GS.TS Nguyễn Tài Lương, Phó Chủ tịch Tổng hội các ngành sinh học Việt Nam, cho rằng Nhà nước cần đưa ra danh sách những loại thuốc kích thích tăng trọng, thức ăn cho gia súc gia cầm mà nước mình nhập khẩu, phải có hướng dẫn cụ thể cho người dân cách sử dụng như thế nào, liều lượng bao nhiêu… Tránh việc chạy theo thị trường, chạy theo lợi nhuận mà không đếm xỉa gì đến sức khỏe của người tiêu dùng.

 

Báo CAND có bài viết "Cảnh báo về thực phẩm doping" với những kết quả nghiên cứu thực sự gây chấn động, thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc gần xa. Để rộng đường dư luận, cũng là để gợi mở một số giải pháp đối với vấn nạn này, PV đã có cuộc trao đổi với hai GS đầu ngành về sinh học và hóa học, những người đã từng bỏ nhiều thời gian nghiên cứu về thức ăn chăn nuôi và thực phẩm: GS.TS Nguyễn Tài Lương, Phó Chủ tịch Tổng hội các ngành sinh học Việt Nam, và PGS.TS Trịnh Lê Hùng, Chủ nhiệm bộ môn Công nghệ hóa học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội.

Người dân giật mình về thức ăn vật nuôi

Các GS cho biết, thực ra việc dùng các chất kích thích tăng trọng, hormone sinh trưởng trong chăn nuôi là một ứng dụng KHKT, một bước tiến bộ đáng kể nếu như chúng ta dùng liều lượng hợp lý và đúng cách. Chúng kích thích vật nuôi ăn khỏe, ăn hết nhiều thức ăn, rút ngắn quá trình chăm sóc và tăng năng suất.

Chẳng hạn cho con vật ăn thức ăn có trộn hormone sinh trưởng trước khi giết thịt 10 ngày hoặc nửa tháng, sau đó thì dừng, không dùng nữa. Chừng đó thời gian sẽ giúp vật nuôi tăng trọng, đồng thời thải hết những hormone ấy ra ngoài, không gây độc hại cho người.

Ngược lại, nếu vì lợi nhuận trước mắt mà không tuân thủ đúng kỹ thuật, những chất tồn dư trong thịt chưa tan hết khi con người ăn phải sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe nghiêm trọng. Một trong những nguy cơ đó là thừa hornmone sinh dục nam testosteron. Trong máu người sẵn có hormone testosteron quyết định đến giới tính.

Ở nam giới, lượng hormone này khoảng 20 nanomol/lít máu, còn ở nữ thì chỉ bằng 1/10 nam giới, khoảng 2,4 nanomol/lít máu. Nếu chẳng may dư lượng hormone testosteron vượt quá từ 1 - 5mg/ 100kg thịt gia súc, gia cầm thì sẽ gây rối loạn chuyển hóa và cân bằng hormone trong cơ thể. Từ đó dẫn tới hiện tượng biến đổi giới tính, nữ thì bị nam hóa và nam bị nữ hóa.

Theo GS.TS Nguyễn Tài Lương, Phó Chủ tịch Tổng hội Các ngành sinh học Việt Nam thì không phải cứ ăn phải thịt động vật có thừa hormone sẽ sinh bệnh ngay, và nếu lượng hormone trong thịt khá nhỏ thì chưa hề gây nguy hại gì cho cơ thể. Nhưng người chăn nuôi cần cẩn trọng không sử dụng các loại chế phẩm tăng trọng nhập ngoại mà theo nghiên cứu có sử dụng nhiều chất rất nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Thực phẩm bày bán trên vỉa hề không đảm bảo vệ sinh.

Đặc biệt là loại hormone hóa học tổng hợp (diethylstibestrol) được phát hiện vào năm 1999, có khả năng gây ung thư cho người, đã bị thế giới nghiêm cấm sử dụng trong chăn nuôi. Loại hormone này có đặc tính bền với nhiệt, không bị phá hủy trong nhiệt độ đun sôi, nếu con người ăn phải thịt có chứa nó thì rất nguy hại, tích tụ lâu dài sẽ gây ra các loại bệnh ung thư.

GS.TS Nguyễn Tài Lương cho rằng Nhà nước cần đưa ra danh sách những loại thuốc kích thích tăng trọng, thức ăn cho gia súc gia cầm mà nước mình nhập khẩu, phải có hướng dẫn cụ thể cho người dân cách sử dụng như thế nào, liều lượng bao nhiêu… Tránh việc chạy theo thị trường, chạy theo lợi nhuận mà không đếm xỉa gì đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Là người nghiên cứu lâu năm về "thực trạng ô nhiễm thức ăn chăn nuôi và các sản phẩm thịt sạch", Giáo sư Lương đề xuất, đối với các chất độc hại Nhà nước phải tuyệt đối nghiêm cấm lưu hành, và việc làm này "phải liên tục, quyết liệt, tránh tình trạng làm theo tháng, theo chiến dịch, xong xuôi lại đâu vào đấy…".

PGS.TS Trịnh Lê Hùng, Chủ nhiệm bộ môn Công nghệ hóa học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội cũng thống nhất với ý kiến này. Ông lấy ví dụ: "Cũng như ma túy, không được chỉ lo điều tra các vụ án lớn, các ổ nhóm mà thả lỏng các tụ điểm bán lẻ. Cần phải diệt tận gốc, làm đến nơi đến chốn ở các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ. Nếu không, mối nguy hại cho người dân không bao giờ có thể trừ bỏ được".

Phải bắt buộc đăng ký chất lượng

Kiểm soát thức ăn chăn nuôi là một bài toán rất khó giải quyết. Bởi vì thứ nhất nền công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam còn lệ thuộc vào nước ngoài. Mặc dù hiện nước mình có tới 225 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc gia cầm và 89 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi thủy sản nhưng việc nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên vật liệu từ nước ngoài vẫn còn chiếm phần lớn.

Bên cạnh đó thì chính các đơn vị sản xuất trong nước cũng vẫn vi phạm, việc quản lý các chất kích thích, tăng trọng chưa chặt chẽ, và không đến được với người dân. Thậm chí có khi người dân còn bị lừa bởi những chất kích thích tăng trọng rởm, như chất giữ nước (SMD) lợn ăn phải tăng trọng rất nhanh, nhưng miếng thịt đó sau khi để vào tủ lạnh sẽ bị chảy hết nước và teo lại…

Hơn nữa, một trong những nguyên nhân khiến người nông dân mặc dù biết các hormone tăng trọng độc hại nhưng vẫn sử dụng để vỗ béo cho lợn, nhằm đẩy nhanh quá trình tăng trưởng để bán tống, bán tháo kiếm lời là vì họ phải trả giá quá cao cho các loại thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Vì thế, nâng cấp công nghệ chế biến thức ăn từ trong nước cũng là một giải pháp cấp bách hiện nay.

Đối với việc sử dụng lượng kháng sinh, hormone sinh trưởng bừa bãi vào thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích tăng trọng, GS.TS Nguyễn Tài Lương cho rằng cần phải buộc các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi đăng ký chất lượng sản phẩm. Ngoài ngô, khoai, sắn… người tiêu dùng phải được biết trong thức ăn đấy có các chất vi lượng và chất kích thích tăng trọng không, nếu có thì liều lượng bao nhiêu…

"Anh có đăng ký thì Nhà nước mới dựa trên cơ sở đó kiểm tra được. Còn Nhà nước phải công khai cái gì cấm, cái gì được phép dùng, thì khi kiểm tra, đối chiếu mới dễ dàng phát hiện ra. Và theo tôi, nếu xây dựng được một phòng thí nghiệm chỉ chuyên về thức ăn chăn nuôi thì tốt nhất", GS đưa ra ý kiến.

Chặt chẽ nguồn gốc và chất lượng thực phẩm

Thực tế cũng đặt ra một vấn đề là việc quản lý số lượng sản phẩm thịt động vật vào nội đô hiện nay gặp nhiều khó khăn. Hầu như các nhà quản lý chỉ có thể cung cấp giấy chứng nhận kiểm định cho các sản phẩm đưa vào mà không thể kiểm tra được dư lượng hormone tăng trọng và thuốc kháng sinh trong sản phẩm thịt. Bởi vì việc kiểm tra từng mẫu này mất rất nhiều công sức và tiền của.

Chẳng hạn, một mẫu xét nghiệm chì hoặc thủy ngân từ 80 - 100 nghìn đồng/ mẫu, còn hornmone thì có thể lên tới 500 nghìn đồng/mẫu. Đó là chưa kể sẽ mất hàng giờ đồng hồ, qua nhiều công đoạn… mà một ngày Hà Nội phải nhập biết bao tấn thịt qua các cửa khẩu.

GS.TS Nguyễn Tài Lương nhấn mạnh: "Nghĩa là phải sạch trong tất cả các khâu, từ người nuôi đến người bán, đến người mua, đến người chế biến…".

Là Phó Chủ tịch Tổng hội các ngành sinh học Việt Nam liên tục trong nhiều năm, GS.TS Nguyễn Tài Lương nhận định:

"Hiện nay chưa có một thống kê nào về lượng người ăn phải kim loại độc, chất kích thích, hormone tăng trưởng… trong thịt động vật nhưng con số đó chắc chắn không hề nhỏ, và ngày càng khó kiểm soát. Hiện tượng thực phẩm doping là một hồi chuông cần được gióng lên mạnh mẽ, và hãy hành động ngay từ bây giờ để các thế hệ hậu sinh không phải chịu quả đắng…".

Bên cạnh những phương pháp xác định thông thường thì nên nghiên cứu các loại giấy thử, test (kiểm tra) nhanh để phát hiện chất độc. Chẳng hạn như lấy một mẫu giấy dán vào miếng thịt, qua sự biến đổi màu sắc chúng ta có thể phát hiện được việc có hay không những dư lượng ấy, và nếu có thì hàm lượng nhiều hay ít… Hoặc chúng ta cũng có thể sử dụng những thiết bị đơn giản "như cái đo nhiệt độ", khi các chỉ số hiện lên thì có thể dễ dàng đánh giá. Những kiểu test nhanh như thế cho kết quả ngay, vừa nhanh, vừa đỡ mất tiền bạc, công sức, lại có thể áp dụng trên lượng thực phẩm lớn.

PGS.TS Trịnh Lê Hùng, Chủ nhiệm bộ môn Công nghệ hóa học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội:

"Ứng dụng KHCN, tiến bộ sinh học là con dao hai lưỡi, nếu dùng đúng, vừa phải thì tốt. Ngược lại, nếu chạy theo kinh tế thị trường, chạy theo lợi nhuận mà dùng bừa thì sẽ trở thành hành động vô lương, bất nhân, không thể nào tha thứ được. "Thực phẩm doping" thực ra không phải là vấn đề mới, chỉ là cách gọi mới. Xét đến cùng, để giải quyết tận gốc vấn đề này thì giải pháp hữu hiệu nhất là ở lương tâm mỗi con người…".

"Công tác quản lý thức ăn chăn nuôi và các chất kích thích tăng trọng cho vật nuôi hiện nay đang bị thả nổi, chưa được quan tâm đến nơi đến chốn. Nhà nước và các bộ, ngành liên quan cần phải có các sách lược, định hướng cụ thể hơn nữa. Vì đây không chỉ là vấn đề của thức ăn vật nuôi nữa rồi, đây là vấn đề thực phẩm của con người, là tính mạng của cả quốc gia". Về việc kiểm soát thực phẩm nên hình thành các công ty sản xuất, chăn nuôi tập trung, chứ việc chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ sẽ vẫn tồn tại tình trạng không thể kiểm soát hết được nguồn gốc và chất lượng thực phẩm.

 

                                                                                 Theo CAND

Các tin khác


Siết chặt quản lý vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất

Với chức năng quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), hóa chất, thời gian qua, ngành Công Thương đã phối hợp các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo quản, sử dụng VLNCN và hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn về thị trường tín chỉ carbon

Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp Việt Nam, tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm.

Công nghệ mưa nhân tạo có thể dẫn đến ‘cuộc chiến thời tiết’ giữa các quốc gia

Nhà khí tượng học cảnh báo "cuộc chiến thời tiết” giữa các quốc gia có thể nổ ra nếu việc gieo hạt mây vượt tầm kiểm soát, sau khi lũ lụt ở Dubai làm nảy sinh lo ngại về công nghệ gây mưa nhân tạo.

Thời tiết ngày 22/4: Bắc Bộ mưa dông, Tây Bắc Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 22/4, chiều tối và đêm ở khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 15-30 mm, có nơi trên 50 mm; ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa rào và dông cục bộ.

Mưa to, dông lốc kèm mưa đá gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong 

Theo thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, chiều và đêm 20/4, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra mưa, mưa đá, dông lốc, sét cục bộ tại thành phố Hòa Bình và các huyện Đà Bắc, Cao phong, Lương Sơn. Tại một số điểm có mưa to như: Tiến Sơn (Lương Sơn) 34,4 mm, Độc Lập (TP Hòa Bình) 32,2 mm, Tân Pheo (Đà Bắc 21,8 mm), Xuân Phong (Cao Phong) 15,6 mm... Mưa đá, dông lốc đã gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong.

Sét đánh cháy rừng ở xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi

Trận mưa đá tối 20/4 đã gây cháy rừng tại khu đồi Cằn Kẻo, xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục