(HBĐT) - Tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, HĐND tỉnh khoá XV đã thông qua nghị quyết về quy hoạch phòng, chống lũ cho các tuyến sông và đê trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, nội dung chính như sau:
Mục tiêu: Điều chỉnh vùng bảo vệ, xác định lưu lượng, mực nước lũ thiết kế tại các điểm chuẩn của các tuyến sông có đê trên địa bàn tỉnh, gồm: sông Đà, sông Bôi và sông Thanh Hà; xác định chỉ giới tuyến thoát lũ cho các tuyến sông chính có đê; xác định các giải pháp công trình, phi công trình phòng - chống lũ đối với các tuyến sông chính trên địa bàn tỉnh để phòng, chống lũ có hiệu quả và lập tiến độ thực hiện; làm cơ sở để lập quy hoạch đê điều, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch khác có liên quan của các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Phạm vi quy hoạch: là toàn bộ các tuyến sông chính có đê và chưa có đê trên địa bàn tỉnh gồm sông Đà, sông Bôi, sông Thanh Hà, sông Bùi, sông Lạng và sông Bưởi, với 11 đơn vị hành chính bao gồm các huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn, Kim Bôi, Lương Sơn, Lạc Thuỷ, Yên Thuỷ, Kỳ Sơn, Cao Phong và TP Hoà Bình.
Tiêu chuẩn thiết kế phòng lũ đối với các tuyến sông có đê: Tại tuyến sông Đà, bảo đảm chống được lũ có chu kỳ 300 năm (tần suất 0,33%), tương ứng với mực nước sông Đà tại Trạm Thủy văn Hòa Bình là 24,19m và thoát được lưu lượng tối thiểu là 15.500 m3/s; tại tuyến sông Bôi: Bảo đảm chống được lũ có chu kỳ 20 năm (tần suất 5%); tương ứng với mực nước sông Bôi tại vị trí cầu thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thủy là 7,91m và thoát được lưu lượng tối thiểu là 2.918 m3/s; Tại tuyến sông Thanh Hà: Bảo đảm chống được lũ có chu kỳ 20 năm (tần suất 5% ), tương ứng với mực nước sông Thanh Hà tại tại cầu Thanh Lương (đường Hồ Chí Minh) là 6,25m và thoát được lưu lượng tối thiểu là 84 m3/s.
Chỉ giới hành lang thoát lũ đối với các tuyến sông có đê: Tuyến sông Đà: Ranh giới tuyến thoát lũ phía tả sông Đà về cơ bản được xác định đi theo tuyến đường Hoà Bình, đê Ngòi Dong và đường 434 (nay là quốc lộ 70) đến địa phận tỉnh Phú Thọ, phía hữu sông Đà đi theo tuyến đê Đà Giang, quốc lộ 6 cũ, đê Trung Minh và đê Phú Cường (đường Pheo - Chẹ hay đường 445) đến địa phận thành phố Hà Nội. Chiều rộng hành lang thoát lũ bình quân từ 400m đến 600m.Riêng tuyến suối Chăm đoạn dọc theo đê Quỳnh Lâm, hành lang thoát lũ có chiều rộng bình quân là 200m; tuyến sông Bôi: Tuyến thoát lũ sông Bôi từ xã Hưng Thi trở xuống đến hết địa phận xã Yên Bồng, huyện Lạc Thủy cơ bản vẫn theo chiều rộng lòng dẫn tự nhiên nằm trong phạm vi đường 21B đến chân núi (đoạn từ xã Phú Thành đến cầu Chi Nê) và trong phạm vi chân núi 2 bên (đoạn từ cầu Chi Nê đến hết địa phận xã Yên Bồng) bình quân từ 300-500m; tuyến sông Thanh Hà: Từ khu vực xã Thanh Lương tuyến thoát lũ đi theo đê Xuân Dương và đê Thanh Lương hiện có, chiều rộng hành lang thoát lũ bình quân 100m.
Giải pháp phi công trình: Trồng rừng và bảo vệ rừng đầu nguồn: Duy trì độ che phủ rừng ở Hòa Bình từ nay đến năm 2020 đạt từ 46% trở lên; thành lập và kiện toàn đội quản lý đê nhân dân ở các huyện, thành phố có đê được hướng dẫn kỹ thuật, nghiệp vụ đê điều để làm nhiệm vụ kiểm tra, tuần tra, canh gác bảo vệ các tuyến đê trên địa bàn, tham gia xử lý các sự cố đê điều; tăng cường công tác quản lý pháp luật về đê điều; tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về thiên tai và các biện pháp phòng tránh thiên tai nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra; ổn định dân cư khu vực vùng ngập lụt, vùng sạt lở.
Các giải pháp kỹ thuật: Xây dựng mới, tu bổ nâng cấp các tuyến đê sông kết hợp phát triển giao thông trên địa bàn; kè chống sạt lở bờ sông, suối để bảo vệ các khu dân cư, bảo vệ đất sản xuất; xây dựng các tuyến đường cứu hộ, đường tránh lũ cho các khu vực thường xuyên có thiên tai.
Nhu cầu vốn đầu tư, nguồn vốn, phân kỳ đầu tư: Tổng khái toán kinh phí đầu tư thực hiện quy hoạch: 3.852 tỷ đồng (Ba nghìn tám trăm năm mươi hai tỷ đồng); Giai đoạn I (từ năm 2013 đến năm 2015) là: 1.547,28 tỷ đồng; Giai đoạn II (từ năm 2016 đến năm 2020) là: 2.304,84 tỷ đồng. Nguồn vốn, gồm: Ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Ưu tiên vốn bố trí ngân sách hàng năm theo Quyết định 2068/QĐ-TTg ngày 9/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình nâng cấp hệ thống đê sông đến năm 2020.
Phân kỳ đầu tư thực hiện quy hoạch: Giai đoạn từ nay đến 2015: Nâng cấp, củng cố tuyến đê Quỳnh Lâm, Đà Giang, đê Ngòi Dong, các công trình dưới đê, cứng hoá mặt đê, làm kè bảo vệ đê, lấp đầm ao ven đê bảo đảm yêu cầu chống lũ thiết kế; nâng cấp đường 445 thành đê (Phú Cường) kết hợp giao thông cứu hộ, chạy lũ (đường Pheo Chẹ); ổn định dân cư vùng ngập lũ, vùng sạt lở. Kinh phí thực hiện giai đoạn này khoảng 1.547,28 tỷ đồng; Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020: Tiếp tục củng cố các tuyến sông có đê; triển khai các dự án ổn định dân cư trong khu vực có lũ, sạt lở và xây dựng mới các công trình kè bảo vệ dân cư, đường cứu nạn, các công trình phòng chống lũ khác. Kinh phí thực hiện giai đoạn này khoảng 2.304,84 tỷ đồng.
Phòng BĐTL (TH)
(HBĐT) - Theo UBND huyện Yên Thuỷ, trong năm 2013, các đơn vị chức năng trong huyện đã phối hợp tổ chức được 75 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho 2.140 học viên. Trong đó có 20 lớp chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi.
(HBĐT) - Theo thống kê của lực lượng chức năng, trong năm 2013, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 29 vụ cháy, nổ, TNLĐ làm 14 người chết, 18 người bị thương.
(HBĐT) - Ngày 27/12, Trung tâm YTDP tỉnh đã tổ chức nghiệm thu, bàn giao 96 công trình nhà tiêu mẫu cho hộ nghèo, hộ chính sách trên địa bàn 4 xã Bình Cảng, Bình Chân, Tuân Lộ, Văn Nghĩa (Lạc Sơn).
(HBĐT) - Đường phố sạch sẽ là ấn tượng đầu tiên của đoàn 28 cán bộ tỉnh khi đặt chân đến thị trấn Lucban, tỉnh Quezon, Philippin. Đường ở đây không rộng, nhà cửa san sát và có trường Đại học tổng hợp Nam Luzon nằm ở trung tâm với hơn 16.000 sinh viên. Từ các trục đường chính đến các ngõ nhỏ mặc dù không có thùng đựng rác công cộng nhưng tuyệt nhiên không nhìn thấy rác. Tại các cơ quan, trường học, công sở và ngay tại các gia đình đều có 3 loại thùng đựng rác gồm: nilon, giấy, rác dễ phân huỷ.
(HBĐT) - Sáng 27/12, Sở NN&PTNT tổ chức hội nghị công bố 3 quy hoạch: Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Hoà Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; quy hoạch tổng thể vùng và khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hoà Bình đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; đề án phát triển chè tỉnh Hoà Bình đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.
(HBĐT) - 3 năm với 8 lần gửi đơn đến UBND tỉnh, vụ khiếu nại về đất đai (hậu GPMB đường Hồ Chí Minh) của gia đình ông Trần Văn Hạ, xóm Tân Thịnh, xã Yên Lạc (Yên Thuỷ) chưa được giải quyết một cách rõ ràng. Người dân bức xúc, đại diện chính quyền địa phương cũng không kém phần căng thẳng bởi không tìm được tiếng nói chung.