Các thành viên tổ hòa giải xóm Mít, xã Tân Minh (Đà Bắc) trao đổi với các ngành, đoàn thể trên địa bàn về giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và công tác hòa giải tại cơ sở.
Đây chỉ là một trong nhiều vụ việc được cấp ủy, chính quyền các cấp trong toàn huyện xem xét, giải quyết trên cơ sở đối thoại, hòa giải giữa các bên. Theo đồng chí Xa Vũ Tùng, Phó trưởng phòng Tư pháp huyện Đà Bắc, với đặc thù là huyện có điều kiện KT-XH khó khăn, trình độ dân trí, nhận thức pháp luật của phần lớn người dân, nhất là ở vùng sâu, xa còn hạn chế, chưa đồng đều. Do vậy, hầu hết đơn thư, khiếu nại của người dân đều xuất phát từ việc chưa nắm bắt đầy đủ những thông tin liên quan đến chính sách, pháp luật.
Xuất phát từ thực tế đó, thời gian qua, huyện tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) bằng nhiều hình thức, biện pháp như: lồng ghép tại các hội nghị, thi tìm hiểu pháp luật, thông qua băng rôn, khẩu hiệu, tờ gấp, tủ sách pháp luật tại các xã, thị trấn, trường học. Cùng với đó, với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL huyện, Phòng Tư pháp tham mưu cho Hội đồng phối hợp Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đối tượng là lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ, đại diện các ban, ngành đoàn thể, cán bộ, công chức các xã, thị trấn, Ban quản lý thôn, xóm trong toàn huyện về Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Trẻ em, Luật Đất đai, Bộ luật Hình sự... Qua đó bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ cơ sở để góp phần thực hiện, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL và hòa giải ở cơ sở mỗi khi có vụ việc nảy sinh. Với mục tiêu đó, từ đầu năm đến tháng 8, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 , huyện vẫn tổ chức được 288 cuộc tuyên truyền cho 18.690 lượt người tham gia. Trong đó, cấp huyện tổ chức 193 cuộc với 9.605 lượt người tham gia, cấp xã tổ chức 95 cuộc với 9.085 lượt người tham gia.
Cũng theo đồng chí Xa Vũ Tùng, từ việc trang bị kiến thức pháp luật một cách đầy đủ đã giúp đội ngũ cán bộ tham gia công tác hòa giải ở cơ sở có đầy đủ kiến thức, kỹ năng về hòa giải, vận dụng linh hoạt và phát huy tốt vai trò của các tổ hòa giải ở cơ sở. "Các vụ việc liên quan đến đơn thư của người dân có liên quan đến tranh chấp đất đai sẽ không được giải quyết dứt điểm nếu chúng tôi cứ cứng nhắc áp dụng các biện pháp hành chính” - đồng chí Xa Vũ Tùng chia sẻ. Với việc thực hiện tốt quan điểm đối thoại, thống nhất giữa các bên khi xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn nên hầu hết các vụ việc đơn thư khiếu kiện ở huyện thời gian qua đều được giải quyết dứt điểm thông qua đối thoại, hòa giải, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, theo đúng quy định của pháp luật.
Đến nay, toàn huyện có 122 tổ hòa giải với 717 hòa giải viên hoạt động tích cực, hiệu quả. Từ đầu năm đến nay, các tổ hòa giải đã thực hiện 45 vụ hòa giải, hòa giải thành 35 vụ việc, đạt 77,78%, 10 vụ hòa giải không thành. Chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải được nâng cao đã góp phần giữ gìn tình làng nghĩa xóm, bảo đảm ANTT tại cơ sở trên địa bàn huyện thời gian qua.
Mạnh Hùng