện tập, thường trực sẵn sàng 24/24h. Tuy nhiên, diễn biến vụ cháy rất nhanh, "nước xa không cứu được lửa gần”, mọi vụ cháy đều bắt nguồn từ một đốm lửa nhỏ. Vì vậy, việc tự đảm bảo an toàn PCCC và sẵn sàng xử lý tình huống phát sinh ngay tại cơ sở rất quan trọng, góp phần giảm thiểu thiệt hại nếu không may xảy ra sự cố.
Trong mùa hanh khô, dịp Tết tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ khuyến cáo: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nội quy, quy định và kiến thức về PCCC. Thường xuyên tự kiểm tra an toàn PCCC để phát hiện và khắc phục kịp thời các nguy cơ. Xây dựng, củng cố hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ để có khả năng phát hiện, báo cháy, dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh. Tăng cường tuần tra, canh gác tại cơ sở và khu dân cư, nhất là thời điểm ngoài giờ hành chính, ban đêm, ngày nghỉ. Các gia đình cẩn trọng khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, sử dụng các thiết bị sinh nhiệt như bóng điện tròn, bếp điện, thiết bị sưởi ấm… Không để các vật liệu dễ cháy gần nguồn lửa, nguồn nhiệt; trước khi rời khỏi nhà và đi ngủ kiểm tra nơi đun nấu, thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.
Các khu dân cư tập trung nhiều nhà dễ cháy, chính quyền địa phương cần nắm rõ nhiệm vụ, trách nhiệm công tác PCCC; thành lập, vận động Nhân dân tham gia đội dân phòng và xây dựng các phương án PCCC. Nếu không may xảy ra cháy phải nhanh chóng báo động cho mọi người xung quanh biết, ngắt nguồn điện, sử dụng phương tiện chữa cháy ban đầu để chữa cháy, cứu người bị nạn. Đồng thời, gọi ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ theo số 114.
Cẩm Lệ