Sáng 14/12, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội.

Chú thích ảnhTổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điều hành phiên khai mạc. 

Theo Chương trình, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII sẽ bàn về: Tiếp thu ý kiến đóng góp của đại hội đảng bộ các cấp, của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, xem xét, thông qua nội dung các dự thảo văn kiện, hoàn chỉnh lần cuối trình Đại hội XIII của Đảng. 

Tại Hội nghị lần này, Trung ương sẽ giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII; Dự thảo Quy chế bầu cử, Quy chế làm việc tại Đại hội XIII của Đảng; và một số vấn đề quan trọng khác. 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu một số vấn đề cần tập trung thảo luận, xem xét, quyết định tại Hội nghị Trung ương lần này.

Hoàn thiện các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

Chú thích ảnhTổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Tính đến ngày 20/11/2020, 67 đảng bộ trực thuộc Trung ương đã gửi báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận ở đại hội đảng bộ các cấp (bao gồm cả đại hội đảng bộ cấp cơ sở, cấp huyện) đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Từ ngày 20/10/2020 đến ngày 10/11/2020, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp, các ngành đã chủ động tổ chức nhiều cuộc hội thảo, thảo luận và gửi về Trung ương hàng trăm bản tổng hợp ý kiến góp ý.

Đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân và đồng bào ta ở nước ngoài đã nhiệt tình tham gia góp ý kiến, gửi thư, tài liệu cho các cơ quan và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội. Các cơ quan chức năng của Trung ương đã tập hợp, tổng hợp, phân loại các ý kiến đóng góp từ hơn 1400 trang và xây dựng Báo cáo tổng hợp chung với gần 200 trang.

Việc lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thể hiện tinh thần thật sự cầu thị, dân chủ ngày càng cao trong Đảng, trong nhân dân và xã hội; phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tham gia vào quá trình hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. 

Phần lớn các ý kiến cho rằng, Dự thảo các văn kiện được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, khoa học, thận trọng, kỹ lưỡng, có sự đổi mới, bảo đảm chất lượng; gắn kết giữa lý luận với thực tiễn; phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; có nhiều điểm mới; thể hiện tầm cao trí tuệ của Đảng; phản ánh khách quan, toàn diện, sát với tình hình thực tế những kết quả đã đạt được, những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; dự báo được tình hình, xu hướng phát triển của đất nước và thế giới trong thời gian tới, từ đó xác định đúng và trúng những định hướng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, khá cụ thể để phát triển đất nước nói chung và các ngành, lĩnh vực nói riêng. 

Trên cơ sở tổng hợp, nghiên cứu, phân tích các ý kiến đóng góp, cập nhật tình hình trong nước, khu vực và thế giới năm 2020, dự báo tình hình thời gian tới, các Tiểu ban đã xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp của toàn hệ thống chính trị và nhân dân để hoàn thiện dự thảo các văn kiện, báo cáo Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến chỉ đạo hoàn chỉnh, trình Hội nghị Trung ương lần này. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đồng chí Trung ương dành thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, góp ý cụ thể vào báo cáo tiếp thu, giải trình và toàn văn các dự thảo với tinh thần thật sự cầu thị, trân trọng các ý kiến đóng góp của toàn Đảng, các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân; tập trung cho ý kiến đối với các đề xuất bổ sung, chỉnh sửa và toàn văn Dự thảo các văn kiện, nhất là những vấn đề còn có ý kiến hoặc phương án lựa chọn khác nhau.

Đồng thời, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, cần tỏ rõ chính kiến và có lập luận sắc bén, xác đáng để phản bác những ý kiến sai trái, đi ngược lại quan điểm, đường lối cơ bản của Đảng; tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân, từ đó xem xét, thông qua nội dung các dự thảo văn kiện để hoàn chỉnh lần cuối trình Đại hội XIII của Đảng. 

Giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII 

Chú thích ảnhThủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điều hành hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Tại Hội nghị Trung ương 13, Trung ương đã bỏ phiếu giới thiệu nhân sự tham gia ủy viên Trung ương chính thức, ủy viên Trung ương dự khuyết và Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII.

Tiếp đó, căn cứ vào Kế hoạch xây dựng phương án nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ý kiến phát hiện, giới thiệu của Ban Chấp hành Trung ương, thẩm định của các cơ quan chức năng và đề xuất của Tiểu ban Nhân sự, ngày 20/11/2020, Bộ Chính trị đã xem xét, thảo luận và bỏ phiếu quyết định phê duyệt Quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII. 

Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị đã chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, tham khảo công tác chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư một số khóa gần đây về tiêu chuẩn, điều kiện, độ tuổi, số lượng, cơ cấu, cách làm và những hạn chế, bất cập, các bài học kinh nghiệm được rút ra, làm cơ sở để xây dựng Đề án về phương hướng công tác nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII. 

Căn cứ vào tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới và thực tế đội ngũ cán bộ hiện có, Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị đã họp nhiều lần, xem xét một cách dân chủ, khách quan, toàn diện; rà soát chặt chẽ, kỹ lưỡng, bổ sung, hoàn chỉnh các phương án nhân sự theo đúng phương hướng, quy trình công tác nhân sự đã đề ra. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, tại Hội nghị lần này, Bộ Chính trị sẽ báo cáo Trung ương về kết quả việc chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII (về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, yêu cầu, tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng, quy trình phát hiện, giới thiệu và cách làm). Trung ương sẽ thảo luận và bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị từng đồng chí Trung ương tập trung nghiên cứu kỹ Tờ trình của Bộ Chính trị và các tài liệu nhân sự có liên quan, suy nghĩ cân nhắc thận trọng, đặt lợi ích của Đảng, của quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết, thảo luận thật kỹ, cho ý kiến một cách thẳng thắn, trách nhiệm, tạo sự đoàn kết và thống nhất cao trong việc bỏ phiếu quyết định giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII. 

Hoàn chỉnh dự thảo Quy chế làm việc và Quy chế bầu cử trình Đại hội XIII của Đảng 

Chú thích ảnhCác đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Theo quy định của Điều lệ Đảng, mỗi kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng đều phải xây dựng Quy chế làm việc, Quy chế bầu cử. Việc ban hành và tổ chức thực hiện tốt các quy chế này có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần bảo đảm thành công của Đại hội. 

Bộ Chính trị đã chỉ đạo Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các ban và cơ quan của Trung ương Đảng nghiên cứu, rà soát lại Quy chế làm việc, Quy chế bầu cử tại các kỳ Đại hội trước (từ Đại hội VII đến Đại hội XII của Đảng); tổng kết, đánh giá việc thực hiện Quy chế làm việc và Quy định về sinh hoạt của Đại biểu tại Đại hội (ở các Đại hội XI và XII) và đánh giá việc thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng do Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ban hành, đã được thực hiện có kết quả tốt đẹp tại đại hội đảng bộ các cấp. 

Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị xây dựng dự thảo Quy chế làm việc và dự thảo Quy chế bầu cử tại Đại hội lần này và hôm nay trình Trung ương xem xét, cho ý kiến để tiếp tục hoàn chỉnh, trình Đại hội XIII xem xét, quyết định. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh tinh thần chung là phải phát huy dân chủ, trí tuệ, tâm huyết của mỗi đại biểu; đồng thời phải thực hiện nghiêm các nguyên tắc, các quy định, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, trách nhiệm của cá nhân mỗi đại biểu dự Đại hội, đặc biệt là vai trò nêu gương của các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII và các đồng chí trưởng đoàn. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị các đồng chí Trung ương, trên cơ sở nắm chắc các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng và thực tiễn chỉ đạo tiến hành đại hội đảng bộ các cấp vừa qua, đặc biệt là kết quả thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng do Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ban hành, đóng góp ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo Quy chế làm việc và Quy chế bầu cử trình Đại hội XIII của Đảng, bảo đảm thực hiện đúng Điều lệ Đảng, các nguyên tắc, quy chế, quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. 

Tại Hội nghị lần này, Trung ương thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; Báo cáo tổng kết thực hiện Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiệm kỳ khóa XII; Báo cáo tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng nhiệm kỳ Đại hội XII; Báo cáo tổng kết thực hiện Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII; và Báo cáo các công việc quan trọng mà Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 13 đến Hội nghị Trung ương 14. 

Dự kiến, Hội nghị làm việc đến ngày 20/12/2020.


Theo Báo Tin tức

Các tin khác


Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Hội nghị cán bộ toàn quốc

Ngày 19/11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025

Ngày 19-11, tại Hà Nội, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức đại hội Đảng bộ (ĐHĐB) các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị.

Chân dung Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII

Đại hội Đảng lần thứ XII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 diễn ra từ ngày 21 - 28/01/2016 tại Thủ đô Hà Nội, với sự tham gia của 1.510 đại biểu đại diện cho trên 4,5 triệu đảng viên trong cả nước. Ðại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII gồm 180 đồng chí Ủy viên chính thức và 20 đồng chí Ủy viên dự khuyết. Tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị gồm 19 đồng chí; Ban Bí thư gồm 3 đồng chí. Ðồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu tiếp tục làm Tổng Bí thư của Ðảng.

Tâm huyết, trách nhiệm đóng góp vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII trên Báo Hòa Bình

(HBĐT) - "Việc công bố, thảo luận và tổng hợp ý kiến góp ý của Nhân dân vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII bảo đảm khoa học, thiết thực, đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí; khơi dậy và phát huy tinh thần trách nhiệm, tình cảm và tâm huyết của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh đối với Đảng và đất nước” - đây là yêu cầu đã được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhấn mạnh tại Hướng dẫn số 64-HD/BTGTU về việc công bố, thảo luận, lấy ý kiến của Nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Cần hoạch định chính sách cụ thể, phù hợp để khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển

(HBĐT) - Qua nghiên cứu dự thảo, tôi cơ bản nhất trí với kết cấu, nội dung của dự thảo báo cáo chính trị Đại hội XII của Đảng, kết quả thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết nhiệm kỳ 2015-2020, những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, phương hướng và nhiệm vụ thực hiện trong nhiệm kỳ 2020 -2025.

Dự thảo các văn kiện cần cụ thể hóa hơn các mục tiêu, chỉ tiêu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em

(HBĐT) - Qua nghiên cứu nội dung dự thảo báo cáo chính trị của BCH T.Ư Đảng khóa XII; dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm (2011-2020), xây dựng Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm (2021-2030); dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm (2016-2020) và phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm (2021-2025), về nội dung liên quan đến thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (BĐG) và Chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em (CSTE), tôi có một số ý kiến như sau:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục