Hội đồng Chung khảo Cuộc thi viết "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ hai, năm 2022-2023 đã lựa chọn 30 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải, gồm: 3 giải Nhất, 6 giải Nhì, 9 giải Ba và 12 giải Khuyến khích.

Ngày 24/4, tại Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội tổ chức gặp mặt báo chí thông tin về Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ hai, năm 2022-2023. Đây là một trong những hoạt động thiết thực, ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30/4/1975-30/4/2023).

Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi viết "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ hai cho biết: Sau hơn một năm triển khai, Ban Tổ chức Cuộc thi đã nhận được 643 tác phẩm của 38 cơ quan báo chí (tăng 145 tác phẩm và 09 cơ quan báo chí so với cuộc thi lần thứ nhất).


Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ thông tin về Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết về đề tài "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới" lần thứ hai. (Ảnh: BTC).

Trong đó, 156 tác phẩm do khối báo chí Trung ương gửi đến tham dự; khối báo chí địa phương là 254 tác phẩm và khối tạp chí là 233 tác phẩm. Đặc biệt, có 193/643 (chiếm 30%) tác giả là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong cả nước có tác phẩm gửi dự thi. Ngoài ra, năm nay còn có tác phẩm của người nước ngoài đang công tác tại Việt Nam gửi tham dự cuộc thi. "Hầu hết các tác phẩm tham dự giải đã bám sát chủ đề, nội dung cuộc thi; chất lượng tác phẩm tương đối đồng đều, nhiều bài thể hiện rõ tính phát hiện, đề cập vấn đề mới trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; phòng chống "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa”, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” - Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ nhận định.

Theo Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, nét mới của cuộc thi năm nay là việc phân chia thành 3 hệ thống giải (giải cho khối báo chí Trung ương, giải cho khối báo chí địa phương và giải cho tạp chí), cũng như khen thưởng các cơ quan báo chí có nhiều tác phẩm tham dự cuộc thi và giải thưởng riêng dành cho tác giả là người nước ngoài có tác phẩm gửi tham dự cuộc thi.

Trên cơ sở thể lệ, quy chế chấm điểm, qua hai vòng chấm sơ khảo và chung khảo bảo đảm nghiêm túc, khách quan, Hội đồng Chung khảo với các nhà báo uy tín hàng đầu cả nước đã thống nhất lựa chọn 30 tác phẩm xuất sắc để trao 03 loại giải, gồm: Giải dành cho báo Trung ương; giải dành cho báo địa phương; giải dành cho tạp chí. Trong đó có: 3 giải Nhất, 6 giải Nhì, 9 giải Ba và 12 giải Khuyến khích. Ban Tổ chức cũng quyết định tặng thưởng cho 1 tác phẩm xuất sắc của người nước ngoài và khen thưởng 3 tập thể cơ quan báo chí có nhiều tác phẩm chất lượng tham dự cuộc thi.

Kết quả cuộc thi không chỉ góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền của Báo QĐND và các cơ quan báo chí trong cả nước về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng bằng thể loại chính luận; mà còn kết nối, phát huy tài năng, tâm huyết của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo và các cơ quan báo chí trong cả nước cùng góp sức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 22/10/2018 về "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ hai sẽ được tổ chức vào lúc 20 giờ ngày 26/4/2023 tại Nhà hát Lớn Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên Kênh Quốc phòng Việt Nam; phát trực tiếp trên nền tảng Internet của Báo Quân đội nhân dân Điện tử. 

Dịp này, Ban Tổ chức tiếp tục phát động Cuộc thi "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới" lần thứ ba, năm 2023-2024. Đối tượng dự thi là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo chuyên nghiệp, thông tin viên, cộng tác viên, bạn đọc trong cả nước; tác phẩm đã đăng trên ấn phẩm của các cơ quan báo chí in, báo chí điện tử trong cả nước được cấp giấy phép hoạt động của Bộ Thông tin và Truyền thông  (trong thời gian từ ngày 01/4/2023 đến ngày 15/3/2024).

Tác phẩm dự thi có thể là một bài, hoặc một loạt bài (không quá 5 bài) có chung đề tài, tác giả (nhóm tác giả), thời gian đăng liên tục, mỗi bài không quá 2.500 từ, thuộc thể loại chính luận, phỏng vấn (chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo). Tác phẩm dự thi phải bảo đảm tính chính xác, tính thuyết phục cao. Trong bài viết cần trích dẫn rõ nguồn, bảo đảm trung thực, thực hiện đúng quy định của Luật Báo chí, Luật Sở hữu trí tuệ.

Mỗi tác giả có thể gửi bài dự thi với số lượng không giới hạn. Mỗi cơ quan báo chí có thể gửi bài dự thi về chủ đề "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” đã đăng trên báo in, báo điện tử, với số lượng không giới hạn. Ban Tổ chức không nhận tác phẩm đã đoạt Giải báo chí Quốc gia và Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng).

Các tác phẩm dự thi gửi theo địa chỉ: Báo Quân đội nhân dân, số 7, Phan Đình Phùng, Hà Nội (trên tác phẩm dự thi và ngoài bì thư ghi rõ "Tác phẩm dự cuộc thi về đề tài "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới”). Tác phẩm báo điện tử cần gửi bản in từ giao diện trang báo điện tử và kèm theo đường link bài báo (không nhận tác phẩm đánh máy lại); gửi đường link vào địa chỉ email sau: vanhoa@qdnd.vn. Thời gian nhận bài dự thi từ tháng 4/2023 - 15/3/2024 (tính theo thời gian gửi email hoặc theo dấu bưu điện ngoài bì thư).

Lễ tổng kết và trao giải dự kiến sẽ diễn ra vào dịp Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/2024).

Theo dangcongsan.vn

Các tin khác


Thói xu nịnh và giá trị ảo

Thói xu nịnh tưởng chừng vô hại, nghe vui tai, nhưng thực chất lại nguy hại khôn lường vì nó dẫn tới sự mất tỉnh táo, bị nhầm lẫn bởi giá trị ảo, từ đó đưa ra những lựa chọn sai, những quyết định sai.

Không “chính trị hóa” các vụ án kinh tế

Phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm, do Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh mở, đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Bên cạnh thông tin khách quan, phản ánh trung thực diễn biến phiên tòa và bản chất vụ án, không gian mạng cũng liên tục xuất hiện những thông tin xuyên tạc, kích động theo hướng "chính trị hóa” các quan hệ kinh tế, nhằm phá hoại môi trường đầu tư, gây rối an ninh chính trị, chống phá đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước...

Không lạc lối trong không gian mạng

Giờ đây, trên tay ai hầu như cũng đều có điện thoại thông minh (smartphone). Cũng chỉ cần có vậy là bất cứ ai, khi nào, ở đâu đều có thể truy cập internet, "sống” trong không gian mạng. Thời đại công nghệ phát triển và chuyển đổi số, việc tiếp cận thông tin chưa bao giờ dễ dàng như hiện nay. 

Vạch trần các hoạt động lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo gây mất an ninh trật tự ở nước ta

Khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân, được quy định cụ thể trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật nước ta.

Phản bác luận điệu xuyên tạc, phủ nhận giá trị cuốn sách của Tổng Bí thư

Ngay khi cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra mắt bạn đọc, thông qua mạng Internet, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, zalo, blog, telegram, twitter…, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị đã cố tình xuyên tạc, phủ nhận ý nghĩa và giá trị của cuốn sách nhằm phủ nhận những kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam.

Đừng để văn hóa nước nhà lâm nguy trước làn sóng sùng ngoại, lai căng

Một trong những nguy cơ lớn nhất đối với các quốc gia trong thời đại toàn cầu hóa, trong đó có Việt Nam, là nguy cơ mai một, mất bản sắc văn hóa dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ dễ bị choáng ngợp, thậm chí bị "mù màu” trước các làn sóng văn hóa ngoại lai xâm nhập, từ đó thiếu tỉnh táo suy xét, nhận biết, phân biệt đúng-sai, hay-dở, tốt-xấu, cao thượng-thấp hèn và bị hòa lẫn vào cái ma trận văn hóa mà người ta gọi là sùng ngoại, lai căng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục