Xã Vũ Lâm (Lạc Sơn) phát triển diện tích trồng ớt xuất khẩu lên 10 ha cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng/ha. ảnh: Mô hình trồng ớt xuất khẩu ở xóm Cời.ảnh: P.V
Vũ Lâm là xã về đích NTM năm 2015 của huyện Lạc Sơn. Tuy nhiên, những năm trước đây, kinh tế xã Vũ Lâm có nhiều khó khăn. Đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng xã chưa định hướng được những cây trồng, vật nuôi chủ lực trong phát triển kinh tế. Chính vì vậy, từ năm 2010 trở về trước, thu nhập bình quân của người dân trong xã chỉ đạt 8 triệu đồng/năm trở xuống, tỷ lệ hộ nghèo cao.
Xã Vũ Lâm bắt đầu có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ năm 2011 khi xã chính thức được lựa chọn làm điểm xây dựng NTM. Đặc biệt để Nghị quyết số 26 đi vào cuộc sống, xã đã tổ chức triển khai tuyên truyền nội dung nghị quyết đến đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Khi nghị quyết đi vào cuộc sống, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát triển rộng khắp với những cây trồng có giá trị kinh tế cao như mía tím 58 ha, bí xanh 22 ha, củ đậu 13 ha, ớt xuất khẩu... Nhiều đảng viên tiên phong, gương mẫu chuyển đổi luân canh 3 vụ/năm đem lại thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên như hộ các ông: Bùi Văn Dụng (xóm Đạn), Quách Văn Hùng (xóm Cài), Quách Văn Diên (xóm Quyết Tiến), Trần Văn Cử (xóm Lâm Hóa 1)...
Là một trong những xã đi đầu xây dựng NTM, giai đoạn 2011 - 2015, nhân dân xã Vũ Lâm đã huy động tiền, ngày công được gần 67 tỷ đồng xây dựng NTM. Tiêu biểu như xóm Đạn huy động nhân dân giải tỏa 470 m2 đất, đóng góp 1.410 ngày công và gần 160 triệu đồng để đơn vị thi công tuyến mương bê tông. Xóm Quyết Tiến vận động nhân dân đóng góp bê tông được 690 m đường nội đồng, 220 m mương, 3.130 ngày công lao động, hiến 2.700 m2 đất và góp 43 triệu đồng... Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã Vũ Lâm đạt 30 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,8%.
Từ khi Nghị quyết về tam nông đi vào cuộc sống, đời sống vật chất, tinh thần của người dân huyện Lạc Sơn đã có nhiều thay đổi. Cụ thể hoá Nghị quyết, UBND tỉnh đã ban hành các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa như các Quyết định số 10, 11, 12, 30, 33. Công tác xóa đói, giảm nghèo được triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận các nguồn vốn phát triển sản xuất, làm nhà ở; chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Đến nay, trên 90% người dân nông thôn đã được sử dụng nước sạch, trên 70% hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 26 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 30%. Người nông dân được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; các hoạt động y tế dự phòng, chương trình tiêm chủng cho trẻ em, hỗ trợ BHYT, khám - chữa bệnh miễn phí cho người nghèo và trẻ em dưới 5 tuổi... Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi giảm. Tỷ lệ người tham gia BHYT đạt trên 92%. Các phong trào thi đua xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa ở khu dân cư, phong trào xây dựng làng, xã văn hóa, phong trào văn nghệ, TD-TT được đông đảo người dân tham gia.
Trong quá trình thực hiện Nghị quyết, vai trò, vị thế của người nông dân càng được khẳng định; quyền làm chủ về kinh tế, chính trị, văn hóa... được phát huy. Đặc biệt, trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nông dân được trực tiếp tham gia góp ý quy hoạch, đề án xây dựng NTM; được bàn bạc lựa chọn nội dung, công việc cần ưu tiên, quyết định hình thức tổ chức thực hiện và mức độ đóng góp; tham gia kiểm tra, giám sát quá trình triển khai. Việc phân bổ kinh phí chương trình xây dựng NTM đã được quy định rõ. Những nội dung, công việc thực hiện chung ở xã đều có sự tham gia của đại diện người dân. Đến hết năm 2016, huyện Lạc Sơn có 5 xã về đích NTM. Năm 2017, huyện phấn đấu thêm 2 xã về đích NTM.
Đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn cho biết: Cốt lõi của thực hiện Nghị quyết tam nông là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Do đó, trong thời gian tới, huyện tập trung triển khai thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 với các nội dung chủ yếu: Phát triển nhanh các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; đưa cơ giới hóa vào sản xuất; áp dụng quy trình thực hành sản xuất đồng bộ; đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại trong bảo quản, chế biến sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa và không ngừng nâng cao giá trị gia tăng phát triển bền vững. Phát triển mạnh sản xuất sản phẩm hàng hóa chủ lực, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, tăng mạnh các hình thức hợp tác liên doanh, liên kết; đa dạng hóa trong phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững, tăng mạnh sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nhân rộng mô hình liên kết 4 nhà. Đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là về giống, công nghệ sinh học; quan tâm đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, tạo đột phá để CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Huy động xã hội hóa các nguồn lực, thúc đẩy hợp tác công tư trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng sản phẩm.
Đinh Thắng