Nhận định về các hình thái thời tiết trong thời gian tới (từ tháng 3-5/2025), Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết, không khí lạnh có khả năng tiếp tục hoạt động mạnh những ngày còn lại của tháng 2 và gây ra các đợt rét đậm, rét hại.
Ảnh minh họa: Nhật Anh/TTXVN
Tháng 3, hoạt động của không khí lạnh xấp xỉ trung bình nhiều năm với trung tâm áp cao lạnh lục địa có xu hướng lệch ra phía Đông nên gây ra nhiều ngày mưa nhỏ, mưa phùn, nồm ẩm và sương mù ở khu vực này. Từ tháng 4/2025, hoạt động của không khí lạnh suy giảm dần.
Ông Hoàng Phúc Lâm cũng cho biết, trong thời gian này, bão, áp thấp nhiệt đới ít khả năng có hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta (tương đương với mức trung bình nhiều năm, trong đó trên Biển Đông là 0,9 cơn, đổ bộ vào vào đất liền là 0 cơn).
Nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Riêng tháng 5, nhiệt độ trung bình tại khu vực Tây Bắc Bắc Bộ cao hơn 0,5-1 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Trong tháng 3-4, nắng nóng có thể xảy ra chủ yếu ở khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và Trung Bộ; cường độ nắng nóng có khả năng ít gay gắt hơn so với cùng kỳ năm 2024. Từ tháng 5, nắng nóng ở khu vực Bắc Bộ lan dần sang phía Đông, gia tăng ở khu vực Trung Bộ. Nắng nóng có khả năng xuất hiện muộn tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ với số ngày nắng nóng ít hơn so với năm 2024.
Đề cập đến tổng lượng mưa, ông Hoàng Phúc Lâm nhận định, trong tháng 3, mùa mưa ở Bắc Bộ xuất hiện tương đương với trung bình nhiều năm; khu vực Trung Bộ và Nam Bộ có khả năng xuất hiện một số ngày mưa rào rải rác và có nơi có dông. Từ tháng 4, mưa có khả năng xuất hiện sớm và gia tăng ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ.
Cũng theo ông Hoàng Phúc Lâm, lưu lượng dòng chảy đến các hồ chứa lớn trên sông Đà tiếp tục dao động theo điều tiết của thủy điện tuyến trên. Dòng chảy đến hồ Lai Châu thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5-15%. Dòng chảy đến hồ Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà xấp xỉ mức trung bình nhiều năm. Mực nước các sông chính khu vực Bắc Bộ biến đổi chậm, mực nước các trạm hạ lưu các hồ chứa dao động theo điều tiết của thủy điện tuyến trên; khu vực hạ lưu sông Hồng-Thái Bình chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Dòng chảy trên các sông ở khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 20-40%, riêng dòng chảy hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 5%.
Khu vực Bắc Trung Bộ từ nửa cuối tháng 2-5, mực nước thượng lưu các sông biến đổi chậm theo xu thế xuống dần. Từ tháng 3-5/2025, lưu lượng dòng chảy trên các sông ở Thanh Hóa ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 5-10%; hạ lưu các sông ở Nghệ An thấp hơn từ 10-38%, sông Ngàn Phố thấp hơn từ 35-65%; sông Ngàn Sâu thấp hơn từ 10-30%. Lưu lượng dòng chảy từ tháng 3-5/2025 trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-60%; trên sông Tả Trạch, sông Thu Bồn và sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) ở mức xấp xỉ đến cao hơn từ 20-65%.
Khu vực Nam Trung Bộ từ nửa cuối tháng 2 đến tháng 5, mực nước trên các sông từ Bình Định đến Bình Thuận biến đổi chậm theo xu thế xuống dần. Lượng dòng chảy trên các sông phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Khu vực Tây Nguyên từ nửa cuối tháng 2 đến tháng 5, mực nước trên các sông phổ biến dao động theo vận hành của hồ chứa thủy điện và có xu thế xuống dần.
Ông Hoàng Phúc Lâm cho biết, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2 và tháng 3 (từ 10- 16/2, từ 27/2-4/3); các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3 và 4 (từ 27/2- 4/3, từ 10-15/3, từ 29/3-2/4, từ 27/4-1/5). Từ cuối tháng 5/2025, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế giảm dần.
Về tình hình triều cường, từ nửa cuối tháng 2 đến tháng 5, tại khu vực ven biển Đông Nam Bộ xuất hiện 7 đợt triều cường. Mực nước lớn nhất tại trạm Vũng Tàu trong giai đoạn này có thể đạt 4,2m trong khoảng thời gian từ 1-3 giờ ngày 31/3. Các vùng trũng, thấp, ven sông và vùng ngoài đê bao khu vực ven biển phía Đông Nam Bộ có khả năng ngập úng. Triều cường cao trong giai đoạn này ngoài gây úng ở các vùng trũng, thấp ven biển, cửa sông còn làm gia tăng xâm nhập mặn trong nội đồng.
Trước các hình thái thời tiết trên, ông Hoàng Phúc Lâm khuyến cáo người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo trên Website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tại địa chỉ nchmf.gov.vn. Các Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố, khu vực và cập nhật thường xuyên thông tin dự báo khí tượng thủy văn mới nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương để chủ động ứng phó.
Chính quyền và các đơn vị chức năng cần vận động, tuyên truyền cũng như thực hiện lệnh cấm tuyệt đối người dân hoạt động tại các khu vực có nguy cơ rủi ro cao dễ xảy ra dông, lốc, sét, mưa đá... Người dân tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn công tác ứng phó, phòng tránh thiên tai của chính quyền địa phương.
Theo Baotintuc.vn
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khoảng đêm 12 và sáng ngày 13/2, bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ. Gió trong đất liền chuyển hướng Đông Bắc mạnh cấp 2-3, vùng ven biển cấp 3.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 11/2, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mưa nhỏ vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều hửng nắng. Nam Bộ ngày nắng, đêm có mưa rào vài nơi.
Ngày 10/2, UBND tỉnh ban hành Công điện số 02/CĐ-UBND về việc chủ động ứng phó đợt rét đậm, rét hại kéo dài trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Công văn số 256/SNN-CNTY về tăng cường công tác phòng, chống đói, rét cho vật nuôi.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 10/2, khu vực Bắc Bộ có mưa nhỏ vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều hửng nắng, trời rét đậm, rét hại. Vùng núi cao có khả năng xảy ra băng giá và sương muối.
Miền Bắc đang trải qua những ngày rét nhất trong đợt không khí lạnh, nhiệt độ giảm mạnh, trời rét đậm, rét hại, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C.