(HBĐT) - Năm 2016, toàn tỉnh chỉ kết nạp được 1 HS-SV vào Đảng. Trước thực tế đó, ngành giáo dục đã triển khai nhiều giải pháp và trong 8 tháng năm 2017 đã kết nạp được 8 HS-SV vào Đảng (trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ: 5, PT DTNT THPT tỉnh: 2, trường CĐ Sư phạm: 2). Ngoài ra hiện đang có 7 hồ sơ quần chúng ưu tú của trường CĐ Sư phạm đang chờ BTV Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh xét, ra quyết định kết nạp Đảng. Như vậy, công tác phát triển Đảng trong HS-SV bắt đầu có những chuyển biến.


Thầy giáo Bùi Văn Sung, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường PTDTNT THPT tỉnh trao quyết định kết nạp Đảng cho em Bùi Thị Hồng Nhung, lớp 12C.

Trong những năm gần đây, công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên nói chung, đảng viên trẻ nói riêng luôn được ngành giáo dục đặc biệt quan tâm, chú trọng nhằm bổ sung lực lượng, tăng sức chiến đấu và đảm bảo tính kế thừa trong Đảng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các Đảng bộ, chi bộ Đảng nhà trường xây dựng chương trình, kế hoạch của đơn vị theo tinh thần Nghị quyết T.ư 2 (khóa VIII). Trong đó, chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng và đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đinh Thị Hường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: "Các tổ chức Đảng trong toàn ngành triển khai đầy đủ Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 30/5/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chính trị tư tưởng, củng cố tổ chức Đảng, đoàn thể quần chúng và công tác phát triển đảng viên trong các trường học tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành. Đồng thời quan tâm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng trong trường học về lý tưởng cách mạng, các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ và mục tiêu cơ bản của công tác giáo dục, đào tạo. Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các đơn vị, trường học luôn tạo điều kiện cho HS-SV tham gia các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng, bồi dưỡng lý luận cho đảng viên mới. Đổi mới nội dung, chương trình dạy môn giáo dục công dân để qua đó tuyên truyền lý tưởng cách mạng cho học sinh. Phát huy vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên trong công tác giáo dục tư tưởng chính trị, gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của HS-SV để có đề xuất với chi bộ giải quyết phù hợp.”

Công tác tạo nguồn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển Đảng. Do đó, bên cạnh việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi, ngành GD&ĐT còn tích cực tổ chức, triển khai nhiều hoạt động ngoại khóa, văn - thể - mỹ, tạo cơ hội cho học sinh phát triển năng lực toàn diện cũng như thể hiện năng lực bản thân. Từ lực lượng HS-SV tiêu biểu, các nhà trường đã phối hợp với Thành đoàn, Huyện đoàn tổ chức các lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng cho HS-SV ưu tú. Theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT, từ năm 2011 - 8/2017, ngành GD&ĐT đã chọn cử gần 400 HS-SV ưu tú tham gia các lớp tìm hiểu kiến thức về Đảng. Đã bồi dưỡng, phát triển và kết nạp được 77 HS-SV ưu tú vào Đảng.

Tỷ lệ đảng viên trong toàn ngành tiếp tục được phát triển năm sau cao hơn năm trước; năm 2011, tỷ lệ đảng viên trong toàn ngành chiếm 38,7%, đến hết năm 2016 đạt tỷ lệ 53,2%.

Một số nhà trường đã quan tâm thực hiện tốt công tác phát triển Đảng trong học sinh sinh viên như trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình, trường PT DTNT THPT tỉnh, trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, THPT Cộng Hòa (Lạc Sơn), THPT Phú Cường (Kỳ Sơn)...

Năm học 2016 - 2017, Đảng bộ trường PT DTNT THPT tỉnh đã kết nạp được 5 quần chúng ưu tú vào Đảng, trong đó có 2 học sinh có thành tích học tập và rèn luyện đặc biệt xuất sắc, nâng tổng số đảng viên nhà trường lên 57 đảng viên, chiếm 65% tổng số CB, CC, VC của nhà trường.

Trao đổi về kinh nghiệm công tác phát triển Đảng trong học sinh, đồng chí Bùi Văn Sung, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Hiện nay, 100% chi bộ Đảng nhà trường xây dựng quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên. Các chi bộ luôn quan tâm đến công tác phát triển đảng viên. Hàng năm xây dựng kế hoạch thực hiện, đề ra chỉ tiêu phấn đấu, phân công đảng viên giúp đỡ quần chúng ưu tú. Đồng thời chỉ đạo Đoàn thanh niên lựa chọn, bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp. Những năm gần đây, công tác phát triển đảng trong học sinh nhà trường đã có nhiều chuyển biến tích cực”.

Kinh nghiệm được Đảng ủy nhà trường thực hiện để phát triển Đảng trong học sinh là mỗi năm chọn cử khoảng 5 học sinh ưu tú đi học lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng. Các em học sinh được lựa chọn đi học lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng phải đảm bảo 3 tiêu chí: thành tích học tập, nề nếp ý thức và kết quả tham gia các hoạt động phong trào.

Sau đó, các chi bộ, tổ chuyên môn phân công đảng viên là giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy giỏi, giáo viên có tín nhiệm cao... trực tiếp kèm cặp, bồi dưỡng, rèn luyện các em. Đồng thời, tạo cơ hội để các em tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, tập thể. Đặc biệt, với các em đủ điều kiện đã được bình xét đề nghị kết nạp Đảng thì chi bộ, đảng viên giúp đỡ phải sát sao hướng dẫn, hỗ trợ các em trong việc hoàn thiện hồ sơ, xác minh sơ yếu lý lịch, hoàn thiện các thủ tục để xin vào Đảng. Lễ kết nạp học sinh ưu tú vào Đảng cũng đã được nhà trường tổ chức trang trọng, có tính giáo dục, khích lệ học sinh. Qua việc chọn cử học sinh đi bồi dưỡng hoặc được kết nạp Đảng đã thiết thực tạo nên động lực cho phong trào thi đua học tập, rèn luyện, phấn đấu trong học sinh sinh viên.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển Đảng trong HS-SV cũng gặp không ít khó khăn, thách thức.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Đinh Thị Hường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT trăn trở: Nhiều tổ chức Đoàn thanh niên chưa thật sự quan tâm, đầu tư cho công tác phát triển đảng viên trong HS-SV; còn thiếu chủ động, sáng tạo trong công tác vận động, phát hiện, bồi dưỡng, thử thách quần chúng. Các quần chúng là học sinh có thành tích học tập xuất sắc, nhiệt tình tham gia các hoạt động của lớp, nhà trường lại chưa đủ tuổi (tính đến khi hoàn thiện hồ sơ kết nạp Đảng phải đủ 18 tuổi). Trong khi đó, số học sinh nhiệt tình tham gia các hoạt động, ý thức tổ chức kỷ luật tốt, đủ tuổi kết nạp nhưng thành tích học tập lại chưa thật sự nổi bật ... dẫn đến số đảng viên là HS-SV trong các nhà trường còn chiếm tỷ lệ thấp. Ngoài ra, các lớp bồi dưỡng chính trị của địa phương và Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố thường tổ chức vào ngày làm việc trong tuần nên việc bố trí thời gian HS-SV được tham gia đầy đủ là rất khó vì các trường vẫn đảm bảo duy trì hoạt động dạy và học.

Bên cạnh đó, liên quan đến công tác Đảng cho thấy các uỷ viên chi uỷ đều là giáo viên kiêm nhiệm, khối lượng công tác chuyên môn nhiều, thời gian dành cho công tác Đảng còn hạn chế. Chi bộ một số nhà trường chưa mạnh dạn trong việc bồi dưỡng, kết nạp HS-SV vào Đảng.

Trong thời gian tới, với mục tiêu quan tâm phát triển Đảng trong HS-SV, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các tổ chức Đảng ở mỗi trường học thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 104/ KH-UBND ngày 21/10/2015 của UBND tỉnh về "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”. Tích cực thực hiện nhiều giải pháp để tạo nguồn, xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên cả về số lượng và chất lượng. Các nhà trường tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các lớp bồi dưỡng chính trị cho học viên có mong muốn tham gia. Củng cố và phát huy vai trò của Đoàn thanh niên trong việc lựa chọn, tìm kiếm những quần chúng ưu tú. Qua đó nhằm tìm kiếm những quần chúng ưu tú gương mẫu, nhiệt huyết để kết nạp vào Đảng là tấm gương sáng, cánh chim đầu đàn cho HS-SV.


                                                                                 Đức Anh

 


Các tin khác

Không có hình ảnh

Xã Phúc Tuy đẩy mạnh học tập và làm theo gương Bác Hồ

(HBĐT) - Việc học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ đi vào thực chất không những đem lại hiệu quả tích cực trong cải cách thủ tục hành chính mà còn mở ra nhiều hướng đi tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở xã vùng sâu Phúc Tuy của huyện Lạc Sơn.

Đảng bộ huyện Lạc Sơn: Ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

(HBĐT) - Nhận thức rõ tầm quan trọng của Nghị quyết T.ư 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới, Đảng bộ huyện Lạc Sơn tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc.

Xứng đáng là mái trường nơi Bác Hồ về thăm

(HBĐT) - Một ngày đầu tháng 8, căn nhà nhỏ của thầy giáo Phạm Ngọc Thể, nguyên giáo viên trường Thanh niên lao động XHCN (nay là trường PT DTNT THPT tỉnh) trở nên ấm cúng hơn khi đón học sinh đến thăm, để được nghe ông kể về kỷ niệm những lần gặp Bác.

Trên 100 đại biểu được tập huấn về công tác bảo vệ môi trường

(HBĐT) - Ngày 11/8, Sở TN&MT tổ chức hội nghị tập huấn triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2017. Tham dự có trên 100 đại biểu là đại diện các sở, ban, ngành liên quan, phòng TN&MT các huyện, thành phố cùng lãnh đạo và cán bộ phụ trách môi trường của các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tháo gỡ khó khăn thực hiện chính sách dân tộc

(HBĐT) - Nhiều năm nay, tỉnh ta đạt được kết quả đáng ghi nhận từ việc thực hiện chính sách dân tộc. Thông qua đó, kết cấu hạ tầng KT-XH vùng đồng bào dân tộc tiếp tục được cải thiện, năng lực của cán bộ dân tộc, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị cơ sở được nâng cao. Trên địa bàn tỉnh không còn hộ đói. Tỷ lệ hộ nghèo các xã vùng 135 giảm từ 4-5%. Tỉnh ta được đánh giá là địa phương thực hiện có hiệu quả chính sách di dân tái định cư.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục