Đến nay, có trên 85% hộ dân xã Tân Mỹ (Lạc Sơn) sống trong những nếp nhà sàn truyền thống, trong đó, trên 32,6% là nhà sàn làm bằng bê tông.
Xã Tân Mỹ có hiện tích tự nhiên hơn 32.600 ha, trong đó có 1.800 ha rừng, với tỷ lệ che phủ đạt 57%. Toàn xã có 1.625 hộ, trên 7.400 nhân khẩu, trong đó người dân tộc Mường chiếm trên 90%. Hiện nay, toàn xã có trên 85% hộ sống trong những nếp nhà sàn truyền thống. Trong đó, trên 32,6% là nhà sàn làm bằng bê tông. Đánh giá về ý nghĩa của nhà sàn đối với đời sống người dân tộc Mường, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Tân Mỹ Bùi Văn Khoán, cho biết: "Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui”, đó là nét sinh hoạt hàng ngày của đồng bào Mường từ xa xưa. Giờ đây, đời sống đã có nhiều đổi thay, nhưng đa số người dân ở Tân Mỹ vẫn giữ lại được nét đẹp văn hóa truyền thống, nhất là ăn ở, sinh hoạt trong những nếp nhà sàn quen thuộc, vẫn đồ xôi, thui lợn vào những dịp lễ tết. Ngày xưa, làm và ở trong nhà sàn một phần là để phòng ngừa thú dữ. Ngày nay, vẫn ăn ở, sinh hoạt trong nhà sàn vì diện tích sử dụng rộng rãi (cả trên nhà và dưới gầm nhà sàn), mùa đông ấm áp bên bếp lửa, mùa hè thoáng mát vì nhà nhiều cửa sổ. Đặc biệt, những năm gần đây hàng trăm ngôi nhà sàn làm bằng bê tông được xây dựng vừa có độ bền cao hơn nhà gỗ và được cải tiến nhiều nên càng thêm tiện ích trong sinh hoạt”
Quả thực, đến Tân Mỹ, mọi người đều rất ưa thích vì không khí ở đây trong lành, mát mẻ quanh năm. Đặc biệt, 100% hộ dân cùng trường học, trạm y tế, trụ sở Đảng ủy, UBND xã đều có hệ thống nước để ăn, uống, sinh hoạt hàng ngày. Để có được kết quả đó là nhờ làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng. Trong đó, phong trào làm nhà sàn bê tông có ý nghĩa quan trọng nâng cao ý thức bảo vệ rừng và ngăn ngừa tình trạng phá rừng của người dân ở các thôn, bản. Bà Bùi Thị Khịn, Bí thư chi bộ xóm Song (Tân Mỹ) bảy tỏ: "Làm nhà sàn bằng bê tông cũng là việc làm thiết thực trong thực hiện lệnh đóng cửa rừng của Chính phủ. Không chỉ làm tốt công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, thực hiện Nghị quyết của Đảng uỷ xã, nhiều năm qua các hộ dân trong xã không trồng hoa màu ở các khu vực đầu nguồn nước để hoá chất, thuốc diệt cỏ không làm ảnh hưởng đến công trình nước sạch. Hơn nữa ăn ở, sinh hoạt trong nhà sàn đã là nếp sống quen thuộc của đa số dân cư trong xã, làm nhà sàn bê tông giá vật liệu và công rẻ 2/3 so với nhà gỗ, độ bền cao, ít phải thay thế, sửa chữa”.
Giữ được nhà sàn, xây dựng nhà sàn bằng bê tông còn tạo được việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động trong xã. Đến nay xã Tân Mỹ có 25 tổ nhóm chuyên xây dựng nhà sàn bê tông trong xã và các xã bạn, thậm chí có nhóm thợ còn đi làm nhà sàn ở các địa phương khác trong và ngoài tỉnh. những nhóm thợ này đều được đánh giá cao về kỹ thuật, tay nghề và luôn giữ được uy tín. Là người đầu tiên có ý tưởng xây dựng nhà sàn bê tông từ năm 2003, ông Bùi Văn Lê, ở xóm Nạch rất tâm đắc: "Vào năm 2003, khi xã triển khai chủ trương của Chính phủ về xoá nhà ở siêu vẹo, dột nát cho các hộ nghèo. Thời điểm đó việc khai thác gỗ tự nhiên đã bị chính quyền ngăn chặn khá triệt để. Trong khi nhiều hộ vẫn có nguyện vọng làm nhà mới là nhà sàn. Trước thực tế đó, tôi đã nảy sinh ý tưởng làm nhà sàn bằng bê tông và được nhiều gia đình hưởng ứng. Vừa làm vừa mầy mò, nghiên cứu, 14 năm qua, tốp thợ của tôi đã xây dựng được trên 100 ngôi nhà sàn bê tông. Không chỉ làm nhà sàn cho các hộ gia đình, nhóm thợ của tôi đã làm nhiều nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng cho xã nhà và các xã Ân Nghĩa, Vũ Lâm, Liên Vũ, Hương Nhượng với trị giá mỗi nếp nhà từ 1,5 tỷ đến 2 tỷ đồng. Theo đó, thu nhập bình quân của anh em đạt 6 triệu đồng/người/tháng”.
Đến nay, 100% hộ dân ở Tân Mỹ đã có nhà tiêu hợp vệ sinh và được cung cấp nước sạch, thu nhập bình quân đạt 27,7 triệu đồng/ người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 9,2%. Kết quả đó, là cơ sở vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân yên tâm, phấn khởi, phát huy truyền thống đoàn kết, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về học tập và là theo tư tưởng, đạo đức, phong Cách Hồ Chí Minh để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp và phát triển.
Đ.P