Đa số các em học sinh xóm Trao I, xã Phong Phú (Tân Lạc) được đưa đón bằng thuyền nan thô sơ không có phao cứu sinh rất nguy hiểm khi đến trường.

Đa số các em học sinh xóm Trao I, xã Phong Phú (Tân Lạc) được đưa đón bằng thuyền nan thô sơ không có phao cứu sinh rất nguy hiểm khi đến trường.

(HBĐT) - Dự án hồ Trọng, huyện Tân Lạc có tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng, xây dựng trên địa bàn các xã Phong Phú, Tuân Lộ, Mỹ Hòa, Quy Mỹ, Quy Hậu, Mãn Đức, Phú Cường và thị trấn Mường Khến, tưới cho khu Mường Bi và Mãn Đức với diện tích 1.010 ha.

 

Trong đó, tự chảy 607,8 ha lúa, 2,7 ha màu, tạo nguồn cho 399,5 ha màu, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 12.000 hộ dân ven QL6, khu thị trấn Mường Khến và 2 đơn vị quân đội trên địa bàn. Quy mô xây dựng đập đất dài 275 m, tạo hồ chứa trữ nước có diện tích 19,47 km2. Sau khi các hạng mục chính hoàn thành đưa vào sử dụng, công trình đã thực sự phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sản xuất, đời sống của nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên, công tác đền bù GPMB, hỗ trợ tái định cư của dự án còn tồn tại nhiều bất cập.  

 

Xóm Trao I, xã Phú Cường là một trong những địa bàn bị ảnh hưởng lớn nhất khi triển khai dự án thủy lợi hồ Trọng. Cả xóm có 77 hộ nhưng có tới 53 hộ bị ảnh hưởng thuộc diện phải di dời tới nơi ở mới, chiếm 63,83%. Do chưa có khu tái định cư và hồ Trọng đã tích nước nên hơn 3 năm qua, đời sống của các hộ dân ở đây gặp nhiều khó khăn.

 

ông Bùi Văn Hương, Trưởng xóm Trao I cho biết: Trước khi xây dựng công trình thủy lợi hồ Trọng, cả xóm có 11,8 ha lúa nước 2 vụ, giờ đây chỉ còn 1,8 ha. Đời sống người dân rất khó khăn, đất rừng do lâm trường quản lý, diện tích nương rẫy ít. Vì vậy, thu nhập chủ yếu của người dân dựa vào chăn nuôi gia súc, gia cầm và đánh bắt thủy sản nên đời sống bấp bênh. Hiện tại, cả xóm có 39 hộ nghèo, chiếm 50,64%, bình quân thu nhập mới đạt 9 triệu đồng/người/năm.

 

Do BQL dự án và huyện chưa bố trí được khu tái định cư nên từ khi hồ Trọng tích nước đến nay, 29 hộ đã phải chuyển vén từ 2-3 lần mới tạm ổn định đời sống. Anh Bùi Văn Hạnh vẫn còn bàng hoàng khi nhớ lại trận lũ hồi tháng 6/2010: Hôm đó, vào khoảng 5 giờ sáng, nước lũ ùn ùn đổ về, nước ngập quá sàn nhà. Lợn nháo nhác chạy lên đồi, sách, vở và hàng trăm con gà dưới gầm nhà trôi theo dòng nước. May có anh em trong dòng họ và bà con hàng xóm chuyển kịp thóc lên nơi khô ráo mới còn gạo mà ăn. Sau lần đó, lại một lần nữa nhà tôi phải di chuyển lên chỗ cao hơn để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản. Chúng tôi đề nghị Nhà nước hỗ trợ tiền cho các hộ phải chuyển vén và sớm có khu tái định cư để ổn định đời sống.

 

Cùng với 29 hộ phải chuyển vén chưa nhận được tiền hỗ trợ, hiện công tác đền bù GPMB dự án thủy lợi hồ Trọng tại xóm Trao I vẫn còn không ít tồn tại. Trưởng xóm Bùi Văn Hương cho biết thêm: Quá trình kiểm đếm, hội đồng đền bù GPMB còn thống kê thiếu diện tích đất ruộng và đất màu của 10 hộ, 12 hộ đã được kiểm đếm nhưng chưa được nhận tiền đền bù, 3 hộ đã được trả tiền bồi thường nhưng còn thiếu, 10 hộ với 33 ngôi mộ bị kiểm đếm thiếu. Bên cạnh đó có tới 9 hộ không thuộc diện di chuyển phải sống trên ốc đảo cách biệt hoàn toàn với dân cư trong xóm, không có đất sản xuất, đi lại rất khó khăn. Chúng tôi rất mong các cấp có thẩm quyền sớm giải quyết những quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân.

 

Đáng lo ngại hơn cả là việc học hành của các em học sinh ở xóm Trao I rất khó khăn, nguy hiểm do tình trạng đò giang cách trở. Cả xóm hiện có 16 em đang theo học từ tiểu học, THCS đến THPT. Hàng ngày, các em phải đi thuyền nan hoặc thuyền máy qua hồ mà các phương tiện này không hề có phao cứu hộ. Mỗi em học sinh gia đình phải góp 20.000 đồng/tháng để đi thuyền đến trường, ở một xóm nghèo số tiền đó không hề nhỏ. Anh Bùi Văn Tiến cho biết: Sáng nào tôi cũng phải chạy thuyền một vòng quanh hồ đưa 2 con đi học. Cháu nhỏ đi mẫu giáo ở trung tâm xóm, mất 2 km đường thủy, 2 km đường bộ. Cháu lớn học lớp 8 nhưng trái tuyến vì học nhờ ở xã Phú Vinh cũng mất 3 km đường thủy, 3 km đường bộ. Chỉ nguyên việc đưa con đi học mỗi ngày cũng mất 40.000 tiền dầu. Là hộ nghèo nhưng cháu lớn học trái tuyến nên không được miễn giảm đầu năm học phải đóng tới 650.000 đồng, đã khó khăn lại càng khó khăn thêm.

 

Ngoài những khó khăn nguy hiểm khi các cháu học sinh đi học trên vùng hồ, những trường hợp ốm đau, thai sản cũng hết sức nan giải. Anh Bùi Văn Nguyên băn khoăn nói: Đò giang cách trở nên những sản phụ nếu thấy bình thường thì sinh tại nhà, đẻ khó mới đưa lên trạm y tế. Khổ nhất là khi có người ốm đau, đêm chạy thuyền trên hồ tù mù lần hồi mãi mới tới bến. Tuy chưa có trường hợp đáng tiếc xảy ra nhưng về lâu dài không thể lường hết được. Đời sống chưa ổn định, người đang sống đã đành nhưng với những người qua đời là cả một vấn đề phức tạp. Họ vẫn phải chôn cất người thân nhưng vẫn đau đáu nỗi niềm khi về nơi ở mới không biết lo cho mồ mả ông bà, cha mẹ như thế nào.

 

Để phục vụ lợi ích chung, người dân xóm Trao I đã nghiêm túc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sẵn sàng bàn giao mặt bằng để xây dựng công trình. Họ cũng kiên nhẫn chờ đợi Nhà nước bố trí nơi tái định cư và giải quyết các chế độ chính sách. Công tác đền bù GPMB, hỗ trợ tái định cư càng kéo dài đời sống người dân xóm Trao I càng thêm khó khăn. Thực trạng đó đang rất cần sự vào cuộc khẩn trương, tích cực của các cấp,  ngành.

 

                                                                          Đức Phượng

 

Các tin khác


Siết chặt quản lý vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất

Với chức năng quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), hóa chất, thời gian qua, ngành Công Thương đã phối hợp các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo quản, sử dụng VLNCN và hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn về thị trường tín chỉ carbon

Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp Việt Nam, tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm.

Công nghệ mưa nhân tạo có thể dẫn đến ‘cuộc chiến thời tiết’ giữa các quốc gia

Nhà khí tượng học cảnh báo "cuộc chiến thời tiết” giữa các quốc gia có thể nổ ra nếu việc gieo hạt mây vượt tầm kiểm soát, sau khi lũ lụt ở Dubai làm nảy sinh lo ngại về công nghệ gây mưa nhân tạo.

Thời tiết ngày 22/4: Bắc Bộ mưa dông, Tây Bắc Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 22/4, chiều tối và đêm ở khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 15-30 mm, có nơi trên 50 mm; ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa rào và dông cục bộ.

Mưa to, dông lốc kèm mưa đá gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong 

Theo thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, chiều và đêm 20/4, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra mưa, mưa đá, dông lốc, sét cục bộ tại thành phố Hòa Bình và các huyện Đà Bắc, Cao phong, Lương Sơn. Tại một số điểm có mưa to như: Tiến Sơn (Lương Sơn) 34,4 mm, Độc Lập (TP Hòa Bình) 32,2 mm, Tân Pheo (Đà Bắc 21,8 mm), Xuân Phong (Cao Phong) 15,6 mm... Mưa đá, dông lốc đã gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong.

Sét đánh cháy rừng ở xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi

Trận mưa đá tối 20/4 đã gây cháy rừng tại khu đồi Cằn Kẻo, xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục