(HBĐT) - Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) là thước đo đánh giá chất lượng công vụ, niềm tin của tổ chức và cá nhân đối với các dịch vụ công thiết yếu trong hệ thống chính trị tỉnh nói chung và lực lượng Công an tỉnh nói riêng. Công tác CCHC trong Công an tỉnh được tiến hành trên tất cả các mặt: Cải cách thể chế hành chính, cải cách bộ máy hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chiến sỹ, cải cách tài chính công, áp dụng khoa học - công nghệ trong CCHC.
Cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh hướng dẫn công dân giải quyết thủ tục cấp hộ chiếu trực tuyến.
Nhằm hướng tới nền hành chính văn minh, hiện đại, công khai, minh bạch "Vì Nhân dân phục vụ”, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh xác định, CCHC phải đi trước một bước, dẫn đường mở lối các mặt công tác công an. CCHC là "đột phá”, đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ và các biện pháp hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự. Công an tỉnh đã thể chế hóa chỉ đạo của Bộ Công an và UBND tỉnh quy định về CCHC, thành lập Ban chỉ đạo CCHC do đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh là Trưởng ban và các đơn vị thành viên.
Để việc thực hiện CCHC được thống nhất, Công an tỉnh xây dựng tiêu chí đánh giá chỉ số CCHC với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Theo đó, Công an tỉnh chia làm 3 dạng đơn vị, gồm: Đơn vị có chức năng giải quyết công việc cho tổ chức, công dân, đơn vị không có chức năng giải quyết và đơn vị cấp cơ sở. Một trong những nội dung đánh giá là mức độ hài lòng của người dân. Nếu đơn vị không đạt tiêu chí quan trọng này thì không được xếp loại từ mức khá trở lên. "Chỉ khi người dân ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ, chiến sỹ Công an thì khi đó hoạt động bộ máy công vụ mới thực sự vì dân, lực lượng Công an được dân tin yêu, ủng hộ” - Trung tá Lê Thanh Huyền, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an tỉnh chia sẻ.
Công an tỉnh tập trung đổi mới tư duy, giải pháp nhằm cải thiện chỉ số CCHC. Tập trung các nhóm giải pháp về tiết giảm thủ tục hành chính, số hóa hồ sơ, dữ liệu, quy trình giải quyết, phấn đấu cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình, một phần đạt trên 50%. Đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về chuyển đổi số, giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công, đổi mới phương pháp làm việc, xây dựng đội ngũ cán bộ tận tụy, trách nhiệm với công việc, có tư duy đột phá, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm. Với sự đồng bộ của các lực lượng, đến nay, Công an tỉnh đã hoàn thành thu nhận 726.782 hồ sơ căn cước công dân, đạt 100% công dân trong độ tuổi theo quy định, là 1 trong 19 địa phương toàn quốc hoàn thành trước tiến độ Bộ Công an giao. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã tích hợp 983 DVCTT trên Cổng dịch vụ công tỉnh Hòa Bình, cung cấp 621 DVCTT mức độ 3, 1.002 DVCTT mức độ 4 đối với 40 thủ tục hành chính ở các lĩnh vực: xuất nhập cảnh, cấp và quản lý căn cước công dân, đăng ký quản lý con dấu, phòng cháy chữa cháy, đăng ký quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Cung cấp DVCTT mức độ 3 đối với 22 thủ tục hành chính ở các lĩnh vực: cấp và quản lý căn cước công dân, đăng ký và quản lý phương tiện giao thông đường bộ, phòng cháy chữa cháy…
Với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, năm 2022, Công an tỉnh được Bộ Công an xếp loại tốt, đứng thứ 29/63 tỉnh, thành phố, tăng 25 bậc so với năm 2021. Đây là thành tích đáng khích lệ, là động lực để toàn lực lượng Công an tỉnh tiếp tục đổi mới toàn diện CCHC, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ Nhân dân.
Như Hùng (Công an tỉnh)