Công an xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé (Điện Biên) tuyên truyền, vận động người dân bản Nậm Pố tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Xã "nóng” chuyển mình
Tại trụ sở Công an xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé), Trung tá Lý A Tung - công an chính quy được giao nhiệm vụ Trưởng công an xã, không cần nhìn sổ sách mà vẫn cung cấp cho chúng tôi những con số cụ thể về kinh tế - xã hội, an ninh trật tự (ANTT) của Nậm Kè. Theo lời anh đọc, chúng tôi chỉ ghi thôi cũng không kịp những đề mục: Toàn xã có 11 bản với 910 hộ thuộc bảy dân tộc. Tuy tỷ lệ hộ nghèo còn 67,7% song như thế đã khá hơn trước rất nhiều, đáng chú ý là sự thay đổi rõ rệt về tư tưởng, nhận thức của người dân. Ở Nậm Kè, bà con các dân tộc thiểu số sống đoàn kết gắn bó, người H’Mông, người Thái, người Dao, người Cống đều tự nguyện ký cam kết bảo đảm ANTT, tích cực tố giác tội phạm, không di dịch cư tự do và không nghe lời kẻ xấu lôi kéo, xúi giục tham gia hoạt động lập "Nhà nước H’Mông” như trước. Hỏi Trung tá Lý A Tung: "Sao anh mới đảm đương chức vụ Trưởng Công an xã Nậm Kè từ tháng 4-2020 mà đã nắm rõ tình hình địa bàn như thế?”, chúng tôi mới biết anh có gần 15 năm đảm nhiệm chức danh Trưởng Công an xã. Năm 2006, trước thực trạng ANTT ở Nậm Kè nhiều phức tạp, Công an huyện Mường Nhé đã điều động A Tung về đảm đương Trưởng Công an xã Nậm Kè, đến khi Nậm Kè tách thành hai xã: Nậm Kè và Pá Mỳ (ngày 22-8-2009) thì A Tung lại được cấp trên tin tưởng điều chuyển sang làm Trưởng Công an xã Pá Mỳ. Sau hơn 10 năm làm việc ở Pá Mỳ, mới đây, ngày 1-4-2020 Trung tá Lý A Tung lại được công an huyện phân công trở về Nậm Kè đảm đương chức danh Công an xã. "Là chức vụ mới ở địa bàn cũ nên tôi nắm rõ ràng” - Trung tá Lý A Tung vui vẻ cho biết thêm như thế.
Tìm hiểu thêm về chuyển biến trong công tác ANTT ở huyện Nậm Kè, nhất là sau vụ tụ tập đông người tại bản Huổi Khon (tháng 5-2011), chúng tôi mới biết sau "mấy ngày bão ấy” các đồng chí công an chính quy về xã đã làm việc gần như không có thứ bảy hay chủ nhật. Tất cả cán bộ, chiến sĩ thuộc quân số công an xã được đưa về "cắm” bản nắm tình hình, tư tưởng và hướng dẫn bà con khôi phục nương sắn, đồi ngô mà trước đó họ đã phá đi vì nghe lời kẻ xấu "chờ vua về thì người H’Mông không làm vẫn có ăn!”. Với một số người chống đối ra mặt từ Huổi Khon trốn sang Pá Mỳ, Trung tá Lý A Tung tìm cách gần gũi, khuyên nhủ để họ hồi tâm suy nghĩ, thấy được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương với đồng bào các dân tộc. Chính nhờ sự kiên trì tuyên truyền, thuyết phục kiểu "mưa dầm thấm sâu” mà một số người chống đối ở Huổi Khon đã hối cải, thừa nhận lỗi lầm. Từ đó, họ trở về Huổi Khon sinh sống và tích cực lao động sản xuất. Huổi Khon trở lại yên bình. Nói về Nậm Kè hôm nay, Chủ tịch UBND xã Giàng A Ly cho biết: ANTT trên địa bàn Nậm Kè bây giờ ổn định; bà con không tin, không nghe luận điệu của kẻ xấu mà họ đã yên tâm lao động sản xuất, xây dựng đời sống ấm no.
Ở xã Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông), từ năm 2015 trở về trước luôn được biết tới là địa bàn "nóng” về ma túy, nhất là sau khi lực lượng chức năng đánh mạnh vào xã biên giới Na Ư khiến nhiều ông trùm ma túy phải lĩnh án thì một số ông trùm ở Pú Nhi lại nổi lên. Bởi thế, Pú Nhi từng có thời hầu hết các gia đình đều có người liên quan ma túy trong đường dây của Sủng A Minh, Hạng A Minh. Dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên, một mặt lực lượng chức năng tích cực phá án; mặt khác Công an huyện Điện Biên Đông điều động công an chính quy đảm đương chức danh công an xã và thường trực tại địa bàn. Theo đó, từ năm 2015, Công an Điện Biên Đông điều một đồng chí công an chính quy về đảm đương chức danh Trưởng Công an xã. Được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm và thực tiễn công tác cho nên chỉ sau thời gian ngắn, các đồng chí công an chính quy đã góp sức cùng cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố ANTT địa bàn. Thay cho thái độ thờ ơ, xa lánh công an như trước, người dân Pú Nhi đã tích cực tố giác các điểm bán lẻ ma túy, tố giác các đối tượng có biểu hiện mua bán trái phép chất ma túy trên địa bàn cho Công an xã Pú Nhi. Trao đổi với chúng tôi, Đại úy Sùng A Mua, Trưởng Công an xã Pú Nhi cho biết: Tại cơ sở, chúng tôi chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền xã, ban lãnh đạo Công an huyện thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giải quyết triệt để các vụ việc. Căn cứ thực tế địa bàn, hằng tháng công an xã phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng cán bộ, chiến sĩ bám, nắm cơ sở, giữ mối liên hệ thường xuyên với Bí thư Chi bộ, trưởng các bản, đặc biệt là các bản từng nóng về ma túy, như bốn bản Pú Nhi A, B, C, D. Kiên quyết đấu tranh các loại tội phạm ma túy trên địa bàn, công an xã đặc biệt coi trọng tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia tố giác tội phạm, bởi nhân dân hiểu rất rõ những người sống quanh họ.
Do đó, phong trào "Phát động quần chúng nhân dân tố giác tội phạm” ở xã Pú Nhi đạt kết quả nổi bật. Riêng năm 2019, người dân cung cấp cho công an hơn 100 tin tố giác tội phạm bán lẻ, nghiện hút ma túy và tội phạm trộm cắp tài sản. Ngoài ra, họ còn tự nguyện giao nộp hàng chục khẩu súng tự chế cho công an.
Cấp ủy, chính quyền và nhân dân đồng thuận
Tạo ra sự đồng thuận là kết quả nổi bật được công an các huyện: Điện Biên Đông, Nậm Pồ, Mường Nhé, Tủa Chùa ghi nhận, đánh giá sau khi điều động công an chính quy về đảm đương chức danh công an xã tại các địa bàn từng có thời là "điểm nóng”. Trong số các xã ấy, không thể không nhắc đến những cái tên, như: Nậm Kè, Chung Chải (huyện Mường Nhé); Nậm Nhừ (huyện Nậm Pồ) hay Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông); Bản Cáp (thị trấn huyện Tủa Chùa), từng có thời gây nhức nhối dư luận, chính quyền địa phương bởi tỷ lệ tội phạm ma túy tăng đột biến, nhiều người dân nhẹ dạ cả tin nghe kẻ xấu thực hiện hành vi chống đối, tụ tập đông người hay xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng hòng phá hoại tình đoàn kết giữa các dân tộc. Thế nhưng, từ khi công an chính quy về đảm đương trưởng, phó công an các xã nêu trên thì ANTT, các loại tội phạm tại các địa phương đó giảm rõ rệt; người dân tin tưởng, ủng hộ công an xã triển khai các kế hoạch, phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, bảo đảm ANTT đạt nhiều kết quả. Tại cơ sở, công an chính quy có điều kiện tìm hiểu phong tục, tập quán và cả những vướng mắc, bức xúc của nhân dân, từ đó có giải pháp tháo gỡ, giải quyết phù hợp; đồng thời làm tăng mối quan hệ gắn bó giữa lực lượng công an với nhân dân.
Đánh giá kết quả thực hiện chủ trương đưa công an chính quy về xã trên địa bàn, Đại tá Lò Văn Khụt, Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho biết: Căn cứ tình hình địa bàn, từ năm 2006, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã cho chủ trương để công an một số huyện biên giới phức tạp điều động công an chính quy về đảm đương chức danh trưởng hoặc phó trưởng công an xã. Theo đó, công an các huyện: Mường Nhé, Tủa Chùa, Điện Biên Đông và huyện Điện Biên là những đơn vị đầu tiên đã điều động 28 đồng chí về 26 xã. Qua triển khai tại các địa bàn được tăng cường công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã, chất lượng hoạt động của lực lượng công an xã được nâng lên rõ rệt; công tác tiếp nhận, phối hợp giải quyết các vụ việc liên quan đến ANTT tại cơ sở, công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội đạt kết quả tích cực, công tác quản lý, đăng ký hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng, tiếp nhận xử lý tin báo tố giác tội phạm, công tác quản lý, giáo dục người vi phạm pháp luật tại cơ sở, các đối tượng chấp hành án phạt quản chế, cải tạo không giam giữ được thực hiện tốt, các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân được giải quyết kịp thời, không để nảy sinh vấn đề phức tạp về ANTT. Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tại địa bàn có công an chính quy đảm nhiệm công an xã, trưởng, phó công an xã nổi trội hơn.
Trong năm 2019, công an chính quy về xã cùng các lực lượng đã tham mưu giải quyết kịp thời, ổn định những vụ việc phức tạp về ANTT tại huyện Mường Nhé; chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch và các loại đối tượng phạm tội. Góp sức đấu tranh quyết liệt với số đối tượng hoạt động lập "Nhà nước H’Mông”, hoạt động của các tà đạo "Giê Sùa”, "Bà cô Dợ”, "Hội thánh của đức chúa trời mẹ”, công an chính quy ở xã còn chủ động hỗ trợ các lực lượng phát hiện, điều tra, bắt giữ 637 vụ, 735 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 109,8 kg hê-rô-in, 58 kg ma túy đá, 12,4 kg và 49 nghìn viên ma túy tổng hợp, 15,6 kg thuốc phiện; điều tra, khám phá 178 vụ, bắt giữ 238 đối tượng phạm tội hình sự; phát hiện, xử lý 168 vụ, 195 cá nhân, tổ chức vi phạm về lĩnh vực kinh tế, môi trường; công tác điều tra, xử lý tội phạm đạt và vượt một số chỉ tiêu đề ra. Điều đáng nói là, trong chương trình làm nhà tình nghĩa cho người nghèo ở Mường Nhé do Bộ Công an phát động, lực lượng công an chính quy xã ở huyện Mường Nhé đã hoàn thành điều tra, khảo sát lập danh sách hộ nghèo trong thời gian rất ngắn; sau đó tại cơ sở, các đồng chí công an chính quy lại góp sức giúp bà con dựng nhà. Nhờ đó, Điện Biên đã hoàn thành làm mới, sửa chữa gần 1.200 ngôi nhà tặng đồng bào nghèo trong thời gian chưa đầy sáu tháng trước niềm vui khôn xiết của hàng nghìn người.