(HBĐT) - Lấy người dân, người lao động, người sử dụng lao động là trung tâm phục vụ, trong thời gian qua, ngành BHXH tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường các giải pháp phục vụ, hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Với mục tiêu này, trong những năm qua, ngành BHXH đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ.

 


Phòng Công nghệ thông tin (BHXH tỉnh) đảm bảo cơ sở vật chất, đường truyền tốt nhất thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành.

Hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia

Thực hiện Nghị định số 43/2021/NĐ-CP, ngày 31/3/2021 của Chính phủ quy định Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm, Quyết định số 455/QĐ-BHXH, ngày 21/5/2021 của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh ban hành kế hoạch triển khai. Phổ biến, quán triệt nội dung cơ bản của Quyết định số 455/QĐ-BHXH, Nghị định số 43/ 2021/NĐ-CP và các vấn đề liên quan đến hệ thống CSDL quốc gia về bảo hiểm đến toàn thể cán bộ, viên chức thuộc BHXH tỉnh. Ngành thực hiện rà soát, cập nhật thông tin CSDL hộ gia đình, cấp mã số BHXH, địa chỉ, các biến động tăng, giảm, làm sạch dữ liệu trên hệ thống theo Quyết định số 515/QĐ-BHXH của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về việc ban hành quy chế quản lý CSDL hộ gia đình, mã số BHXH của người tham gia BHXH, BHYT. Rà soát, cập nhật thông tin, hoàn thiện CSDL về mã đơn vị quản lý người tham gia, loại đối tượng, mức hưởng quá trình đóng của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN.  Phối hợp các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) kịp thời cập nhật dữ liệu hưởng BHYT lên hệ thống thông tin giám định BHYT ngay sau khi ra viện, đảm bảo liên thông dữ liệu và tra cứu quá trình hưởng BHYT. Phối hợp Bưu điện thực hiện theo dõi, rà soát, cập nhật thông tin, hoàn thiện CSDL về quá trình hưởng các chế độ BHXH, BHTN. Cập nhật các biến động về tăng mới, giảm chết, chuyển đi của người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn khai thác CSDL quốc gia về bảo hiểm cho viên chức và người lao động BHXH toàn tỉnh như: Chức năng trao đổi thông tin dịch vụ công quốc gia, tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất…; đăng tải lên cổng thông tin BHXH tỉnh các dịch vụ công (DVC) được tích hợp trên cổng DVC quốc gia, cổng DVC ngành và ứng dụng VssID - BHXH số để các đơn vị liên quan, người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN khai thác, sử dụng.

Đồng chí Nguyễn Hải Triều, Trưởng phòng Công nghệ thông tin (BHXH tỉnh) cho biết: Đến nay, CSDL ngành BHXH tỉnh đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Chúng tôi đang rà soát lại những dữ liệu trùng lặp nhằm hoàn thiện tối ưu nhất. Ngoài CSDL phục vụ ngành trong công tác bảo hiểm thì CSDL của ngành cũng đóng góp cho nhiệm vụ chính trị của tỉnh, như vừa qua thực hiện Công văn số 2286/ BHXH-CNTT của BHXH Việt Nam về việc chia sẻ dữ liệu trong CSDL quốc gia về bảo hiểm phục vụ chống dịch Covid-19, BHXH tỉnh gửi Sở TT&TT, Sở Y tế về việc chia sẻ dữ liệu trong CSDL quốc gia về bảo hiểm phục vụ chống dịch Covid-19. Phối hợp Trung tâm Công nghệ thông tin (BHXH Việt Nam) cung cấp danh sách người lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN tại các tỉnh, thành phố khác và danh sách người lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN ở tỉnh khác làm việc tại tỉnh cho Sở TT&TT, Sở Y tế, Sở LĐ-TB&XH phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Phối hợp Sở Y tế, Phòng Giám định BHYT, BHXH huyện trong việc kiểm tra, đẩy dữ liệu của các cơ sở đăng ký KCB BHYT lên Cổng thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam. Hiện nay, 100% cơ sở y tế ký hợp đồng KCB BHYT trên địa bàn tỉnh kết nối liên thông dữ liệu với cơ quan BHXH; ứng dụng hiệu quả hệ thống thông tin giám định BHYT trong thực hiện giám định điện tử, thanh quyết toán chi phí KCB BHYT. Phối hợp Cục Thuế tỉnh chia sẻ dữ liệu và phối hợp công tác giữa 2 cơ quan.  Phối hợp Sở Tư pháp triển khai cập nhật thông tin, hoàn thiện CSDL liên thông dữ liệu khai sinh, khai tử đã được kết nối với Trục tích hợp quốc gia (NGSP) của Bộ TT&TT. Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan duy trì tốt việc kết nối, liên thông dữ liệu đăng ký khai sinh, khai tử và cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã kết nối liên thông dữ liệu với Bộ Tư pháp.

Đem đến nhiều tiện tích cho người tham gia bảo hiểm xã hội

Ngoài hoàn thiện CSDL quốc gia thì việc cài ứng dụng cho người tham gia bảo hiểm là nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Tính đến giữa tháng 9/2021, toàn tỉnh có trên 106 nghìn người đã gửi hồ sơ đăng ký cài đặt phần mềm VssID, trên 102 nghìn người người được phê duyệt. Từ khi ra mắt tháng 11/2020 đến nay, ứng dụng đã không ngừng được cải tiến, nâng cấp. Hiện ứng dụng có nhiều tính năng, tiện ích phục vụ linh hoạt các nhu cầu thông tin thiết yếu của người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT như: cung cấp các thông tin về thẻ BHYT, quá trình tham gia BHXH, BHTN, BH tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN), BHYT; thông tin hưởng các chế độ một lần (ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN); sổ KCB cung cấp lịch sử KCB BHYT của người tham gia...

Cùng với đó, VssID còn cung cấp các tiện ích tra cứu: Mã số BHXH; cơ quan BHXH; cơ sở KCB ký hợp đồng KCB BHYT; cơ sở KCB cấp giấy nghỉ hưởng chế độ BHXH; đơn vị tham gia BHXH; điểm thu, đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất; chuyển địa bàn hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH; thay đổi hình thức lĩnh hoặc thông tin người hưởng BHXH…

Sau những lần nâng cấp, ứng dụng VssID đã có thêm nhiều tính năng tiện dụng như cho phép người dùng đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan BHXH (đăng ký trên ứng dụng, không qua cổng dịch vụ công; hỗ trợ tra cứu, quét mã QR thẻ BHYT/thẻ căn cước công dân để tự động điền các thông tin mã số BHXH, họ tên, số căn cước công dân, địa chỉ; bổ sung lựa chọn gửi email tờ khai...). Với phiên bản 1.5.4, ứng dụng thêm tính năng cho phép người dùng đăng ký tài khoản giao dịch điện tử cho con dưới 18 tuổi; tính năng hiển thị hình ảnh cá nhân tại màn hình "Sử dụng thẻ BHYT", giúp việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng để KCB thêm thuận tiện, chặt chẽ… Để tiếp tục nâng cao chất lượng người dùng, nhất là trong tình hình dịch Covid-19, ngành đang lên kế hoạch tích hợp thêm 3 tính năng mới rất hữu ích trên ứng dụng VssID, gồm: thực hiện đăng ký tài khoản trực tuyến qua công nghệ eKYC; liên kết ví điện tử/tài khoản ngân hàng; đóng BHXH, BHYT, BHTN bằng tài khoản định danh và mã QR Code.

 Mục tiêu chiến lược của ngành BHXH trong thời gian tới là nâng cao công tác phục vụ, hỗ trợ người tham gia BHXH, BHYT, BHTN ngày càng tốt hơn qua việc chuyển đổi số với các mục tiêu, dự kiến như: Tiếp tục tái cấu trúc lại thủ tục hành chính và DVC phù hợp với xu thế chuyển đổi số và tình hình CSDL của ngành; triển khai 100% DVC trên ứng dụng VssID; tối ưu hóa trải nghiệm người dùng trên ứng dụng và cổng DVC của ngành; số hoá đầy đủ kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tiếp tục mở rộng danh mục dữ liệu mở để phát triển Chính phủ số; tiếp tục hoàn thiện cổng DVC theo kiến trúc Chính phủ điện tử mới; nghiên cứu mở tổng đài tư vấn, hỗ trợ 24/7; nâng cấp, mở rộng khả năng chỉ đạo, điều hành; tiếp tục nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích, xử lý dữ liệu; triển khai hệ thống quản lý rủi ro của ngành. Đặc biệt, từ những nền tảng đã đạt được nhanh chóng hoàn thiện CSDL quốc gia về bảo hiểm để có dữ liệu nguồn đẩy mạnh thực hiện các tiện ích, DVC trên ứng dụng VssID, triển khai trí tuệ nhân tạo trong quản lý, phục vụ người tham gia BHXH, BHYT, BHTN. CSDL của ngành ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, sẵn sàng liên thông với CSDL quốc gia và các bộ, ngành, địa phương. Các phần mềm, ứng dụng của ngành không ngừng được nâng cấp, cải tiến, kết nối, liên thông, mang lại nhiều lợi ích cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

Việt Lâm

Góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính

Việc triển khai thực hiện xây dựng, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm luôn được BHXH tỉnh quan tâm và đã đạt được những kết quả nhất định. Việc khai thác, kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia đã góp phần đẩy mạnh việc cải cách hành chính tại BHXH tỉnh nói riêng và ngành BHXH nói chung, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng lao động, người lao động, người thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN giao dịch với cơ quan BHXH, nâng cao hiệu quả xử lý công việc của công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị.

Tuy nhiên, do điều kiện KT-XH của tỉnh còn nhiều hạn chế nên việc thực hiện chuyển đổi số ở một số nơi, một số bộ phận chưa đáp ứng yêu cầu. Nguyên nhân do mặt bằng về ứng dụng, hạ tầng công nghệ thông tin, nhận thức của các đơn vị sử dụng lao động, người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN chưa đồng đều. Sự phối hợp cũng như khả năng kết nối giữa các sở, ban, ngành còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của việc xây dựng, hoàn thiện, khai thác và kết nối liên thông.
Nguyễn Ngọc Sơn
Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh

Công nghệ phục vụ chuyên môn

Trong thời gian qua, BHXH huyện thực hiện "nhiệm vụ kép". Thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, theo đó, huyện giảm 23 nghìn người tham gia BHYT. Thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, toàn huyện thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình không thể thực hiện theo cách truyền thống là mở hội nghị tuyên truyền tập trung đông người. Do vậy, vừa thực hiện nhiệm vụ, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, ngoài tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền theo nhóm thì phải ứng dụng công nghệ, nhất là qua tiếp cận bằng điện thoại thông minh, facebook, zalo, ứng dụng VssID… 

Từ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ giúp chúng tôi tiếp cận với người tham gia BHXH, BHYT thuận tiện hơn mà không cần phải tiếp xúc trực tiếp. Qua đó lan tỏa được nhiều thông điệp truyền thông. Đó là công cụ đắc lực giúp chúng tôi thực hiện tốt nhiệm vụ.

Vũ Thái
Giám đốc BHXH huyện Lương Sơn


Không còn thủ tục rườm rà

Tôi là bệnh nhân mắc bệnh cao huyết áp đang được quản lý trong cộng đồng, hàng tháng đến  trạm y tế phường để khám và lấy thuốc. Trước đây, mỗi lần đi khám, lấy thuốc định kỳ, tôi phải mang theo thẻ BHYT để thực hiện các thủ tục khám, chữa bệnh. Từ khi triển khai ứng dụng VssID cán bộ ngành BHXH hướng dẫn và cài đặt nên mỗi lần đi khám, lấy thuốc không cần mang thẻ BHYT. Chỉ cần mang điện thoại vừa tiện cầm theo, vừa dễ dàng hoàn thiện các thủ tục hành chính để khám, chữa bệnh. Tôi thấy ứng dụng này giảm nhiều thủ tục hành chính cho người bệnh, tạo thuận lợi cho các y, bác sỹ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Sử dụng ứng dụng VssID, người dân không chỉ được hưởng những tiện ích khi đi khám, chữa bệnh mà còn có thể theo dõi quá trình tham gia BHXH như thế nào, thẻ BHYT bao giờ hết hạn, đã đi khám, điều trị ở đâu…

Nguyễn Thị Hậu
Phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình)

Các tin khác


Ngăn chặn trục lợi bảo hiểm y tế

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, thời gian qua, tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn còn tồn tại, nếu không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả sẽ gây giảm nguồn quỹ dành cho việc khám, chữa bệnh (KCB) đối với những trường hợp thật sự gặp rủi ro do bệnh tật. Hành vi này xuất phát từ 3 phía: Người tham gia BHYT, cơ sở y tế và chính cán bộ, nhân viên giám định. Hệ thống giám định BHXH Việt Nam đã phát hiện nhiều hình thức trục lợi BHYT như: mượn thẻ đi KCB, khám bệnh tới hơn 100 lần trong 1 năm; mượn thông tin của bác sỹ để chỉ định kéo dài ngày nằm viện.

Tăng cường đôn đốc thu, giảm nợ bảo hiểm

Thời gian qua, song song với việc tăng cường truyền thông, phát triển, đảm bảo quyền, lợi ích của người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), ngành BHXH tỉnh còn thực hiện linh hoạt nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền, đôn đốc thu nợ đối với những đơn vị chậm đóng bảo hiểm.

Đảm bảo người tham gia bảo hiểm thụ hưởng đầy đủ chế độ

Thời gian qua, bên cạnh việc tuyên truyền, mở rộng số lượng người tham gia bảo hiểm, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để người lao động được thụ hưởng đầy đủ các chế độ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT).

“Điểm tựa” cho người nghèo

Nhờ chính sách hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) của Nhà nước và địa phương, nhiều người thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh có điều kiện được tiếp cận các dịch vụ y tế, giúp giảm bớt khó khăn cho gia đình khi không may ốm đau, bệnh tật.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Từ đầu năm đến nay, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh luôn chủ động, bám sát các giải pháp chỉ đạo, điều hành của BHXH Việt Nam, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đoàn thể, các cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai công tác tuyên truyền có hiệu quả, giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng để tích cực tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT)…

Truyền thông - “chìa khóa” đưa chính sách bảo hiểm đi vào cuộc sống

Xác định công tác thông tin, truyền thông đóng vai trò quan trọng, được xem như "chìa khóa” đưa chính sách bảo hiểm đi vào cuộc sống, những năm qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kịp thời cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về chính sách bảo hiểm. Từ đó nâng cao nhận thức của nhân dân về sự cần thiết, ý nghĩa, lợi ích, giá trị nhân văn, tính ưu việt của chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), thu hút đối tượng tham gia.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục