Thành viên tổ tự quản khu 5, thị trấn Kỳ Sơn (Kỳ Sơn) - nay là phường Kỳ Sơn (TP Hòa Bình) trao đổi với cán bộ Công an huyện về công tác AN-TT tại khu dân cư.
Trong đó có 5.784 mô hình do Công an tỉnh phối hợp quản lý; Hội Cựu chiến binh phối hợp quản lý 1.920 mô hình; UBMTTQ tỉnh phối hợp quản lý 3.531 mô hình; Đoàn Thanh niên phối hợp quản lý 150 mô hình; Hội LHPN phối hợp quản lý 221 mô hình; UBND cấp xã phối hợp tổ chức và quản lý 4.327 mô hình...
Hoạt động theo hình thức tự nguyện của quần chúng nhân dân, đặt dưới sự quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở, kinh phí hoạt động do thành viên tự nguyện đóng góp, trong từng lĩnh vực, các mô hình tự quản đã cho thấy vai trò hữu hiệu trong cộng đồng. Điều đó được thể hiện qua việc đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giải quyết vướng mắc ngay từ cơ sở, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước.
Thông qua hoạt động các mô hình tự quản trong lĩnh vực phát triển kinh tế đã khơi dậy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của nhân dân, phát huy nội lực, thế mạnh của hộ gia đình hỗ trợ nhau về KHKT, cây, con giống, giới thiệu thị trường đầu ra cho sản phẩm... giúp người dân tạo việc làm, nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng. Tiêu biểu như mô hình: "Liên gia tự quản để làm tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế”, "Vay vốn không lãi” của TP Hòa Bình; mô hình "Khu dân cư chung tay giảm hộ nghèo bền vững” của huyện Lạc Sơn…
Việc xây dựng mô hình tự quản trên lĩnh vực ANTT được các cấp ủy xác định là nội dung quan trọng để đảm bảo ổn định ANCT-TTATXH ở cơ sở. Các mô hình hoạt động có nền nếp, phát huy được hiệu quả thiết thực trong công tác đảm bảo ANTT, phòng, chống tệ nạn xã hội; các thành viên trong tổ làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, thực hiện hương ước, quy ước ở khu dân cư, tích cực tham gia tuần tra, kiểm soát giữ gìn khu dân cư bình yên. Qua đó, nêu cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch; những vụ việc, tai tệ nạn xã hội trên địa bàn khu dân cư giảm rõ rệt, phần lớn được hòa giải tại tổ, những biểu hiện vi phạm của một số hộ dân được nhắc nhở và kịp thời xem xét, xử lý, không để xảy ra điểm nóng. Thông qua mô hình, quần chúng nhân dân đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị, giúp lực lượng Công an đẩy nhanh quá trình giải quyết các vụ án. Tiêu biểu như các mô hình: Hội đồng ANTT ở xã, phường, thị trấn; ban bảo vệ dân phố ở TP Hòa Bình; tổ an ninh nhân dân với 985 tổ tại các cụm dân cư, khu phố trong toàn tỉnh; tổ an ninh công nhân với 13 tổ tại các tổ, đội sản xuất, phân xưởng, phòng, ban trong cơ quan, doanh nghiệp; đội dân phòng; thanh niên xung kích an ninh, đội thiếu niên sao đỏ, khu phố không có thanh niên mắc các tệ nạn xã hội, tiếng kẻng an ninh vây bắt tội phạm…
Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, các mô hình tự quản về lĩnh vực bảo vệ môi trường được thành lập gắn với hoạt động của các tổ chức trị - xã hội và các phong trào thi đua như: "Tỉnh Hòa Bình chung sức xây dựng nông thôn mới”, "Nhà sạch, vườn đẹp, môi trường trong lành, ngõ xóm văn minh”... đã tạo được chuyển biến về nhận thức, hành động của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng; phát huy tính chủ động của người dân trong việc tập kết rác thải, đào hố chôn lấp hoặc thiêu hủy; triển khai phân loại rác tại hộ gia đình trước khi đưa ra bãi tập trung nhằm giảm chi phí vận chuyển; duy trì việc ra quân dọn vệ sinh định kỳ vào ngày chủ nhật... Qua đó, hạn chế ô nhiễm môi trường, xây dựng khu dân cư xanh, sạch, đẹp. Tiêu biểu như: Tổ liên gia tự quản bảo vệ môi trường của các huyện: Kỳ Sơn (nay thuộc TP Hòa Bình), Lạc Thủy; đoạn đường: Thanh niên tự quản, Phụ nữ tự quản, Cựu chiến binh tự quản. Mô hình tự quản trong công tác DS-KHHGĐ đã tích cực tuyên truyền tới các gia đình thực hiện mô hình ít con để đảm bảo sức khỏe, có điều kiện phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc. Tiêu biểu như mô hình "Tự quản về DS-KHHGĐ, không sinh con thứ 3” của huyện Đà Bắc, Lạc Thủy. Ngoài ra có các mô hình như: "Xóm kiểu mẫu”, "Gia đình kiểu mẫu”, "Cụm dân cư tự quản 5 không”…
Các mô hình tự quản được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện. Hoạt động tự quản ở khu dân cư từng bước đi vào nền nếp, có chiều sâu; nhiều mô hình có sức lan tỏa rộng, hiệu quả rõ nét được các cấp, ngành triển khai xây dựng và nhân rộng. Các tổ tự quản thực sự là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, phát huy được trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân, góp phần phát triển KT-XH, giữ gìn ANTT-ATXH; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
V.H