(HBĐT) - Trong các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, báo cáo chính trị là văn kiện trung tâm, thể hiện một cách tập trung nhất tầm nhìn, bản lĩnh, trí tuệ, ý chí và sức mạnh đại đoàn kết của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Qua nghiên cứu dự thảo văn kiện quan trọng này, tôi xin tham gia một số nội dung sau:
Đồng chí Nguyễn Viết Khoa
Chính trị viên Ban CHQS huyện Lạc Sơn
Về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và cơ đồ đất nước sau 35 năm đổi mới
Tôi thống nhất với nội dung của dự thảo, đặc biệt, tâm đắc với đánh giá chung về 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH 2011 - 2020, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Bản thân tôi nhận thấy, đất nước 10 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đạt nhiều thành tựu to lớn. Trong đó, đáng ghi nhận là cấp ủy các cấp đã quán triệt thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, thẳng thắn đấu tranh với những biểu hiện sai trái, cương quyết thi hành kỷ luật Đảng đối với những cá nhân, tổ chức Đảng vi phạm kỷ luật. Trong nỗ lực chung, tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ,được nêu cao, vai trò của cấp ủy được tăng cường, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng được đẩy mạnh. Đây chính là nguồn nội lực góp phần quan trọng giữ vững QP-AN, tạo nền tảng vững chắc để đưa đất nước tiếp tục phát triển.
Về tầm nhìn và định hướng phát triển
Tôi nhất trí với phần dự báo tình hình thế giới và đất nước trong những năm sắp tới. Trong đó, đồng thuận với quan điểm chỉ đạo tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng; bảo đảm trên hết và trước hết lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển KT-XH là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội và đặc biệt, xác định việc bảo đảm QP-AN là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.
Riêng đối với 2 mục tiêu cụ thể phát triển đất nước: đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tôi cho rằng, mục tiêu như vậy là phù hợp với điều kiện đất nước cũng như xu thế phát triển chung của thế giới.
Về các nội dung quan trọng khác
Qua nghiên cứu dự thảo, tôi nhận thấy các chỉ tiêu, định hướng phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025 đều phù hợp, thể hiện được quyết tâm phát triển theo định hướng XHCN trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh CNH-HĐH, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI đưa nước ta trở thành nước phát triển. Tôi hoàn toàn nhất trí với các chỉ tiêu đã được hoạch định.
Riêng về nội dung "Định hướng nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại”, tôi nhất trí với 2 phương án: Tăng cường QP-AN, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng.
Đặc biệt, về "Định hướng nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng”, tôi nhất trí với các giải pháp: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện. Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường mối quan hệ mật thiết với Nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị trong điều kiện mới.
Nguyễn Viết Khoa
Chính trị viên Ban CHQS huyện Lạc Sơn