Cơ quan Cảnh sát điều tra đọc các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với cán bộ, lãnh đạo thuộc huyện Lạc Sơn về hành vi vi phạm trong quá trình thực hiện Hợp phần bồi thường giải phóng mặt bằng dự án hồ Cánh Tạng.
Theo thống kê, từ đầu năm đến hết tháng 8/2024, lực lượng chức năng đã phát hiện, khởi tố điều tra 14 vụ, 27 đối tượng phạm tội về tham nhũng. So với cùng kỳ năm 2023 phát hiện nhiều hơn 2 vụ. Trong đó, 5 vụ, 14 đối tượng phạm tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; 3 vụ, 5 đối tượng phạm tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”; 2 vụ, 4 đối tượng phạm tội "Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”; 2 vụ, 2 đối tượng phạm tội "Giả mạo trong công tác”, 1 vụ 1 đối tượng phạm tội "Tham ô tài sản”, 1 vụ, 1 đối tượng phạm tội "Nhận hối lộ”.
Theo Đại tá Trương Quang Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh: Qua phân tích các vụ án liên quan đến tội phạm tham nhũng, kinh tế cho thấy, loại tội phạm này thường xảy ra trên nhiều lĩnh vực như: đầu tư công, điện lực, đăng kiểm xe cơ giới, sát hạch lái xe, bảo hiểm, đất đai, tài nguyên... Với các hành vi sai phạm chủ yếu là vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; giả mạo trong công tác, nhận hối lộ; tham ô tài sản; gian lận bảo hiểm y tế; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; vi phạm quy định về quản lý đất đai, nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản... Các đối tượng vi phạm đều là người có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực công tác; có hiểu biết về pháp luật, giữ vị trí, vai trò chủ chốt hoặc được giao thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, có điều kiện, khả năng thực hiện các hành vi phạm tội.
Nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội vì mục đích vụ lợi, bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất, chạy theo "bệnh” thành tích, muốn nâng cao uy tín bản thân, nên đã bất chấp pháp luật thực hiện hành vi phạm tội. Ngoài ra, do vẫn còn thiếu sự chặt chẽ trong công tác quản lý kinh tế, quản lý con người; công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi chức trách, nhiệm vụ chưa thực sự quyết liệt nên việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn vi phạm từ sớm, từ cơ sở, đơn vị công tác chưa kịp thời. Hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng có lúc, có nơi chưa thực sự được chú trọng thực hiện, nên chưa phát huy được hiệu quả trong việc phát hiện, phòng ngừa vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, một số quy định của pháp luật trong hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đấu thầu, quản lý dự án, đầu tư công, quy định về hoạt động của doanh nghiệp thẩm định giá còn có sơ hở, bất cập đã tạo điều kiện để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội.
Từ thực tế trên đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động đấu thầu mua sắm trang thiết bị từ nguồn NSNN. Thực hiện nghiêm túc quy trình, quy định về thẩm định dự án sử dụng NSNN; tăng cường công tác quản lý thuế, giám sát chặt chẽ việc sử dụng hóa đơn đối với các doanh nghiệp; nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai; tăng cường giám sát đánh giá đầu tư, nhất là đối với các dự án sử dụng đất có diện tích lớn, đầu tư không hiệu quả; đặc biệt quan tâm, chú trọng thực hiện công tác cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, phòng ngừa hành vi tham nhũng, tiêu cực...
Mạnh Hùng