Kính thưa Trung ương,
Thưa các đồng chí tham dự Hội nghị,
Các đồng chí: Ngô Văn Tuấn, Bí thư Tỉnh uỷ; Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu thăm quan một số sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh năm 2020. Ảnh: p.v
Một năm thiên tai diễn biến bất thường, cực đoan, nhất là thời tiết khô hạn diễn ra gay gắt, kéo dài, khiến mực nước hồ Hòa Bình xuống thấp kỷ lục trong nửa đầu của năm... đã ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình phát triển KT - XH của tỉnh. Tuy nhiên, bám sát phương châm hành động của Chính phủ là: "Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” và với sức mạnh đoàn kết, sự năng động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, KT - XH của tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định. Tiềm năng, lợi thế tiếp tục được khơi dậy và từng bước phát huy hiệu quả. Cán bộ, đảng viên, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp quyết tâm xây dựng quê hương Hòa Bình giàu đẹp, văn minh.
Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh. Trong đó đã triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngày 1/1/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KT - XH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020. Kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là thực hiện "mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng, chống, khống chế dịch Covid-19, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân, nỗ lực cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT - XH đã đề ra.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của HĐND tỉnh về tổ chức, điều hành dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 đảm bảo linh hoạt, chủ động, chặt chẽ. Thực hiện rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi; tổ chức thực hiện nghiêm, có hiệu quả các biện pháp chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo và cắt giảm các nhiệm vụ chi đã được giao dự toán nhưng chưa thực sự cần thiết, các nhiệm vụ không triển khai thực hiện do ảnh hưởng của dịch bệnh để có nguồn lực hỗ trợ người dân gặp khó khăn theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 9/4/2020 của Chính phủ.
Trong năm, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển. Tích cực gặp gỡ, đối thoại và quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư vào địa bàn nhằm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Bằng sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, năm 2020, KT - XH tỉnh Hòa Bình có chuyển biến tích cực, đúng hướng, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 3,59% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,64%; công nghiệp - xây dựng tăng 3,96% (công nghiệp̣ tăng 2,95%); dịch vụ tăng 2,43%; thuế sản phẩm tăng 2,69%. Tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản trong cơ cấu kinh tế giảm còn 22,15%; công nghiệp - xây dựng chiếm 44,18%; dịch vụ 28,86%; thuế sản phẩm 4,81%.
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản ước đạt 11,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Nổi bật là các địa phương quan tâm phát triển các sản phẩm lợi thế, nhất là cây có múi, mía tím, rau an toàn; mở rộng diện tích trồng các loại cây có thế mạnh của từng địa phương, tạo lợi thế cạnh tranh theo từng vùng. Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi theo hướng tích cực, hình thành lên những vùng sản xuất tập trung, sản xuất hàng hóa cho giá trị thu nhập cao.
Các chương trình khuyến công tiếp tục được đẩy mạnh. UBND tỉnh chỉ đạo thường xuyên theo dõi sát tình hình và chủ động tháo gỡ khó khăn trong sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn. Các cơ sở công nghiệp đã quan tâm đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng ở các ngành gia công. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 ước đạt 46.610 tỷ đồng, tăng 4,74% so với cùng kỳ năm trước, bằng 100% kế hoạch năm.
Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến đầu tư tiếp tục được đẩy mạnh. Hòa Bình dần trở thành điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư. Có nhiều nhà đầu tư tiềm năng, chiến lược đang tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh. Trên địa bàn tỉnh có 51 dự án được quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; trong đó có 2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 3,6 triệu USD và 49 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 16.900 tỷ đồng. Có 425 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 3.114 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước, số lượng doanh nghiệp cấp mới tăng 16,4%. Lũy kế đến hết năm 2020, toàn tỉnh ước có 4.000 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký gần 45.000 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, năm 2020, KT - XH của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Có 4 chỉ tiêu chủ yếu không đạt kế hoạch đề ra. Sản xuất nông nghiệp còn gặp khó khăn, năng lực cạnh tranh nông sản thấp. Thương mại chưa khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đặc biệt là đối với các sản phẩm của ngành nông nghiệp. Gắn kết giữa sản xuất với tiêu dùng của thương mại còn hạn chế; chưa hình thành và phát triển được các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn; một số doanh nghiệp hoạt động dưới công suất, cầm chừng. Việc công khai thủ tục hành chính tại một số đơn vị chưa đảm bảo cập nhập kịp thời, đầy đủ các quy định của Trung ương. Chậm đưa vào khai thác các dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ trực tuyến mức độ 3, nhất là các dịch vụ trực tuyến mức độ 4 còn nhiều đơn vị, địa phương chưa thực hiện nghiên túc. Sự phối hợp giữa các các sở, ngành có lúc, có việc thiếu chặt chẽ. Vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, còn gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp đến giải quyết công việc... Những hạn chế này rất cần được các cấp, các ngành nhận diện một cách nghiêm túc để khắc phục, sửa chữa và hiến kế giúp UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tạo đột phá trong phát triển KT - XH tỉnh Hòa Bình nhanh, bền vững, bắt kịp sự phát triển trong thời kỳ hội nhập sâu rộng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trước thềm năm mới 2021, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, dẫu phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức, song với sự đồng thuận, quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tin tưởng rằng sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng tỉnh Hoà Bình phát triển xứng tầm là vùng cửa ngõ Thủ đô Hà Nội.
Bùi Văn Khánh
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
Kính thưa Trung ương,
Thưa các đồng chí tham dự Hội nghị,
Sau gần 5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra (kết thúc sớm hơn 2 ngày so với dự kiến). Sáng 18/12, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương đã họp phiên bế mạc. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị.