Rừng ngập mặn đê biển I ở Hải Phòng đang phát huy tác dụng phòng chống bão cho nhân dân địa phương.

Rừng ngập mặn đê biển I ở Hải Phòng đang phát huy tác dụng phòng chống bão cho nhân dân địa phương.

Là một trong những địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng do bão, những năm qua thành phố Hải Phòng luôn quan tâm đến công tác trồng rừng ngập mặn để giảm thiểu những tác hại do thiên tai gây ra. Việc trồng rừng ngập mặn ở Hải Phòng không chỉ góp phần tích cực phòng ngừa thảm họa mà còn có tác dụng trong việc cải thiện môi trường sinh thái và xóa đói giảm nghèo.

 

Đầu tư phát triển rừng ngập mặn ven biển

Hải Phòng là thành phố ven biển có chiều dài đê biển là 125km với diện tích đất tự nhiên gần 152 nghìn ha, nằm trong vùng hạ lưu của hệ thống sông Thái Bình. Cùng với các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh thì Hải Phòng là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng bãi triều và rừng ngập mặn. Trong đó diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn tập trung tại bốn huyện và ba quận ven biển là Thủy Nguyên, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Cát Hải, Đồ Sơn, Dương Kinh và Hải An. Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế khai thác các nguồn lợi từ biển nhưng đây cũng là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng khi bão đổ bộ.

Để giảm thiểu tác hại của thiên tai gây ra, thời gian qua thành phố Hải Phòng đã tranh thủ các nguồn vốn, hỗ trợ công tác trồng rừng ngập mặn bảo vệ bờ biển khi có bão lớn và hệ thống đê khỏi bị xói lở do triều cường, bảo vệ vùng đất ven biển trước nguy cơ nước biển dâng cao.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng Dương Đức Tùng cho biết, từ năm 1992 đến nay, thành phố đã triển khai xây dựng các dự án nhằm khôi phục, phát triển và bảo vệ rừng ngập mặn phòng hộ ven biển qua việc tranh thủ các nguồn vốn quốc tế tài trợ như chương trình trồng rừng PAM 5325; chương trình trồng ngập mặn của Hội Chữ thập đỏ; chương trình hành động phục hồi rừng ngập mặn của tổ chức ACMAMG (Nhật Bản)…

Bên cạnh đó, thành phố cũng sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn chương trình phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển với đa dạng các nguồn vốn đầu tư như vốn chương trình đê biển; vốn đầu tư cho bảo vệ phát triển rừng của T.Ư và địa phương cùng các nguồn vốn của một số tổ chức phi chính phủ…

Do đó, mỗi năm Hải Phòng đã thực hiện trồng mới được hàng trăm ha rừng ngập mặn. Nhờ đó, hệ thống rừng phòng hộ ven biển trên địa bàn không ngừng mở rộng về diện tích cũng như chất lượng. Từ chỗ chỉ có 293 ha rừng năm 1990, đến nay diện tích rừng được bảo vệ và mở rộng quy mô lên hơn 4.700 ha.

Có thể nói, sau những cơn bão lớn xảy ra những năm trước, các tuyến đê biển không có hệ thống rừng ngập mặn phòng hộ ven biển đã bị tàn phá. Tuy nhiên, từ khi thành phố mở rộng được nhiều diện tích rừng ngập mặn các tuyến đê biển có rừng bên ngoài đã được bảo vệ an toàn khi có bão lớn đổ bộ vào. Không những bảo vệ tốt cho các tuyến đê biển, giảm thiểu kinh phí cho việc sửa chữa, tu bổ đê kè thường xuyên, giúp người dân địa phương yên tâm hơn khi có bão lớn mà rừng ngập mặn còn mang lại nguồn lợi thuỷ sản cho nhân dân địa phương.

“Lá chắn xanh” trước biển

Chúng tôi đến tuyến đê biển I nằm giữa hai quận Ðồ Sơn và Dương Kinh không khỏi choáng ngợp bởi mầu xanh ngút ngàn của hệ thống rừng ngập mặn ven biển với cây trang, mắm, bần mọc theo từng tầng khác nhau. Cây cao nhất cũng khoảng 3,5 đến 4 m, tầng thấp hơn và nhiều cây hơn cao từ 2 đến 2,5 m cùng với lớp cây non mới mọc phía dưới...

Nhìn hệ thống rừng ngập mặn ven biển của Hải Phòng xanh tươi như vậy nhưng ít ai biết rằng nơi đây đã từng có thời gian trồng rừng ngập mặn không thành công, đê biển và cuộc sống người dân thường xuyên bị đe dọa mỗi khi mùa mưa bão đến...

Trưởng phòng Khoa học kỹ thuật, Trung tâm giống và phát triển nông, lâm nghiệp công nghệ cao Hải Phòng Lưu Văn Cảnh cho biết, đây là vùng ven biển có chiều dài 17,8 km nhưng lại có hai điều kiện lập địa khác nhau là bãi bồi phù sa và bãi cát đen di động. Nếu như bãi bồi phù sa việc trồng rừng ngập mặn bằng phương pháp thông thường luôn đạt được hiệu quả, phát huy tốt tác dụng cản sóng khi có bão lớn do cây được bổ sung thường xuyên chất dinh dưỡng từ phù sa.

Nhưng từ km 12+800 đến km 17+800 lại có điều kiện lập địa là bãi cát đen di động. Trước đây thành phố đã thực hiện việc trồng rừng ngập mặn bằng phương pháp thông thường nhưng không thành công do cát trôi và bị hà bám. Đến năm 2001, bằng đề tài nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật cải tạo thành phần cơ giới và trồng cây mắm, bần trên bãi cát đen di động đã được thành phố đưa vào trồng thử nghiệm. Sau hai năm thực hiện với phương pháp đào hố, cải tạo cục bộ theo hố khi thủy triều xuống, sau đó lấy đất phù sa nơi khác đổ vào và trồng cây to, bầu to và có cọc giữ khỏi lung lay khi nước thủy triều lên, xuống cây không bị trôi theo cát. Đồng thời, những hố trồng cây cũng là “bẫy” để giữ đất phù sa lại tạo thành bãi bồi và nuôi dưỡng cây phát triển. Do vậy, từ năm 2006 đến nay từ nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng đê điều; vốn chương trình củng cố nâng cấp bảo vệ tuyến đê hiện có để áp dụng việc trồng rừng theo phương pháp trên tại bãi cát đen di động toàn thành phố đã trồng được 64 ha với chiều dài hơn 3.200m, kinh phí đầu tư 200 triệu đồng/ha.

Có thể nói, với phương pháp mới này, một số bãi cát đen di động đã trồng được rừng ngập mặn, góp phần tạo thêm “bức tường xanh” trước biển trên địa bàn thành phố. Không chỉ chú trọng đầu tư và nghiên cứu các phương pháp mới để mở rộng diện tích rừng ngập mặn thì thành phố Hải Phòng cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư trong việc bảo vệ rừng ven biển nhằm tăng cường công tác bảo vệ rừng ngập mặn và nâng cao trách nhiệm pháp lý cho các chủ rừng. Trong đó, giai đoạn từ năm 2006 đến 2010, thành phố đã trích ngân sách hỗ trợ công tác bảo vệ rừng với mức 50.000 đồng/ha/năm. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2015 thành phố tiếp tục có quyết định nâng mức hỗ trợ công tác bảo vệ rừng lên 100.000 đồng/ha/năm.

Tiếp tục mở rộng đai rừng ngập mặn

Mặc dù công tác trồng rừng ngập mặn trên địa bàn thành phố Hải Phòng những năm qua đã đạt được nhiều thành công, góp phần giảm những thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, công tác bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn của thành phố vẫn gặp nhiều khó khăn do địa hình phức tạp, ảnh hưởng nhiều do thuỷ triều, thời tiết. Hơn nữa, nguồn thu lợi trực tiếp từ trồng rừng ngập mặn của các chủ rừng hầu như không có nên tỷ lệ trồng thành rừng vẫn đạt kết quả thấp.

Để khắc phục tình trạng này và tiếp tục mở rộng diện tích rừng, kế hoạch trong giai đoạn 2011-2015 Hải Phòng tiếp tục triển khai xây dựng dự án phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển. Theo đó mục tiêu dự án là trồng mở rộng đai rừng ngập mặn ven biển trên toàn bộ diện tích đất trống quy hoạch lâm nghiệp, đồng thời tiến hành trồng bổ sung, cải tạo, nâng cấp một số diện tích rừng trang ven biển nhằm bảo đảm phát triển rừng bền vững. Trên cơ sở đó đến cuối năm 2015, thành phố sẽ nâng tổng quỹ rừng ngập mặn ven biển lên hơn 6.800 ha (chiếm 27,7% diện tích bãi triều).

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Dương Đức Tùng thì để đạt được những mục tiêu đó thành phố sẽ bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có, đồng thời trồng mới hơn hai nghìn ha rừng. Trong đó tập trung trồng toàn bộ hành lang chỉ giới bảo vệ đê của các tuyến đê biển với chiều rộng đai rừng tối thiểu 500m và trồng mở rộng đai rừng phòng hộ ven biển tại các bãi triều có điều kiện thích hợp trên các khu vực thuộc các quận, huyện Đồ Sơn, Tiên Lãng, Kiến Thụy…

Ngoài ra, thành phố cũng sẽ trồng bổ sung, nâng cấp 261 ha rừng trang để nâng cao hiệu quả phòng hộ. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển, Hải Phòng có giải pháp giao rừng bằng việc triển khai giao khoán bảo vệ rừng ngập mặn cho các tổ chức, nhóm gia đình hoặc cộng đồng dân cư, bảo đảm 100% diện tích rừng đều có chủ cụ thể để quản lý. Đồng thời đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học về giống cây trồng, cải tiến kỹ thuật trồng rừng ngập mặn, đặc biệt là những nơi có điều kiện lập địa khó khăn, các vùng xung yếu; có cơ chế chính sách quản lý bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ven biểm nhằm bảo đảm 100% diện tích rừng đều được hỗ trợ kinh phí bảo vệ, đồng thời hỗ trợ việc làm nâng cao đời sống cho nhân dân.

 

                                                                                        Theo ND

 

 

Các tin khác


Thời tiết ngày 25/3: Đông Bắc Bộ mưa vài nơi, Nam Bộ nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 25/3, khu Tây Bắc Bắc Bộ, vùng núi phía Tây khu vực Bắc Bộ, Trung Trung bộ và khu vực Tây Nguyên có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày có nơi trên 36 độ C. Khu vực Nam Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Độ ẩm tương đối thấp, phổ biến 45-50%.

Ghi nhận những ngày đầu thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe ô tô trực tuyến toàn trình

Từ ngày 15/3/2024, tỉnh Hòa Bình chính thức triển khai cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) ô tô theo hình thức trực tuyến toàn trình (TTTT) qua Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Với sự phối hợp chặt chẽ của ngành GTVT và Bưu điện tỉnh, việc triển khai dịch vụ cấp đổi GPLX ô tô trực tuyến đã được thực hiện thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Thời tiết ngày 21/3: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vài nơi

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 21/3, Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác; đêm và sáng trời rét.

Thời tiết ngày 20/3: Gió mạnh, sóng lớn trên biển

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 20/3, Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh. Sóng biển cao 2-4 m.

Từ tháng 4 - 9/2024, đề phòng các hình thái thời tiết nguy hiểm

Nhận định về các hình thái thời tiết từ tháng 4-9/2024, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, từ tháng 4-6/2024, hiện tượng El Nino sẽ suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính với xác suất 75-80%. Bão và áp thấp nhiệt đới ít có khả năng xuất hiện trên Biển Đông.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục