Dự án giảm nghèo hỗ trợ người dân xã Đa Phúc (Yên Thủy) phát triển sản xuất nông nghiệp.
Dự án giảm nghèo giai đoạn 2 của tỉnh được điều chỉnh, bổ sung có tổng mức đầu tư trên 499,4 tỷ đồng, trong đó, vốn Ngân hàng Thế giới (WB) 455,9 tỷ đồng, vốn đối ứng 43,5 tỷ đồng, được triển khai trên địa bàn 374 thôn, bản thuộc 42 xã của các huyện: Tân Lạc, Mai Châu, Yên Thủy, Lạc Sơn và Đà Bắc. Dự án chia làm 4 hợp phần gồm phát triển kinh tế huyện; phát triển ngân sách xã; tăng cường năng lực truyền thông và quản lý giám sát và đánh giá.
Theo đánh giá của BQL dự án giảm nghèo tỉnh, đến nay, các hợp phần, tiểu hợp phần triển khai cơ bản đạt tiến độ đề ra. Riêng hợp phần kinh tế huyện đã thực hiện 49 gói thầu với tổng giá trị vốn WB 67,5 tỷ đồng được triển khai bảo đảm yêu cầu và phát huy hiệu quả cải thiện hạ tầng tại các địa phương. Cụ thể đã thực hiện 22 công trình giao thông với tổng chiều dài 18,7 km và khoảng 2.039 hộ dân hưởng lợi; 18 công trình thủy lợi góp phần ổn định nước tưới cho khoảng 2.203 ha đất canh tác 2 vụ và 3 công trình nước sinh hoạt được đầu tư cung cấp nước hợp vệ sinh cho 370 hộ hưởng lợi. Các công trình được đầu tư đã đáp ứng nhu cầu tưới tiêu giúp người dân có điều kiện tăng vụ, tăng năng suất cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất. Các công trình nước sinh hoạt từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, góp phần cải thiện và nâng cao sức khỏe người dân.
Các tiểu dự án sinh kế được thực hiện theo nhóm đồng sở thích (CIG) thuộc hợp phần Dự án giảm nghèo đã tác động tích cực đến người dân vùng hưởng lợi. Dự án đã triển khai các hoạt động liên kết đối tác sản xuất, hỗ trợ người dân cải thiện về nhận thức, nâng cao năng lực sản xuất, tổ chức hoạt động theo nhóm, chủ động trong sản xuất, tiếp cận thị trường theo quy trình kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện cho người dân có việc làm ổn định, tăng thêm thu nhập và giảm nghèo bền vững. Từ nguồn vốn ban đầu đã giúp người dân có nguồn lực tài chính để thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các hộ dân tham gia vào các nhóm CIG không chỉ được tạo việc làm, tiêu thụ sản phẩm trong gia đình mà còn đem bán sản phẩm làm ra. Sau khi bán, một phần tiền được sử dụng để tái đầu tư vào chu kỳ sản xuất tiếp theo làm tăng tính bền vững của các nhóm CIG ngay cả khi dự án kết thúc. Bên cạnh đó, người dân còn được trang bị những kiến thức, kỹ năng quản lý, tổ chức sản xuất hiệu quả hơn, chủ động lựa chọn các mô hình sinh kế, qua đó nâng cao vị trí của phụ nữ trong các nhóm hộ trong vùng dự án.
Bên cạnh đó, tiểu hợp phần đa dạng hóa các cơ hội liên kết thị trường và hỗ trợ sáng kiến kinh doanh cũng mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân vùng hưởng lợi. Từ khi triển khai đến nay, Dự án giảm nghèo tỉnh đã thực hiện được 11 hoạt động liên kết với nguồn vốn WB đầu tư gần 37 tỷ đồng, 3.291 hộ hưởng lợi từ tiểu hợp phần, chia thành 174 nhóm CIG. Trong đó, huyện Yên Thủy có 2 hoạt động là trồng và tiêu thụ cà gai leo, nuôi dê Bách Thảo. Huyện Đà Bắc 2 hoạt động là liên kết trồng chanh leo và nuôi cá lồng. Huyện Lạc Sơn 2 hoạt động liên kết trồng mía đường năm 2016 và 2017. Huyện Mai Châu liên kết trồng gấc. Huyện Tân Lạc trồng gấc, cà gai leo, giảo cổ lam và nuôi cá lồng. Các hoạt động liên kết đối tác sản xuất, tạo thành chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thu nhập bền vững cho các hộ dân. Người dân không chỉ được hỗ trợ về nguồn lực sản xuất mà được cải thiện về nhận thức, nâng cao năng lực sản xuất. Qua đó, người dân đã biết tổ chức hoạt động theo nhóm để chủ động trong sản xuất và tiếp cận thị trường, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.