(Tiếp theo số báo trước và hết)
9. Bổ sung gói thầu được áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh
Theo Điều 24, Luật Đấu thầu (LĐT) năm 2023, những gói thầu hỗn hợp cung cấp hàng hóa và xây lắp có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng sẽ được áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh.
10. Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu
Điều 6, LĐT năm 2023 bổ sung thêm quy định về việc: Nhà thầu nộp hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với nhà thầu tư vấn quản lý dự án, giám sát; nhà thầu tư vấn lập, thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán; nhà thầu tư vấn lập, thẩm định nhiệm vụ khảo sát, thiết kế. Nhà thầu tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các nhà thầu tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát; nhà thầu tư vấn lập, thẩm định nhiệm vụ khảo sát, thiết kế. Đồng thời luật hóa tiêu chí đánh giá độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính của nhà thầu.
11. Bổ sung các thông tin yêu cầu cập nhật trên Hệ thống e-GP
Tại Điều 7, LĐT năm 2023 bổ sung quy định cập nhật thông tin về lựa chọn nhà đầu tư, đồng thời bổ sung thêm các thông tin phải đăng tải khi lựa chọn nhà thầu như: Thông tin dự án, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, các nội dung sửa đổi, làm rõ hồ sơ (nếu có), thông tin chủ yếu về hợp đồng, kết quả thực hiện hợp đồng của nhà thầu.
12. Về hoạt động đấu thầu mua thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế
Ngoài các quy định chung, luật dành 1 chương riêng quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm và thiết bị y tế theo hướng:
- Tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở y tế công lập trong việc quyết định mua sắm thuốc, thiết bị y tế như: Giao các cơ sở y tế công lập tự quyết định việc mua thuốc ngoài danh mục thuốc chi trả của bảo hiểm y tế, mua vắc xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ (khoản 2, Điều 55).
- Tạo thuận lợi cho hoạt động mua thuốc, thiết bị y tế có tính đặc thù, phù hợp với hoạt động chuyên môn của ngành y tế như: Cho phép chỉ định thầu để mua thuốc, thiết bị y tế trong trường hợp cấp cứu người bệnh hoặc duy trì hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cấp bách, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân (khoản 1, Điều 23); áp dụng mua sắm tập trung đối với các loại thuốc hiếm, có số lượng sử dụng ít (điểm a, khoản 1, Điều 53); cho phép hồ sơ mời thầu được nêu xuất xứ thiết bị y tế từ một nhóm nước, vùng lãnh thổ để mua được thiết bị có chất lượng tốt (khoản 2, Điều 44).
- Giải quyết những vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, thiết bị, vật tư y tế đã phát sinh trong thời gian qua, như: bổ sung quy định nhằm giải quyết triệt để các vướng mắc trong việc mua hóa chất kèm theo yêu cầu nhà thầu phải cung cấp thiết bị y tế để sử dụng hóa chất đó ("mô hình máy đặt, máy mượn”) (khoản 1, Điều 55); hoàn thiện quy định về ưu đãi cho thuốc sản xuất trong nước theo hướng vừa bảo đảm quyền lợi của người bệnh trong việc tiếp cận thuốc có chất lượng tốt, vừa khuyến khích doanh nghiệp đầu tư dây chuyền công nghệ, nguyên liệu để sản xuất thuốc đáp ứng chất lượng, tiêu chuẩn tiên tiến (Điều 56).
13. Đấu thầu qua mạng được áp dụng với tất cả các gói thầu từ năm 2025
Theo điểm b, khoản 1, Điều 50, LĐT năm 2023: "Từ ngày 1/1/2025, áp dụng đấu thầu qua mạng đối với tất cả các gói thầu, trừ trường hợp không đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định tại khoản 5, Điều 50" (LĐT năm 2013 chưa quy định điều này).
14. Về việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu
Điều 86, LĐT năm 2023 bổ sung thêm một số quy định mới về việc kiểm tra hoạt động đấu thầu và giám sát hoạt động đấu thầu, nhằm đảm bảo công tác đấu thầu được minh bạch, công bằng, cụ thể:
Thanh tra hoạt động đấu thầu: Tiến hành đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đấu thầu quy định tại LĐT năm 2023; tổ chức, hoạt động của thanh tra về đấu thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.
Kiểm tra hoạt động đấu thầu: Thực hiện theo kế hoạch định kỳ hoặc đột xuất theo quyết định của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đối với một hoặc các hoạt động sau: việc ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác đấu thầu; việc trình, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; công tác chuẩn bị lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; việc quản lý và thực hiện hợp đồng; các hoạt động khác liên quan đến hoạt động đấu thầu.
Giám sát hoạt động đấu thầu: Người có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu thực hiện công tác giám sát hoạt động đấu thầu của chủ đầu tư, bên mời thầu nhằm bảo đảm quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư tuân thủ quy định của LĐT năm 2023 và pháp luật có liên quan; Ủy ban MTTQ các cấp chủ trì tổ chức việc giám sát hoạt động đấu thầu của cộng đồng; cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu thuộc bộ, ngành, địa phương thực hiện việc giám sát thường xuyên hoạt động đấu thầu đối với các gói thầu thuộc dự án, dự án đầu tư kinh doanh, dự toán mua sắm trên địa bàn, lĩnh vực quản lý; người có thẩm quyền thực hiện việc giám sát hoạt động đấu thầu đối với các dự án, dự án đầu tư kinh doanh, dự toán mua sắm thuộc phạm vi quản lý.
Minh Phượng (TH)
(Sở Tư pháp)