Nếu hôm nay, không chiến đấu để bảo vệ người tiêu dùng và "khoanh tay" đứng nhìn đồng loại đang trở thành nạn nhân của hệ thống đầu độc bằng thực phẩm bẩn, chắc chắn ngày mai đến lượt, sẽ không ai bảo vệ con cháu chúng ta cho dù chúng được bố mẹ cho di cư ở góc bể, phương trời nào khỏi "quả báo" - bị thui chột và người sẽ không ra người, ngợm sẽ không ra ngợm - bởi thực phẩm có chức năng của vũ khí sinh học, hóa học đang hoành hành khắp thế giới.

 

Sinh thời không có nỗi lo nào canh cánh và lớn lao hơn trong lòng Bác Hồ là độc lập, tự do cho Tổ quốc và "trồng người" cho tương lai tươi sáng của dân tộc. "Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người" - chiến lược đó theo Bác suốt cuộc đời làm cách mạng và truyền lại cho các thế hệ sau như là chìa khóa để dân tộc ta "sánh vai với các cường quốc năm châu". Thế nhưng, thật tiếc có lúc có nơi đã xem nhẹ "sức dân" lơ là trong chiến lược an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) để đến nỗi hôm nay giống nòi đang bị đe dọa bởi "thực phẩm bẩn", "thực phẩm doping", "thực phẩm tái sinh"…

Bức tranh nhiều màu tối

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, các nhà khoa học đã có những cảnh báo đầu tiên về hoa quả tẩm ướp chất bảo quản xuất hiện tràn lan trên thị trường cho tới thức ăn nuôi gia súc được trộn các loại hormone tăng trưởng có khả năng gây vô sinh, gây dậy thì sớm và nhất là biến đổi giới tính, thậm chí trở nên dị dạng vì các phụ gia trên sử dụng không theo quy định và chế độ ATVSTP.

Thế nhưng người ta coi thường, vì thế "những nhát búa" về ATVSTP cứ tự do và khẽ khàng, thầm đẽo gọt sức khỏe của hàng triệu người tiêu dùng (NTD) từng ly, từng ly khiến cho họ không được cảnh báo và cứ thế vô tư lẫn hạnh phúc sau những năm dài bao cấp rượt đuổi được thưởng lãm những trái táo đỏ au, những chùm nho ngọt lịm cho tới những con gà phổng phao, miếng thịt toàn nạc và hàng hóa ngoại rẻ như mơ mà quên hiểm họa của một cuộc chiến tranh hóa học và sinh học không được công bố và do những cơ sở sản xuất, nhà phân phối, tư thương… mất nhân tính tiến hành nhằm thu lợi nhuận tối đa nhưng đặt tương lai giống nòi dưới "lưỡi gươm thực phẩm hủy diệt" được treo bằng một sợi tóc và đang chỉ chờ thời điểm "cộng hưởng" với các yếu tố khác nữa sẽ giáng đại họa xuống đầu dân tộc bởi dòng gene mang tên người Việt bị suy thoái.

Chân gà không rõ nguồn gốc.

Báo động đầu tiên về ATVSTP ở nước ta khiến dư luận chú ý, tiếc thay không chỉ do các nỗ lực của các nhà khoa học của chúng ta, mà sức nặng chủ yếu do các nhà nhập khẩu hàng hóa Việt Nam từ Nhật Bản, EU, Bắc Mỹ gióng lên. Đến lúc này, ATVSTP mới được đưa lên phương tiện truyền thông đại chúng với những số liệu rùng mình.

Năm 2008 được xem là một năm sóng gió bởi dịch tiêu chảy cấp diễn biến phức tạp tại 3 miền đất nước, dịch cúm gà, lợn tai xanh, trâu long móng, sữa nhiễm melamine, rượu chứa chất methanol cao hơn nhiều lần cho phép… khiến cả nước có tới 205 vụ ngộ độc thực phẩm với số nạn nhân là 7.828 người và 61 trường hợp đã tử vong.

So với năm trước, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm 43 vụ nhưng số người tử vong lại có xu hướng gia tăng. Đáng quan tâm là có tới 66,3% số vụ ngộ độc thực phẩm không xác định được nguyên nhân bởi nhiều độc tố lần đầu tiên xuất hiện.

Có rất nhiều đáp án cho câu hỏi tại sao ATVSTP của nước ta ngày một xấu đi như vậy. Đó là ngành sản xuất nông nghiệp nước ta không tập trung, quá phân tán và trình độ sản xuất lạc hậu, sử dụng tràn lan các thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, nhiều hoa, lắm quả, chín nhanh… một cách vô tội vạ và nguy hiểm không lường vì các hóa chất trên nhập lậu không được Nhà nước thẩm tra, kiểm soát.

Hiện nay, một khối lượng cực lớn trong tổng số 11,5 triệu tấn rau các loại do 43 tỉnh, thành phố cung cấp cho thị trường nằm ngoài sự kiểm soát về chất lượng của Nhà nước. Trong chăn nuôi, còn nhiều bất cập đáng sợ hơn. Việc giết mổ, bảo quản, vận chuyển thịt gia súc, gia cầm tươi sống được thực hiện trong điều kiện mất vệ sinh thú y một cách khủng khiếp.

Bày bán thực phẩm ở nơi mất vệ sinh.

Công tác kiểm dịch động vật, kiểm tra vệ sinh thú y quá sơ sài trong khi hơn 70% cơ sở chế biến thực phẩm do hộ gia đình và cá thể không đủ điều kiện tối thiểu về vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm nhưng lại được "khuyến khích bảo lãnh" cho một thị trường khổng lồ gần 90 triệu người.

Kết quả thanh tra trong giai đoạn 2007-2008 cho thấy: 6.891 cơ sở chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm tại Việt Nam bị thanh tra thì chỉ có gần một nửa tạm đạt yêu cầu, còn lại vi phạm nghiêm trọng quy chế ATVSTP. Nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm có quy mô vừa và nhỏ dùng nguyên liệu có chất lượng kém, nguy hiểm như thịt thối, cá hư để làm nguyên liệu. Có cơ sở dùng axit HCl và xút công nghiệp để chế biến nước tương.

Thậm chí, nhiều cơ sở sản xuất bánh mì, bánh ngọt dùng cả hóa chất tạo xốp, tạo nở trong chế biến cao su. Nhiều loại sữa nhập khẩu có hàm lượng protein thấp so với tiêu chuẩn quy định của WHO. Hơn thế nữa là sữa nhiễm cả melamine. Trong cơn bão về "lỗ hổng trách nhiệm" của các cấp quản lý, tư thương bất chính "đục nước béo cò" hoành hành dữ dội với các chiêu gia công hàng ế, hàng kém chất lượng do quay vòng nhiều ngày cho đến thực phẩm bị phân hủy bốc mùi thối rữa và chuyển thành màu xanh, bằng hóa chất công nghiệp như sunfua dioxit (SO2) trong chất "tẩy đường", kalinitrat (KNO3) trong bột săm-pết… thành hàng hóa giá rẻ được tiêu thụ từ nhà hàng, bếp ăn tập thể cho tới trường mầm non.

NTD có thu nhập cao lấy siêu thị làm cứu tinh, nhưng thật phũ phàng khi "tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa". Ngay từ năm 2007, báo chí đã phản ánh hàng loạt các vi phạm về ATVSTP không đáng có tại các siêu thị như: bánh pizza có ruồi đậu, bánh cuốn có hàn the ở Big C; gà nhập từ Ba Lan của siêu thị Fivimart không được bảo quản đúng quy định... nhưng vẫn không bị đóng cửa và chỉ chịu chế tài xử phạt từ 300.000 đồng đến vài triệu đồng. Điều đó dường như là chất xúc tác khiến các siêu thị khác trên toàn quốc "noi gương".

Vì thế cho nên, siêu thị Co.op Mart - Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh, TP HCM) - mới có chuyện không ngần ngại cung cấp nem chua Huế hiệu Việt Hương "bị hư chảy nước vàng, có nhiều chất nhờn, không có vị đặc trưng của nem chua và khi cắn thử thì chúng bở rã...", còn chả quế hiệu Long Phụng với hạn sử dụng còn hơn 15 ngày mà khi mở sản phẩm để dùng thì "chúng đã bị nhớt và chua, người nhà ăn vào sau đó đã bị sốt và phải đi cấp cứu ở bệnh viện...".

Siêu thị Metro Hiệp Phú còn phục vụ khách hàng "khối thịt bò bị nhớt và có mùi hôi nồng nặc"… Cho tới nay, theo đánh giá của Bộ Công thương, cả nước chỉ có khoảng 40-50% trong có khoảng 400 trung tâm thương mại, siêu thị đạt 4 tiêu chí quy định của chuẩn siêu thị…

Không phải thách thức hạt nhân, mà thách thức VSATTP

Thách thức trọng đại nhất của thế kỷ XXI, không phải là nguy cơ bùng nổ cuộc chiến tranh hạt nhân, bởi khi xảy ra điều này thì nhân loại sẽ bước vào ngày tận thế, mà chính là cuộc chiến tranh thầm lặng bởi hàng hóa "bọc đường" có khả năng giết dần giết mòn con người từ thức ăn đồ uống, thuốc men, hải sản đông lạnh… cho tới đồ chơi trẻ con, nôi con nít, bánh xe hơi, áo quần, vật dụng nhà bếp, mền đắp, mỹ phẩm và cả thức ăn dành cho chó mèo có chứa các độc dược gây các bệnh vô phương cứu chữa bởi các hóa chất ướp xác chết formaldehyde, malachite green, nitrofurans, sulfoxide, kim loại nặng, thuốc khai quang dioxin, thuốc trừ sâu và hàng loạt hóa chất khác có chức năng tăng tốc hốt tiền tức thời cho gian thương.

Vì vậy, cách đây không lâu, WHO khuyến cáo các phương tiện truyền thông quốc tế không nên quá tập trung chĩa mũi nhọn vào VSATTP của nước khác để lảng tránh nhiệm trước các vấn đề riêng của nước mình. WHO cho rằng tất cả các nước, dù giàu hay nghèo đều phải đối mặt ở mức độ này hay mức độ khác với vấn đề VSATTP và vì vậy phải xiết chặt hơn nữa các pháp chế bảo vệ NTD của nước mình mà không đổ lỗi hay phụ thuộc vào bất cứ hành động nào của bất cứ nước nào khác.

WHO minh họa "học thuyết về trách nhiệm" trên bằng lời phát biểu của bà Sunita Narayan - Giám đốc Trung tâm Khoa học và Môi trường Ấn Độ với hãng Reuters - khi chỉ trích chính phủ mình trong vấn đề bảo hộ NTD trong nước: "Tôi nghĩ rằng mối quan tâm thực sự trong vấn đề này là ở Ấn Độ, nơi Chính phủ đã bỏ qua các tiêu chuẩn của ngành công nghiệp chứ không phải từ Chính phủ Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho các vấn đề liên quan tới người Trung Quốc, còn Chính phủ Ấn Độ phải nhận trách nhiệm trước người dân Ấn Độ".

Thật vậy, không có ai yêu quý gia đình mình hơn bằng bản thân mình và không có ai yêu nòi giống "con Lạc, cháu Hồng" bằng chính người Việt chúng ta. Không thể hy vọng ai đó bán cho chúng ta hàng hóa đảm bảo VSATTP khi chính chúng ta, thị trường chúng ta, siêu thị chúng ta… lại tung ra những sản phẩm bẩn để mưu lợi trên tính mạng của chính chúng ta.

Ai có thể bảo vệ nòi giống Việt đây nếu không phải Nhà nước chúng ta, Chính phủ chúng ta và chính cả chúng ta? Nếu hôm nay, không chiến đấu để bảo vệ NTD và "khoanh tay" đứng nhìn đồng loại đang trở thành nạn nhân của hệ thống đầu độc bằng thực phẩm bẩn, chắc chắn ngày mai đến lượt, sẽ không ai bảo vệ con cháu chúng ta cho dù chúng được bố mẹ cho di cư ở góc bể, phương trời nào khỏi "quả báo" - bị thui chột và người sẽ không ra người, ngợm sẽ không ra ngợm - bởi thực phẩm có chức năng của vũ khí sinh học, hóa học đang hoành hành khắp thế giới.

Vậy nên, "người bé làm việc bé, người lớn làm việc lớn", ai cũng vì tương lai của nòi giống, trong đó có mình và gia đình mình, mà cố sức ghé vai đẩy hòn đá tảng "thực phẩm hủy diệt" xuống vực thẳm, phát quang con đường phát triển của đất nước để trên mảnh đất ruột thịt này con người được bảo vệ từ miếng ăn, ngụm nước cho tới ngọn gió trong lành để thở… khiến cho "hiền tài" mãi mãi không hiếm như "sao buổi sáng" mà trùng trùng như lá "mùa xuân".

Hơn 30 năm trôi qua kể từ ngày 30/5/1975 đến nay vẫn còn đó hàng triệu người là nạn nhân của chất độc da cam và mỗi khi chuẩn bị đón một thành viên mới sắp chào đời, các cựu chiến binh của một thời "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" vẫn thấp thỏm lo âu và nguyện đổi hết mọi thứ trên đời đang có để mong sao cháu bé ra đời có hình hài và trí tuệ bình thường như hàng triệu cháu bé khác để được cắp sách tung tăng đến trường cùng bao bạn bè cùng trang lứa mà không phải sống trong những nhà trẻ đặc biệt.

Còn "bóng mây đen" về ATVSTP lởn vởn trên đầu gần 90 triệu người Việt Nam trong từng phút từng giây từ thập kỷ này tới thập kỷ khác thì được chủ quan và xem nhẹ cho đến khi "NGỘ" được thì e rằng bóng của nó đã phát triển tới mức có khả năng che khuất "ánh mặt trời" khiến dân tộc đứng trước thảm họa khôn lường.

Tại hội thảo về an toàn thực phẩm được tổ chức vào ngày 23/10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố thống kê mới nhất: Hằng năm Việt Nam có hơn 3 triệu trường hợp nhiễm độc từ thực phẩm, gây thiệt hại hơn 200 triệu USD. Còn khảo sát của Hội Ung thư TP HCM cho thấy: Vào những năm cuối thập niên 1990, số mắc bệnh ung thư mới được chẩn đoán là 4.500 ca/năm và tới năm 2005 đã là 5.500 ca. Xu thế đó không bị khống chế mà ngược lại đang gia tăng nhanh hơn trong 3 năm trở lại đây với con số cực kỳ đáng sợ - 150 ngàn bệnh nhân ung thư mới trong một năm.

Theo thống kê của Cục ATVSTP, trong giai đoạn 2000-2006 đã có 174 vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể với 14.653 nạn nhân; 97 vụ ngộ độc thực phẩm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất với 9.898 nạn nhân; 58 vụ ngộ độc thực phẩm trong các trường học với 3.790 cháu bị ngộ độc thực phẩm và 2 cháu bị chết; 161 vụ ngộ độc thực phẩm do thức ăn đường phố với 7.688 người mắc và 7 người chết.

 

                                                                                       Theo CAND

 

 

Các tin khác


Dồn sức khắc phục thiệt hại sau mưa đá lịch sử tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò

Trận mưa đá được xem là lớn nhất từ trước đến nay xảy ra chiều 24/4 tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò đã khiến nhiều diện tích ngô, lúa, rau màu, cây ăn quả của bà con bị thiệt hại nặng nề; nhiều nhà cửa hư hỏng. Ngay sau thiên tai, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Mai Châu đã trực tiếp khảo sát tình hình thực tế và chỉ đạo các xã khẩn trương khắc phục thiệt hại để sớm ổn định sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Huyện Mai Châu: Mưa đá lịch sử gây thiệt hại nặng nề tại xã Pà Cò

Theo báo cáo sơ bộ của UBND xã Pà Cò (Mai Châu), khoảng 16 - 17h ngày 24/4, một trận mưa đá đổ bộ trên địa bàn xã. Đây là trận mưa đá lớn chưa từng có làm thiệt hại hàng trăm héc ta hoa màu, cây ăn quả. Nhiều nhà dân bị đá rơi làm hư hỏng, sập mái.

Mưa đá gây thiệt hại ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu

Trận mưa đá kéo dài hơn 10 phút vào khoảng 16 h chiều 24/4 đã gây thiệt hại cho sản xuất và hoa màu ở 2 xã Hang Kia và Pà Cò, huyện Mai Châu.

Xã Tân Minh khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai

Những ngày qua, tại một số địa phương như thành phố Hòa Bình, các huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Lương Sơn xảy ra mưa lớn, mưa đá, dông lốc và sét cục bộ gây thiệt hại về kinh tế và đời sống sinh hoạt của nhân dân; trong đó, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc chịu thiệt hại nặng nề. Ngay sau khi xảy ra thiệt hại, cấp ủy, chính quyền xã Tân Minh đã chỉ đạo tập trung nhân lực, phương tiện, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai.

Siết chặt quản lý vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất

Với chức năng quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), hóa chất, thời gian qua, ngành Công Thương đã phối hợp các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo quản, sử dụng VLNCN và hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn về thị trường tín chỉ carbon

Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp Việt Nam, tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục