(HBĐT) - Tại hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát (KT, GS) của Tỉnh ủy năm 2020, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo: "Các cấp ủy, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải thực hiện tốt công tác KT, GS, thi hành kỷ luật Đảng theo chức năng, nhiệm vụ; đồng thời tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị cấp dưới thực hiện tốt công tác KT, GS khắc phục ngay tình trạng "trên nóng, dưới lạnh”.
Tình trạng "trên nóng, dưới lạnh” được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề cập đến đó là, trong thời gian qua, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thể chế hoá các nghị quyết của T.Ư, Chính phủ và Quốc hội, tập trung lãnh đạo đẩy mạnh phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN và công tác xây dựng Đảng; tổ chức nhiều đoàn công tác của BTV, Thường trực Tỉnh ủy làm việc với các ngành, địa phương để kiểm tra tình hình tổ chức triển khai nhiệm vụ, trên cơ sở đó ban hành nhiều quyết sách tập trung tháo gỡ khó khăn cho từng ngành, từng lĩnh vực, địa phương. Bên cạnh đó, Tỉnh uỷ, BTV Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo đổi mới lề lối công tác, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm tăng tính chủ động, linh hoạt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cho từng cấp ủy, tổ chức Đảng và chính quyền các cấp. Nhờ đó, bức tranh KT-XH tỉnh đã có nhiều điểm sáng, như tốc độ tăng trưởng kinh tế, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực; các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh dần được "đánh thức” nhờ môi trường, chính sách thu hút đầu tư được cải thiện; hệ thống chính trị, đơn vị hành chính cấp huyện, xã được cải tiến, sắp xếp một bước đảm bảo yêu cầu tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, việc tiếp nhận, tổ chức thực hiện chỉ đạo của cấp ủy cấp trên ở một số cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của tỉnh còn hạn chế. Các biểu hiện rõ nhất là sự thiếu quyết tâm, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương của Tỉnh uỷ; đó là tính bảo thủ, trì trệ, thói quen tuỳ tiện, chậm đổi mới phương pháp, cách thức làm việc thiếu hiệu quả, thiếu chuyên nghiệp trong đội ngũ cán bộ, công chức; chậm trễ trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong giải quyết các thủ tục hành chính đối với người dân, doanh nghiệp.
Tình trạng "dưới lạnh” còn là các biểu hiện chậm khắc phục những yếu kém trong quản lý đất đai, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường; tình trạng yếu kém trong quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị; tình trạng lãng phí, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công, đầu tư công đang làm nóng dư luận, gây bức xúc trong Nhân dân; là tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm tiếp công dân, chậm giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, dẫn đến công dân khiếu nại, tố cáo vượt cấp, làm phức tạp tình hình và là nhân tố gây bất ổn về ANTT, an toàn xã hội.
Bàn về trách nhiệm. Về nguyên tắc, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải chịu trách nhiệm cá nhân trước kỷ luật của Đảng, trước pháp luật của Nhà nước trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và đều bình đẳng trước pháp luật, kỷ luật của Đảng. Tuy nhiên, với vai trò lãnh đạo và thực hiện nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, để tình trạng "trên nóng, dưới lạnh” xảy ra ở đơn vị, địa phương, cơ quan tổ chức nào trước hết là trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, quản lý những nơi đó, trong đó không thể không nói tới trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, tổ chức Nhà nước được giao quản lý, lãnh đạo nhưng chưa làm tròn trọng trách được giao.
Khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh” không phải là chuyện dễ dàng, điều này đòi hỏi sự chuyển động vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ, tổ chức Đảng luôn là nhân tố quyết định. Trước hết, mỗi cấp uỷ, tổ chức Đảng cần tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Phát huy nguyên tắc tập trung dân chủ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp uỷ, tổ chức Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; đổi mới tác phong, lề lối làm việc, năng lực thể chế hoá sự lãnh đạo của cấp uỷ cấp trên. Phát huy sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác KT, GS và kỷ luật của các cấp ủy, tổ chức Đảng, tập trung phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm; kiên quyết xử lý vi phạm không có vùng cấm, không có ngoại lệ và không bỏ lọt hành vi vi phạm dù nhỏ nhất mà không bị xử lý.
Tiếp tục đổi mới công tác đánh giá cán bộ, trong đó cần làm rõ cơ chế phát huy, giám sát, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, tổ chức Nhà nước và các đoàn thể gắn với việc đánh giá, phân loại chất lượng và kế hoạch luân chuyển điều động, bổ nhiệm cán bộ, công chức hàng năm.
Phát huy vai trò giám sát của Nhân dân thông qua hoạt động của MTTQ và các đoàn thể Nhân dân, của các cơ quan dân cử địa phương và thông tin báo chí phản ánh những bất cập trong công tác lãnh đạo, quản lý, những hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, đảng viên.
Trở lại ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh” thực chất là lập lại kỷ cương, kỷ luật trong tổ chức, hoạt động và điều hành của cấp ủy, tổ chức Đảng và của các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, rộng hơn là của cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh. Vì vậy, dù khó khăn nhưng là việc không thể không làm, vì đó là giải pháp mang tính quyết định sự thành bại trong tổ chức thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Đại hội XIII của Đảng của mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng.
(HBĐT) - Đó là mục tiêu cao nhất, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt mà lực lượng Công an tỉnh đặt ra và được quán triệt đến 100% cán bộ, chiến sỹ (CB, CS) trong toàn lực lượng với tinh thần bám cơ sở, nắm chắc địa bàn, không để bị bất ngờ trong mọi tình huống; bảo vệ từ xa, từ sớm nhằm phòng ngừa, ngăn chặn âm mưu, hoạt động phá hoại bầu cử trên địa bàn tỉnh.
(HBĐT) - "Trong giờ phút trang trọng và ấm tình quê hương, tôi mong các chiến sỹ trẻ luôn ghi nhớ truyền thống chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của các thế hệ cha anh, phát huy truyền thống quê hương Lạc Thủy anh hùng, dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là những công dân ưu tú của huyện…”.
(HBĐT) - Xã Quý Hòa (Lạc Sơn) là địa bàn đặc biệt khó khăn, thu nhập bình quân đầu người đạt thấp so với mức bình quân chung của huyện. Vì thế, bước sang nhiệm kỳ mới, bám sát phương châm "lấy dân làm gốc”, Đảng bộ xã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các giải pháp hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, từng bước xóa đói, giảm nghèo, phấn đấu đưa kinh tế xã phát triển đạt mức trung bình khá của huyện.
Quốc phòng, an ninh (QP, AN), bảo vệ Tổ quốc là lĩnh vực rất quan trọng luôn được đề cập trong văn kiện các Ðại hội Ðảng. Qua mỗi kỳ Ðại hội, quan điểm của Ðảng về tăng cường QP, AN, bảo vệ Tổ quốc luôn có sự bổ sung, phát triển, ngày càng hoàn thiện.
(HBĐT) - Tổ chức kiểm điểm tự phê bình và phê bình (TPB&PB), đánh giá xếp loại chất lượng hàng năm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và từng cá nhân, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý là một chủ trương đúng đắn và xuyên suốt của Đảng, được quy định chặt chẽ trong Quy định số 123-QĐ/TW, ngày 8/3/2018 của Bộ Chính trị.
(HBĐT) - Hang Kia, Pà Cò là 2 xã vùng cao thuộc huyện Mai Châu, dân số gần 6 nghìn người, trong đó, dân tộc Mông chiếm 98,83%, tỷ lệ hộ nghèo cao; hạ tầng KT-XH còn nhiều khó khăn; nhận thức về pháp luật của Nhân dân thấp, ANCT-TTATXH, nhất là tội phạm ma túy diễn biến phức tạp.