(HBĐT) - Phát triển kinh tế hài hoà với bảo vệ môi trường (BVMT), không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; quản lý, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, BVMT, phát triển kinh tế bền vững là quan điểm nhất quán và xuyên suốt trong định hướng của các ngành, lĩnh vực cũng như định hướng phát triển của tỉnh.
Tỉnh chú trọng phát triển du lịch dựa trên cảnh quan môi trường, bản sắc văn hoá. Ảnh: Bản Mừng, xã Hợp Phong (Cao Phong) là điểm du lịch hấp dẫn.
Những năm qua, quán triệt chỉ đạo của T.Ư, tỉnh ta đã nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về BVMT, triển khai các hoạt động BVMT phù hợp với điều kiện thực tế, đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng các chương trình BVMT. Công tác thanh tra, kiểm tra tập trung vào việc: Tuân thủ các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý chất thải, đăng ký hồ sơ chủ nguồn thải, hồ sơ cấp phép xả nước thải vào nguồn nước, chế độ báo cáo quan trắc môi trường định kỳ hàng năm… Qua đó nhận thức của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị và người dân về BVMTđược nâng lên. Ý thức chấp hành pháp luật BVMT của các cơ sở, doanh nghiệp có nhiều chuyển biến.
Từ nhiều nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH gắn với BVMT đã cải thiện đáng kể cuộc sống người dân ở đô thị, nông thôn. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nan giải. Nhiều cơ sở sản xuất, nhất là các cơ sở khai thác khoáng sản vẫn vi phạm các quy định về môi trường khi sử dụng vật liệu nổ quá mức cho phép, hoạt động sản xuất không đảm bảo an toàn, tình trạng khói bụi, tiếng ồn, xe chở quá tải phá đường dân sinh… Tình trạng cơ sở sản xuất không thực hiện đầy đủ các quy định về BVMT, gây phát sinh khí thải, chất thải đang tác động tiêu cực đến đời sống và sản xuất của người dân. Rác thải, ô nhiễm nguồn nước ở nhiều khu vực trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, tỉnh đang đối mặt với những vấn đề do biến đổi khí hậu, hạn hán, thiên tai, trượt sạt ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn cuộc sống người dân.
Đây là những vấn đề cần giải quyết không chỉ riêng đối với tỉnh ta. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, cũng như các chương trình hành động, nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá đã xác định quan điểm: Phát triển KT-XH gắn với BVMT, kinh tế phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, lấy công nghiệp là động lực, du lịch là mũi nhọn, nông nghiệp sản xuất hàng hóa, công nghệ cao là cơ sở, gắn kết với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại và hệ thống đô thị thông minh, đô thị xanh, gắn với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân… Công tác quy hoạch, phát triển triển kết cấu hạ tầng, thu thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp dịch vụ, du lịch thể hiện rõ quan điểm phát triển xanh, bền vững.
Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 95/TB-VPCP ngày 25/3/2023 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình. Theo đó định hướng, tỉnh cần ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn gắn với tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Hòa Bình phải hết sức chú trọng bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội và BVMT sinh thái, gắn với bảo đảm QP-AN; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, BVMT. Bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; nghiên cứu tổ chức thực hiện hiệu quả dịch vụ cacbon rừng trên địa bàn…
Quy hoạch đến năm 2050, tỉnh định hướng tập trung chỉ đạo thực hiện 4 trụ cột cốt lõi là chế biến, chế tạo giá trị cao hơn, kinh doanh nông nghiệp, du lịch và phát triển nhà ở vệ tinh. Chú trọng thu hút đầu tư vào các khu vực có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, môi trường như hồ Hòa Bình và các huyện: Mai Châu, Lạc Thủy, Kim Bôi, Lạc Sơn, Yên Thuỷ… Phát triển du lịch với mục tiêu Hòa Bình trở thành địa điểm nghỉ dưỡng đẳng cấp không chỉ trong nước mà còn trong khu vực, quốc tế… Phát triển công nghiệp, ưu tiên phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường, gắn công nghiệp với phát triển đô thị, chú trọng các dự án tạo nguồn thu lớn, bền vững cho ngân sách, giải quyết việc làm, phát triển bền vững. Phát triển nông, lâm nghiệp, định hướng phát triển theo hướng nông nghiệp sạch, xanh; nông nghiệp hữu cơ gắn với thị trường tiêu thụ, hướng tới thị trường Thủ đô. Phát triển đô thị ở Hòa Bình với phát triển đô thị xanh hỗn hợp, xây dựng ngôi nhà thứ hai cho du khách và cộng đồng nhà ở xã hội dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quy hoạch, công tác quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản; kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư. Từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Kiểm soát, quản lý rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, khí thải công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giao thông, xây dựng; chú trọng công tác đảm bảo an ninh nguồn nước. Tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành Luật BVMT, xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm. Ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học; góp phần nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh môi trường, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, cac-bon thấp, phấn đấu đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Lê Chung
(HBĐT) - Để ứng phó kịp thời trước diễn biến bất thường của thời tiết, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra. Ngay từ đầu năm 2023, huyện Kim Bôi đã chủ động triển khai các giải pháp tăng cường kiểm tra, tu sửa, nâng cấp các công trình thủy lợi.
(HBĐT) - Sáng 5/6, Hội LHPN thành phố Hòa Bình phối hợp Hội LHPN phường Thống Nhất tổ chức chương trình hưởng ứng Ngày môi trường thế giới 5/6 với chủ đề "Giải pháp cho ô nhiễm nhựa" tại tổ 9, phường Thống Nhất. Trên 30 hội viên phụ nữ tham gia chương trình.
(HBĐT) - Rác thải nhựa (RTN) đang hằng ngày, hằng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Do đó, cùng với cả nước, những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã triển khai các giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ RTN.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều tối và đêm 3/6, ở khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20-40 mm, có nơi trên 80m mm. Khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác với lượng mưa 10-30 mm, có nơi trên 50 mm.
(HBĐT) - Mùa khô năm nay, các địa phương trong tỉnh trải qua đợt nắng hạn kéo dài khiến nhiều khu vực rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Trong khi đó, nhiều công trình nước sạch đã đầu tư không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên hoạt động kém hiệu quả.