Diễn tập ứng phó sóng thần tại bãi biển xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ (Bình Định).
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, dự báo khoảng đêm 7-8 vùng tâm bão số 6 có khả năng đi vào đất liền các tỉnh phía đông Bắc Bộ và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh. Từ hôm nay (7-8) ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông; Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông. Vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.
Trong ba ngày qua trên phạm vi cả nước có mưa vừa, mưa to đến rất to; trong đó mưa lớn tập trung ở khu vực Bắc Bộ, với tổng lượng mưa phổ biến dưới 170mm. Một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Nậm Ty (Hà Giang) 241 mm, Chợ Mới (Bắc Cạn) 185 mm, Ðiện Biên (Ðiện Biên) 220 mm, Quảng Cư (Vĩnh Phúc) 232 mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 210 mm, Tam Ðảo (Vĩnh Phúc) 211 mm, Lục Yên (Yên Bái) 188 mm, Sơn Ðộng (Bắc Giang) 188 mm, Sơn Nam (Tuyên Quang) 228 mm, Cô Tô (Quảng Ninh) 217 mm.
Do mưa lớn mực nước trên sông Thao và sông Lô đã đạt đỉnh ở mức báo động 1, dưới báo động 2 và hiện đang xuống; hạ lưu hệ thống sông Hồng đang lên nhanh, sông Thái Bình đã đạt đỉnh và đang xuống, riêng trên sông Cầu tại Ðáp Cầu lên chậm. Dự báo, mực nước trên sông Thao và sông Lô tiếp tục xuống; hạ lưu hệ thống sông Hồng biến đổi chậm sau đó xuống nhanh; sông Thái Bình, sông Thương, sông Lục Nam sẽ xuống nhanh. Hôm nay (7-8), mực nước tại Hà Nội xuống mức 6,5m. Còn tại các sông Nam Bộ, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên. Dự báo, trong những ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên. Ðến ngày 9-8, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu lên mức 2,95m; tại Châu Ðốc lên mức 2,4m.
Sáng 6-8, Ban chỉ đạo PCLB T.Ư đã có cuộc họp khẩn cấp bàn các biện pháp đối phó bão số 6. Sau bão số 5, vẫn còn hơn 1.200 phương tiện với khoảng 12.000 lao động đang hoạt động trên khu vực quần đảo Hoàng Sa, khu vực giữa Biển Ðông và quần đảo Trường Sa chưa kịp về. Với đất liền, hậu quả từ cơn bão số 5 cũng chưa khắc phục xong, nay lại có mưa bão mới. Nhằm chủ động phòng, tránh, phương án được đưa ra là các tàu tùy vị trí hiện tại mà ở lại tránh trú bão trên quần đảo Hoàng Sa hoặc đi về phía Ðông Bắc, ra khỏi đường di chuyển của bão. Tuyệt đối không chạy vào bờ.
Sơ đồ đường đi của bão số 6.
Ngày 6-8, Ban chỉ đạo PCLB T.Ư - Ủy ban Quốc gia TKCN đã có Công điện số 40/CÐ-T.Ư gửi Ban chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa; các bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, yêu cầu: Bằng mọi biện pháp thông báo và hướng dẫn tàu thuyền hoạt động trên biển thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm. Theo đó, vùng nguy hiểm trong vòng 24 giờ tới được xác định là vùng biển phía bắc Vĩ tuyến 13 và phía tây Kinh tuyến 115. Các tàu thuyền hoạt động gần đảo khẩn trương vào các đảo để trú tránh. Ðồng thời quản lý chặt chẽ việc ra khơi, hướng dẫn, neo đậu tàu thuyền vào nơi trú tránh, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện; tùy theo diễn biến của bão, chủ động chỉ đạo việc cấm biển; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
Ðến nay, Bộ đội Biên phòng tuyến biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 41.475 phương tiện (200.515 người) biết vị trí, hướng di chuyển bão để chủ động di chuyển phòng tránh. Trong đó, có 21 phương tiện (252 người) hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa; 1.269 phương tiện (12.249 người) hoạt động ở khu vực giữa Biển Ðông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa); 40.185 phương tiện (188.114 người) hoạt động ở ven bờ, khu vực khác và neo đậu tại bến.
Chiều 6-8, UBND TP Hải Phòng đã có cuộc họp khẩn với các ngành, địa phương, đơn vị triển khai phòng, chống bão số 6. Trước đó, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đã có Công điện khẩn số 06/CÐ-CT, Ban Chỉ huy PCLB và TKCN thành phố Hải Phòng có Công điện khẩn số 11/CÐ-PCLB và TKCN chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống bão số 6.
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng, đến chiều 6-8, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã thông tin cho 2.954 phương tiện với 9.642 lao động đang hoạt động trên biển và neo đậu tại bến biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh. Trong đó, 269 phương tiện đang hoạt động xa bờ, 1.167 phương tiện hoạt động ven bờ, 1.518 tàu thuyền đang neo đậu tại bến... Bộ đội Biên phòng và các địa phương đang liên lạc, kêu gọi 1.436 tàu thuyền đang hoạt động trên biển phải về nơi tránh trú trước 7 giờ sáng 7-8. TP Hải Phòng cũng tạm dừng các cuộc họp chưa thật cần thiết trong ngày 7-8 để tập trung chỉ đạo, tổ chức phòng, chống bão số 6.
Ngày 6-8, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Ðịnh đã gửi công điện yêu cầu các địa phương, sở, ban, ngành trong tỉnh khẩn trương triển khai công tác phòng, chống bão số 6. Cụ thể: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 6 để chủ động phòng, chống; gọi, hướng dẫn, kiểm đếm tàu, thuyền vào nơi trú ẩn an toàn; cấm mọi tàu, thuyền ra khơi; yêu cầu các chủ đầm, người nuôi trồng thủy sản ở các chòi canh, người sinh sống ngoài đê chính và sẵn sàng phương án tổ chức sơ tán dân thuộc diện nhà nguy hiểm, các hộ dân sống ở các vùng cửa sông, ven biển vào khu vực an toàn; bơm tiêu nước đệm vùng nội đồng bảo vệ an toàn lúa mùa, rau màu; kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời những công trình đê điều, cống bị hư hỏng; triển khai ngay các phương án phòng, chống bão lũ theo phương châm "Bốn tại chỗ".
Ban chỉ huy PCLB tỉnh Thái Bình gửi điện khẩn số 14 yêu cầu các địa phương trên địa bàn chủ động các biện pháp đối phó với bão số 6 đang xuất hiện ở Biển Ðông. Cụ thể, tổ chức phương án phòng, chống lũ, bảo đảm an toàn đê điều, chủ động thu hoạch hoa màu trên bãi sông, đóng các cống tưới, mở các cống tiêu nước; kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, tìm mọi cách thông báo cho chủ các phương tiện biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão.
Theo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Ðịnh, tính đến chiều 6-8, tổng số tàu, thuyền đang hoạt động trên biển là 7.549 tàu (44.340 lao động); trong đó khu vực phía bắc (từ Quảng Ngãi trở ra đến Quảng Ninh) có 201 tàu (1.247 lao động); khu vực phía nam (từ Phú Yên đến Kiên Giang) có 2.324 tàu (14.790 lao động); khu vực Trường Sa có 549 tàu (4.488 lao động); khu vực nằm giữa Hoàng Sa - Trường Sa là 165 tàu (1.237 lao động).
Ngày 6-8, tại bãi biển thôn Xuân Thạnh, xã Mỹ An, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 phối hợp Tỉnh ủy, UBND tỉnh, và huyện Phù Mỹ (Bình Ðịnh) tổ chức diễn tập ứng phó với sóng thần và tìm kiếm cứu nạn năm 2013, với hơn 3.000 người tham gia. Tình huống giả định là một trận động đất mạnh 8,8 độ rích-te xảy ra ngoài khơi Biển Ðông, tạo nên đợt sóng thần có độ cao sóng lên tới 8m, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, trong đó có Bình Ðịnh yêu cầu người dân cùng các lực lượng vũ trang, dân quân, chính quyền địa phương thực hiện các bước ứng phó. Cuộc diễn tập nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng ứng phó thiên tai, thảm họa cho người dân.
Theo Báo NhanDan
(HBĐT) - Như tin đã đưa, do ảnh hưởng của cơn bão số 5, trên địa bàn tỉnh ta đã xảy ra mưa tập trung, cường độ lớn với lượng mưa từ 100 – 150mm, mực nước dâng cao trên các sông Đà, Bùi, Bôi, gây ngập úng và sạt lở nhiều công trình, nhà dân trong tỉnh, 3 người bị tử vong do lũ cuốn (1 người ở Đà Bắc và 2 người ở Cao Phong).
(HBĐT) - Vào hồi 11 giờ 30 phút ngày 4/8, tổ công tác Đội Cảnh sát PCTP về môi trường, Công an TP. Hoà Bình đã bắt quả tang đối tượng Nguyễn Thị Thắm (sinh năm 1958) đang tàng trữ 150 hộp hoá chất thúc hoa quả chín tại gia đình ở tổ 24, phường Phương Lâm (TPHB).
Từ sáng 3-8, bão số 5 đã gây mưa to kèm gió mạnh tại nhiều tỉnh thành gây ra thiệt hại cho một số công trình, nhiều hộ dân phải di dời tránh bão...
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của bão số 5, trạm đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh 20m/s (cấp 8), giật 26m/s (cấp 10); ở đảo Cô Tô: 20m/s (cấp 8), giật 29m/s (cấp 11); ở Móng Cái (Quảng Ninh): 13m/s (cấp 6), giật 27m/s (cấp 10); Quảng Hà (Quảng Ninh): 18m/s (cấp 8), giật 30m/s (cấp 11); Cửa Ông: 12m/s (cấp 6), giật 20m/s (cấp 8), Sơn Động (Bắc Giang): 15m/s (cấp 7), giật 20m/s (cấp 8); Thái Bình gió giật 20m/s (cấp 8).
Đêm mùng 2 và sáng 3-8, trên địa bàn thành phố Hải Phòng bắt đầu có mưa nhỏ, các khu vực ven biển nhiều nơi mưa to dần lên. Tại huyện đảo Bạch Long Vỹ, theo báo cáo của Ban CHQS huyện, gió đã mạnh lên cấp 8, giật cấp 9. Tính đến 10 giờ sáng nay, Hải Phòng vẫn chưa có thiệt hại do bão số 5 gây ra.
(HBĐT) - Sáng ngày 2/8, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN), an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản (ATTP NLTS). Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại đầu cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở NN&PTNT, KH&ĐT, Tài chính, Công Thương, Y tế, Văn phòng UBND tỉnh và đại diện các Chi cục trực thuộc Sở NN&PTNT.