Đoàn viên Bùi Văn Bằng, xóm Đảng 1, xã Chí Thiện (Lạc Sơn) khởi nghiệp với mô hình trồng 300 gốc ổi lê Đoài Loan. Năm 2017, vườn ổi đã cho thu bói 6 tạ quả, giá bán 20.000 đồng/kg.
Những mô hình khởi nghiệp trong thanh niên nông thôn
Mong muốn khởi nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương, đoàn viên Bùi Văn Nông ở xóm Thóng, xã Bình Cảng đã bắt tay với mô hình nuôi cá. Anh nhận thầu ao rộng 1,4 ha ngay trước nhà và nuôi các loại cá trắm, trôi, chép… Cần cù, chịu khó, mỗi năm, anh thu lãi khoảng 60 - 70 triệu đồng. Ngoài ra, từ năm 2015, anh nuôi thêm gà ri, lứa nhiều nhất 3.000 con. Từng nếm thất bại khi gà mắc bệnh cúm và chết hàng loạt nhưng anh không nản chí. Hiện nay, lứa gà thịt 500 con anh đang bán ra thị trường với giá đồng loạt 80.000 đồng/kg. Đồng thời, anh tiếp tục nuôi gối đàn 500 gà con. Anh dự định sẽ thành lập HTX, nuôi gà đẻ trứng và xây lò ấp trứng.
Với tinh thần ham học hỏi, đoàn viên Quách Văn Giáp, sinh năm 1988 ở xóm Nang, xã Văn Nghĩa đã mạnh dạn thử sức với mô hình trồng cây măng tây. Giáp dày công cải tạo 3.000 m2 đất để phù hợp với loại cây đòi hỏi kỹ thuật cao, chăm sóc cầu kỳ. Từ nguồn tích cóp và vay thêm ngân hàng, anh đầu tư mua giống với giá 60 triệu đồng; chi phí sau 7 tháng đến lúc thu hoạch trên 200 triệu đồng. Song, bù lại măng tây không lo đầu ra, giá bán cao. Mỗi ngày thu hái được 30 kg với giá 70.000 đồng/kg, gia đình anh thu về trên 2 triệu đồng. Mưa lũ vào tháng 9 - 10/2017 đã làm măng tây bị ngập úng và thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. Tuy nhiên, khó khăn đó không làm nản lòng chàng trai Mường cố gắng gây dựng lại. Anh đang tập trung làm hệ thống thoát nước và tìm hiểu hướng trồng cây trong nhà lưới.
ở xã vùng cao Ngọc Lâu, Bí thư Đoàn xã Bùi Văn Sơn cũng là người "truyền lửa” khởi nghiệp cho nhiều ĐV-TN. Anh nuôi mỗi lứa trên 600 con gà bản địa và trồng trên 300 gốc bưởi, 2 ha luồng, 0,5 ha mía. Anh vừa thành lập CLB phát triển kinh tế thanh niên vùng cao với 11 thành viên, hướng đi chính là nuôi gà ri. Hiện nay, các thành viên nuôi từ 300 - 2.000 con gà/lứa. Nhóm đang hướng đến mở rộng quy mô, thành lập HTX và gây dựng thương hiệu.
Theo Huyện đoàn Lạc Sơn, toàn huyện có 143 mô hình ĐV-TN phát triển kinh tế cho thu nhập 100 - 500 triệu đồng/năm trở lên. Thống kê mới nhất năm 2017 có 29 tổ hợp tác, HTX thanh niên, CLB thanh niên làm kinh tế. Trong đó có 1 HTX chăn nuôi của Bùi Văn Huế (xã Chí Thiện); 2 tổ hợp tác măng tây của Quách Văn Giáp (xã Văn Nghĩa) và Quách Khang (xã Tân Lập); 1 chi hội phát triển du lịch cộng đồng của Bùi Văn Học (xã Tự Do); còn lại là các CLB phát triển kinh tế và nhóm cùng sở thích. Các mô hình khởi nghiệp chủ yếu dựa trên phát triển nông nghiệp.
Từ năm 2016, cụm từ "khởi nghiệp” được nhắc đến và quan tâm nhiều hơn trong lực lượng ĐV-TN của huyện Lạc Sơn. Huyện đoàn đã lồng ghép tuyên truyền, phổ biến trong các cuộc họp, hội nghị. Trong tháng 10/2017, Huyện đoàn phối hợp với phòng Nội vụ tổ chức chương trình đối thoại giữa thanh niên với lãnh đạo huyện, trong đó có nội dung về khởi nghiệp. Cũng trong tháng 10, Huyện đoàn tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng hội nhập quốc tế cho cán bộ đoàn cơ sở. Chỉ đạo các cơ sở đoàn cập nhật kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, thông tin thị trường hàng hoá nông sản… để khơi gợi ý chí làm giàu.
Thanh niên nông thôn khởi nghiệp không dễ
Mặc dù các điển hình ĐV-TN phát triển kinh tế xuất hiện ngày càng nhiều nhưng thanh niên nông thôn trong huyện khi khởi nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Đồng chí Bùi Thị Thủy, Bí thư Huyện đoàn cho biết: Thanh niên đang thiếu vốn, kinh nghiệm và lo đầu ra cho sản phẩm. Vấn đề giá lợn hơi xuống thấp, giá nông sản bấp bênh, được mùa mất giá… tác động đến quá trình khởi nghiệp của ĐV-TN. Điều đó đòi hỏi cần phải nghiên cứu nhu cầu thị trường, liên kết tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp doanh nghiệp mất niềm tin vì người dân bán nông sản ra thị trường khi giá cao hơn và không đủ sản lượng cho họ. Một bộ phận thanh niên chưa mạnh dạn làm kinh tế, một số chưa chịu khó lập nghiệp, còn theo trào lưu bay nhảy của tuổi mới lớn.
Thống kê chưa đầy đủ, toàn huyện có trên 1.000 ĐV-TN đi làm ăn xa, con số thực có thể nhiều hơn. Đồng chí Bùi Văn Sơn, Bí thư Đoàn xã Ngọc Lâu cho biết: Có thời điểm, xã gần như "trắng” ĐV-TN vì họ đi làm xa, nhất là từ tháng 3 - 6. Vụ mùa thu hoạch, một số ĐV-TN cũng chỉ về giúp gia đình 1 - 2 tuần rồi lại đi làm tiếp. Nữ thường đi làm công nhân may, nam đi theo các công trình xây dựng. ĐV-TN giới thiệu cho nhau và rủ nhau đi, thường đến các KCN ở tỉnh Bắc Ninh, có người đi vào cả miền Nam. Điều này khó khăn trong việc sinh hoạt Đoàn và chuyển tải thông tin đến ĐV-TN. Để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp chính tại quê hương, Đoàn xã tích cực phối hợp với UBND xã triển khai chủ trương cải tạo vườn tạp, phát triển nuôi gà bản địa. Khó khăn là việc tiếp cận vốn vì các bạn trẻ không có tài sản có giá trị để thế chấp ngân hàng và lo đầu ra cho sản phẩm. Chúng tôi mong muốn tiếp cận vốn, thị trường, liên kết với doanh nghiệp, nhà đầu tư để sản xuất.
Tìm hiểu tâm tư, suy nghĩ nhiều ĐV-TN đã và đang có ý định khởi nghiệp trong huyện, chúng tôi thấy rằng, vốn, kỹ thuật, đầu ra là ba vấn đề đáng quan tâm nhất. Huyện đoàn hiện đang quản lý 114 tổ tiết kiệm và vay vốn ủy thác Ngân hàng CSXH, dư nợ trên 79 tỉ đồng. Trong đó, gồm vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm; sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn; hộ nghèo, hộ cận nghèo. Mới có 44 hộ nghèo, cận nghèo của ĐV-TN được vay. Vốn 120 của T.ư Đoàn cả huyện chỉ có 2 ĐV-TN tiếp cận được, mỗi người 50 triệu đồng.
Bùi Văn Huế, thanh niên gây dựng mô hình nuôi gà ri và ấp tạo giống ở xã Chí Thiện chia sẻ: Mỗi tháng, HTX của tôi giao dịch khoảng 500 - 600 triệu đồng nhưng nguồn vốn vay ưu đãi của T.ư Đoàn chỉ được 50 triệu đồng. Trong khi đó, đất đai xã ở vùng đặc biệt khó khăn như Chí Thiện thế chấp vay vốn ngân hàng không được nhiều. Vì vậy, tôi mong muốn được hỗ trợ nâng mức vốn vay và tập huấn thêm kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi.
Với đoàn viên Bùi Văn Vì ở xóm Lục 3, xã Yên Nghiệp từng là gương phát triển kinh tế với mô hình chăn nuôi lợn quy mô khá lớn. Song, giá lợn hơi xuống thấp trong thời gian qua, có thời điểm xuống chỉ còn 18.000 đồng/kg bị lỗ hoàn toàn. Một số thành viên trong CLB phát triển kinh tế do anh làm chủ nhiệm hiện phải bỏ trống chuồng và đi làm thuê ở khắp trong, ngoài tỉnh.
Cũng với mong muốn khởi nghiệp ngay tại quê nhà, thanh niên Bùi Văn Phú ở xóm Lâu, xã Tân Lập tâm sự: Tôi chọn nuôi gà bản địa, mỗi lứa 400 con, sau 5 tháng được khoảng 1,4 - 1,6 kg/con, lãi khoảng 30.000 đồng/con. Nuôi theo hình thức thả đồi, gà ngon, tôi có thể tăng đàn nhưng lại thiếu vốn và lo đầu ra. Hiện, tôi bán cho thương lái đến gom và tự bán lẻ khi có khách yêu cầu. Vốn, kỹ thuật và đầu ra ổn định là những cái khó đối với thanh niên nông thôn như tôi.
Định hướng giải pháp tháo gỡ
Để hỗ trợ và góp phần tháo gỡ khó khăn cho ĐV-TN khởi nghiệp, theo Bí thư Huyện đoàn Bùi Thị Thủy: Huyện đoàn sẽ phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao KH-KT. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn, chất lượng đội ngũ BCH, nhất là đồng chí bí thư, phó bí thư để thủ lĩnh đoàn đồng thời là tấm gương, là người "truyền lửa”. Tổ chức các đợt thăm quan, học hỏi kinh nghiệm các mô hình hiệu quả. Nâng cao nhận thức, hiểu biết về khởi nghiệp cho ĐV-TN; động viên, khuyến khích ĐV-TN học tập. Phối hợp với doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu. Tiếp tục thành lập các CLB, hội theo ngành nghề, sở thích để đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình; quan tâm thành lập các tổ hợp tác, HTX trong thanh niên. Hiện nay, vốn Ngân hàng NN&PTNT không thiếu nhưng ĐV-TN không đủ điều kiện vay. Vì vậy, Huyện đoàn muốn bảo lãnh cho ĐV-TN có ý chí, nghị lực, kế hoạch phát triển kinh tế khả thi vay. Đề nghị bổ sung nguồn vốn một số chương trình như: vay hộ nghèo, hộ cận nghèo; sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn; giải quyết việc làm và nguồn vay ưu tiên cho thanh niên phát triển kinh tế.
Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn Bùi Văn Hành cho biết: Huyện quan tâm và tạo điều kiện cho thanh niên khởi nghiệp. Tuy nhiên, làm kinh tế, khởi nghiệp đối với thanh niên nông thôn không dễ. Thiếu kỹ thuật có thể tập huấn; thiếu vốn có thể có cơ chế chính sách để cho vay, ví như thành lập các HTX, tổ hợp tác để có tư cách pháp nhân. Vấn đề gây dựng thương hiệu và đầu ra cho sản phẩm là đáng quan tâm nhất hiện nay. Khởi nghiệp đòi hỏi ý chí, nghị lực, ham học hỏi, nhiều người phải nếm thất bại mới đi đến thành công. Huyện đang tích cực thực hiện các bước để xây dựng thương hiệu cho nông sản để có đầu ra ổn định hơn, cụ thể như hạt dổi, gà bản địa.
Cẩm Lệ
(HBĐT) - Cùng các đồng chí trong Thường trực Đảng ủy xã Nhuận Trạch (Lương Sơn), chúng tôi đến thăm mô hình nuôi bò sữa của gia đình anh Nguyễn Văn Thắng, thôn Trại Sáu.