(HBĐT) - LTS: Ngày 27/6/2017, UBND tỉnh đã ban hành Đề án "Thí điểm sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố thuộc tỉnh Hòa Bình”. Đây là một chủ trương lớn cần sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị. Để làm rõ các vấn đề liên quan đến đề án, phóng viên Báo Hòa Bình đã phỏng vấn đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo triển khai, thực hiện Đề án "Thí điểm sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố thuộc tỉnh Hòa Bình” (gọi tắt là Đề án 1084).
PV: Xin đồng chí cho
biết sự cần thiết của việc sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố trên địa bàn
tỉnh?
Đồng chí Bùi Văn Cửu: Hiện nay, tỉnh Hòa Bình có 2.059 xóm,
tổ dân phố, trong đó có 297 tổ dân phố và 1.762 xóm. Theo Thông tư số 04/2012/TT-BNV
ngày 31/8/2012 của Bộ Nội vụ về "tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố” thì
xóm thuộc vùng miền núi phải có từ 100 hộ gia đình trở lên; tổ dân phổ phải có
từ 150 hộ trở lên. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện nay còn có 253/297 tổ dân
phố có quy mô dưới 150 hộ (chiếm 85,19%). Có 1.164/1.762 xóm có quy mô dưới 100
hộ (chiếm 66,06%).
Thực tế cho thấy, xóm, tổ dân phố phần lớn được hình thành
do lịch sử để lại, có quy mô quá nhỏ, không đồng đều, chưa đảm bảo các tiêu chí
phân loại theo quy định hiện hành. Việc huy động tập trung nguồn lực đầu tư xây
dựng thiết chế văn hóa, hạ tầng KT-XH, hệ thống phúc lợi công cộng rất khó
khăn.
Đồng chí Bùi Văn Cửu,
Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo 1084 phát biểu chỉ đạo việc triển
khai đề án điểm tại các huyện.
Xu hướng tăng dần về số lượng, kinh phí chi trả
phụ cấp cho đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở xóm, tổ
dân phố. Mỗi xóm hiện có 5 tổ chức đoàn thể được khoán hỗ trợ kinh phí hoạt
động là 0,1 hệ số lương cơ sở/1 tổ chức/tháng. Tổng kinh phí chi trả phụ cấp
cho những người hoạt động không chuyên trách, khoán kinh phí hỗ trợ các tổ chức
đoàn thể khoảng 150 tỷ đồng/năm.
Do đó, việc sáp nhập xóm, tổ dân phố là cần thiết,
qua đó nhằm sắp xếp lại bộ máy xóm, tổ dân phố theo hướng tinh gọn, đảm bảo
hoạt động ổn định và nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời giảm biên chế, giảm
chi phí hành chính; nâng cao chất lượng hoạt động đội ngũ cán bộ. Huy động tập
trung nguồn lực; nâng cao trình độ, trách nhiệm và tăng mức thu nhập cho đội
ngũ cán bộ tham gia hoạt động công tác ở cơ sở.
PV: Xin đồng chí cho biết đề án sẽ được triển khai qua
các bước như thế nào?
Đồng chí Bùi Văn Cửu: Đây là một chủ trương lớn,
cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Tuy nhiên, đề án sẽ có tác
động lớn đến tổ chức, hoạt động và tâm lý cán bộ hệ thống chính trị ở cơ sở. Do
đó, các bước thực hiện đề án cần được tổ chức thực hiện tuần tự, cẩn trọng.
Trước tiên, UBND các cấp đã thống nhất với Thường trực cấp ủy, HĐND, UBMTTQ
cùng cấp thành lập Ban chỉ đạo ở cấp mình.
UBND cấp xã sẽ có trách nhiệm thực hiện việc rà
soát để xác định các xóm, tổ dân phố thỏa mãn điều kiện sáp nhập, báo cáo UBND
cấp huyện. UBND cấp huyện tổng hợp, báo cáo BTV cấp ủy cùng cấp và báo cáo UBND
tỉnh. Sau khi UBND tỉnh xem xét sẽ cho chủ trương, chỉ đạo cơ sở triển khai.
UBND cấp xã sẽ trực tiếp xây dựng và thực hiện
đề án sáp nhập. Lưu ý trong quá trình sáp nhập, các cấp phải quan tâm tuyên
truyền, phổ biến, làm rõ mục tiêu, yêu cầu, lợi ích của việc sáp nhập, nhất là
phương án của đề án sáp nhập, từ đó vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội
viên và nhân dân ủng hộ chủ trương thực hiện. Một nội dung quan trọng cần
nghiêm túc thực hiện trong quá trình triển khai đề án đó là tổ chức hội nghị
lấy ý kiến cử tri.
Trước mắt, khi thực hiện thí điểm, UBND các
huyện, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã rà soát toàn bộ xóm, tổ dân phố của địa
phương. Mỗi huyện, thành phố chọn 2 đơn vị hành chính cấp xã để triển khai thực
hiện làm điểm bắt đầu từ quý III/2017. Dự kiến, sau khi hoàn thành đề án sẽ
giảm khoảng 209 xóm, tổ dân phố và kinh phí chi trả phụ cấp giảm 15 tỷ đồng/năm.
PV: Thưa đồng chí, việc sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ
dân phố sẽ ảnh hưởng lớn đến tổ chức, hoạt động và tâm lý cán bộ ở cơ sở. Vậy
tỉnh có những chỉ đạo gì để triển khai đề án đảm bảo mục tiêu đề ra?
Đồng chí Bùi Văn Cửu: Hệ thống chính trị từ tỉnh
đến cơ sở phải có quyết tâm cao, nhất quán trong nhận thức từ cán bộ, đảng viên
về mục đích, sự cần thiết, tầm quan trọng của việc sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ
dân phố. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân
dân cùng tham gia, tạo sự đồng thuận cao để nghiêm túc thực hiện chủ trương,
thống nhất phương án sáp nhập xóm, tổ dân phố.
Việc rà soát, xây dựng phương án tổ chức thực
hiện, sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố phải đảm bảo theo trình tự, quy định
và nội dung chỉ đạo thực hiện của UBND tỉnh. Việc sáp nhập, kiện toàn phải đảm
bảo hợp lý khách quan, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, tránh việc áp
đặt trái với quy định.
Quá trình triển khai thực hiện phải đảm bảo ổn
định an ninh chính trị, TTATXH; không làm gián đoạn và ảnh hưởng nhiệm vụ chính
trị, quản lý Nhà nước. Cấp ủy chính quyền, các hội, đoàn thể phải có trách
nhiệm tuyên truyền, vận động để hạn chế việc sáp nhập, kiện toàn gây tâm lý
hoang mang, làm xáo trộn đời sống sinh hoạt của nhân dân; đảm bảo các quyền và
lợi ích hợp pháp của nhân dân và cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Dương Liễu (thực hiện)