(HBĐT) - Năm 2021 diễn ra sự kiện chính trị quan trọng - Kỷ niệm 135 năm thành lập tỉnh (1886 - 2021) và 30 năm tái lập tỉnh (1991 - 2021). Đây là dịp Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc ôn lại truyền thống văn hóa, lịch sử, quê hương kiên cường cách mạng, cùng đồng lòng, nỗ lực phấn đấu xây đắp tương lai tốt đẹp.


Đô thị thành phố Hòa Bình được trang hoàng dịp Kỷ niệm 135 năm thành lập tỉnh, 30 năm tái lập tỉnh.

Những giá trị văn hóa, truyền thống quê hương được gây dựng, bồi đắp trong suốt chiều dài lịch sử đã tạo nên sức mạnh nội sinh, nền tảng vững chắc để Đảng bộ, Nhân dân vững tin bước vào công cuộc đổi mới. Ngày 22/6/1886, tỉnh Hòa Bình được thành lập với tên gọi tỉnh Mường, gồm 4 phủ: Vàng An, Lương Sơn, Lạc Sơn, Chợ Bờ. Đến ngày 5/9/1896, tỉnh lỵ được chuyển từ Chợ Bờ về đóng tại làng Vĩnh Diệu, xã Hòa Bình, thuộc TP Hòa Bình ngày nay. Từ đây, tỉnh chính thức mang tên Hòa Bình với 4 châu: Lương Sơn, Kỳ Sơn, Mai Đà và Lạc Sơn (bao gồm cả huyện Lạc Thủy). Trải qua nhiều lần chia tách, thay đổi, đến nay, tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 9 huyện và 1 thành phố; 151 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 129 xã, 12 phường và 10 thị trấn, dân số khoảng 90 vạn người với 6 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó, dân tộc Mường chiếm trên 63% dân số. Nhân dân các dân tộc tự hào có nền "Văn hóa Hòa Bình”, miền đất của sử thi huyền thoại "Đẻ đất, đẻ nước”. Nền "Văn hóa Hòa Bình” đã góp phần xây dựng nền văn minh nông nghiệp của đất Việt. Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, Nhân dân các dân tộc tỉnh có truyền thống đoàn kết, cần cù lao động, sản xuất, anh dũng, kiên cường trong đấu tranh dựng nước và giữ nước. Từ khi có Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, truyền thống đó được bồi đắp, hội tụ, lan tỏa, tạo nên sức mạnh vô cùng to lớn, giúp Nhân dân các dân tộc trong tỉnh vượt qua khó khăn, thử thách trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước.

Theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ kính yêu, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đồng lòng vùng lên lật đổ chính quyền thực dân, phong kiến, lang đạo, đưa Nhân dân từ thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình, làm chủ bản làng, quê hương. Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh vượt qua biết bao hy sinh, gian khổ, đóng góp xứng đáng vào thắng lợi 2 cuộc kháng chiến trường kỳ và trong công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước. Năm 1976, tỉnh Hòa Bình hợp nhất với tỉnh Hà Tây thành tỉnh Hà Sơn Bình, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh bắt tay vào khắc phục hậu quả, hàn gắn vết thương chiến tranh, khắc phục khó khăn khôi phục và phát triển sản xuất, phát triển KT-XH. Thực hiện chủ trương của Đảng, cán bộ, Nhân dân trong tỉnh tiếp tục hy sinh, cống hiến tài sản, ruộng đất, đóng góp to lớn về sức người, sức của cho việc xây dựng nhà máy thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á, công trình thế kỷ trên sông Đà, đưa công trình vào khai thác bảo đảm tiến độ, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bước vào giai đoạn đổi mới, nhất là từ khi tái lập tỉnh tháng 10/1991 đến nay, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã vận dụng hiệu quả, sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào điều kiện thực tế thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Từ chỗ xuất phát điểm thấp, nền kinh tế nghèo nàn, cơ sở hạ tầng yếu kém, trình độ dân trí còn thấp, đến nay, tỉnh đã phát triển vượt bậc, vươn lên thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo, tăng trưởng kinh tế đứng trong tốp đầu các tỉnh miền núi phía Bắc. Kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá và vững chắc; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực sản xuất đều phát triển, giá trị tổng sản phẩm (GRDP) tăng, năm sau cao hơn năm trước; quy mô nền kinh tế được mở rộng. Các mặt công tác, các nhiệm vụ trọng tâm có sự phát triển đáng ghi nhận. Năm 2021, có 16/21 chỉ tiêu đạt và vượt nghị quyết của Tỉnh ủy. Đặc biệt, trong khó khăn bảo đảm những cân đối lớn của nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người đạt 61,5 triệu đồng, hộ nghèo giảm còn 6,6%.


Tiết mục văn nghệ ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước đổi mới.

Công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ đi vào thực chất, hiệu quả. Tỉnh đã thực hiện luân chuyển 100% bí thư cấp ủy cấp huyện, đồng thời là chủ tịch HĐND. Công tác đánh giá cán bộ được đổi mới. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương có sự chuyển động tích cực với những cách làm mới, hiệu quả, đưa nhanh Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp vào cuộc sống. Huyện Lương Sơn tập trung triển khai nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu trở thành vùng kinh tế năng động, cơ bản trở thành thị xã trước năm 2025. TP Hòa Bình đã có những công trình đột phá về hạ tầng, phát triển không gian đô thị, hướng tới mục tiêu trở thành đô thị vùng Thủ đô hiện đại, văn minh, là cửa ngõ vùng Tây Bắc… Huyện vùng cao Đà Bắc khó khăn chồng chất nỗ lực phấn đấu thoát khỏi vùng "trắng” về xã nông thôn mới; huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất, phát triển kinh tế vùng hồ từ nuôi trồng thủy sản, khai thác tiềm năng du lịch, phát triển chăn nuôi, cải thiện đời sống Nhân dân. Huyện Lạc Sơn quyết liệt chỉ đạo các nghị quyết chuyên đề về giải phóng mặt bằng, phát triển du lịch, công tác cán bộ để tập trung chỉ đạo giải phóng mặt bằng công trình hồ Cánh Tạng và nhiều dự án quan trọng, tạo hiệu quả bước đầu trong chuẩn bị quỹ đất sạch phục vụ các dự án, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư chiến lược…

Các tiềm năng, lợi thế đang được khai thác hiệu quả, diện mạo đô thị, nông thôn, đời sống người dân biến đổi sâu sắc. Sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển theo hướng nâng cao hiệu quả, giá trị bền vững. Hạ tầng giao thông, các công trình phúc lợi vươn tới vùng sâu, vùng xa, mở ra những cơ hội tiếp cận với chủ trương, chính sách phát triển sản xuất, an sinh xã hội. Nhiều công trình, dự án quan trọng được đưa vào khai thác như đường nối quốc lộ 6 với đường Chi Lăng, đường 435 lên hồ Hòa Bình, các cầu qua sông Đà… Nhiều dự án, công trình quan trọng đang được khởi động như cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, Hoà Bình - Mộc Châu (Sơn La), các đường nội thị, đường liên kết vùng tạo hiệu ứng tích cực thu hút nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư.

Truyền thống, bề dày lịch sử 135 năm xây dựng, phát triển và 30 năm tái lập tỉnh đang tiếp thêm sức mạnh để tỉnh bước vào giai đoạn đổi mới, cùng hướng tới mục tiêu, hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII phát triển nhanh, bền vững, chăm lo tốt hơn đời sống người dân, để mỗi người dân thụ hưởng thành quả của đổi mới.


Lê Chung


Các tin khác


Những nét khái quát về sự hình thành tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí quan trọng, chiến lược về kinh tế, chính trị, AN-QP... Tỉnh là nơi có nền Văn hoá Hòa Bình nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ.

Tự hào cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910)

(HBĐT) - Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, với truyền thống yêu nước, ngay từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ tại đây, Nhân dân Hòa Bình đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân và chế độ lang đạo hà khắc. Trong dòng chảy lịch sử hào hùng 135 năm thành lập tỉnh, cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910) là một mốc son chói lọi về lòng yêu nước của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Đảng bộ tỉnh - những mốc son lịch sử

(HBĐT) - Với truyền thống vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh bằng những hành động, việc làm cụ thể, nắm bắt các cơ hội phát triển, trách nhiệm, nỗ lực thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Hòa Bình giai đoạn từ năm 2015 đến nay - những dấu ấn tự hào

(HBĐT) - Từ năm 2015 đến nay, với sự đoàn kết thống nhất, cùng nỗ lực vượt bậc của toàn tỉnh, Hòa Bình tiếp tục thu được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị. Kinh tế tăng trưởng khá và bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực sản xuất đều phát triển. Hoạt động xúc tiến đầu tư trong giai đoạn này được đẩy mạnh, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, quan tâm với nhiều công trình quan trọng. Hoạt động đối ngoại được mở rộng.

Những bước chuyển biến mạnh mẽ của tỉnh trong giai đoạn 2011 - 2015

(HBĐT) - Giai đoạn này, tỉnh đã hoàn thành Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh đến năm 2020; đẩy mạnh phát triển công nghiệp - dịch vụ, gắn với phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao đủ sức cạnh tranh, chú trọng phát triển sản phẩm có giá trị cao. Tiếp tục quy hoạch và xây dựng tỉnh Hòa Bình trở thành trung tâm du lịch của vùng Thủ đô. Cải cách hành chính của tỉnh đã thu được kết quả tích cực…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục