Công an huyện Tân Lạc hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản định danh điện tử.
Sau khi được tuyên truyền về lợi ích của tài khoản định danh điện tử (ĐDĐT), chị Đinh Thị Phiện, trú tại xóm Mường Kẻ, xã Phú Vinh đến Công an huyện Tân Lạc làm căn cước công dân (CCCD) gắn chip và đăng ký tài khoản ĐDĐT. Chị Phiện chia sẻ: Với tài khoản ĐDĐT, các thông tin của tôi sẽ được cung cấp cho bên thứ 3 và được bảo mật, tránh giấy tờ giả. Nhất là việc tích hợp các loại giấy tờ vào căn cước rất thuận lợi trong việc thực hiện nhiều dịch vụ công (DVC), các giao dịch như ngân hàng, thanh toán điện, nước, khám chữa bệnh... Đây được coi là dịch vụ thiết yếu, giúp công dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.
Giai đoạn 2020 - 2021, tỉnh đã hoàn thành thu thập 99,99% thông tin công dân để xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC), thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chíp điện tử cho trên 700 nghìn lượt công dân. Là cơ sở để ứng dụng và xác thực ĐDĐT trong giai đoạn tiếp theo.
Triển khai Đề án 06/CP, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh; 10/10 huyện, thành phố thành lập BCĐ cấp huyện; 151/151 xã, phường, thị trấn, 1.482/1.482 thôn, xóm, bản thành lập tổ công tác thực hiện đề án. Tính đến hết tháng 3/2022, tỉnh đã hoàn thành đưa lên mức độ 3, mức độ 4 đối với 14/25 thủ tục hành chính thiết yếu liên quan đến người dân như: Xác nhận số chứng minh nhân dân khi được cấp thẻ CCCD, cấp độ 4; cấp lại, đổi thẻ CCCD, cấp độ 3; khai báo tạm vắng, cấp độ 4; thông báo lưu trú, cấp độ 4, các dịch vụ còn lại đang được các sở, ngành thực hiện đảm bảo tiến độ. Các cơ quan chuyên môn đã cung cấp 999 DVC trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng DVC quốc gia.
Lực lượng Công an tỉnh triển khai thực hiện ứng dụng định danh, tài khoản ĐDĐT cho công dân qua cấp mới, cấp đổi, cấp lại CCCD phục vụ các giao dịch của công dân qua sử dụng các dịch vụ và tiện ích do các bộ, ngành đã xác thực và đảm bảo. Thực hiện giải quyết 100% yêu cầu từ công dân về tạo lập danh tính điện tử; từng bước thực hiện xác thực thông tin thiết yếu, quan trọng trên ứng dụng VNEID hoặc qua thẻ CCCD gắn chíp điện tử như thông tin tiêm chủng, xét nghiệm, giấy phép lái xe, đăng ký xe... Chuẩn bị các điều kiện cần thiết, đảm bảo triển khai ứng dụng các tính năng chíp điện tử gắn trên thẻ CCCD và ứng dụng VNEID trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhất là các lĩnh vực CĐS mạnh nhất như ngân hàng, tài chính, viễn thông, điện, nước; triển khai thực hiện cấp tài khoản định danh và xác thực điện tử cho công dân gắn với cấp CCCD gắn chíp điện tử cho đối tượng ưu tiên; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung, làm giàu dữ liệu…
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế triển khai cho thấy, Đề án 06/CP có nhiều nội dung, nhiệm vụ mới, chưa từng có tiền lệ, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, địa phương nên quá trình triển khai còn một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Tỷ lệ người dân sử dụng các DVC trực tuyến còn rất khiêm tốn.
Đồng chí Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Đề án 06/CP tỉnh cho biết: Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh triển khai các DVC trực tuyến, tập trung kết nối, chia sẻ, tích hợp 25 DVC thiết yếu tại đề án để phục vụ người dân, doanh nghiệp, bảo đảm hoàn thành theo lộ trình quy định; lực lượng Công an tỉnh thường xuyên bổ sung, hoàn thiện dữ liệu vào CSDLQGVDC "đúng, đủ, sạch, sống”, đảm bảo cho hoạt động tạo lập ĐDĐT đối với công dân; giải quyết 100% yêu cầu từ công dân về tạo lập danh tính điện tử cho công dân. Tuyên truyền, phổ biến cho người dân hiểu rõ và đăng ký, sử dụng ĐDĐT trong các giao dịch hành chính, chứng minh nhân thân, DVC; từng bước thực hiện xác thực thông tin thiết yếu, quan trọng trên ứng dụng VNEID hoặc qua thẻ CCCD gắn chip điện tử. Đẩy mạnh tuyên truyền về Đề án 06/CP và những đột phá chiến lược, lợi ích của quốc gia, của người dân và của doanh nghiệp; sử dụng hệ thống CSDLQGVDC là "dữ liệu gốc” để phát triển thành nền tảng cơ sở dùng chung với các dữ liệu chuyên ngành, kết nối trên toàn quốc, tạo sự đồng thuận tham gia của tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Đinh Thắng