(HBĐT) - Ngày 25/7, Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV bước vào ngày làm việc thứ sáu tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Đại biểu Nguyễn Cao Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình thảo luận tại phiên họp sáng 25/7.
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội dành cả ngày thảo luận ở Hội trường xem xét, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, trong đó có nội dung về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.
Tại phiên thảo luận đã có 39 đại biểu phát biểu và 04 đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến đại biểu nhất trí với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Quốc hội.
Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Cao Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình bày tỏ sự nhất trí cao với báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, NSNN 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH, NSNN 6 tháng cuối năm và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ cũng thẳng thắng chỉ ra những tồn tại hạn chế, những kết quả chưa đạt được so với chỉ tiêu, Nghị quyết đề ra. Đặc biệt, trong những ngày gần đây, dịch bệnh đang tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, các biến chủng mới có khả năng cao sẽ xuất hiện và lây lan trên toàn cầu, số lượng người mắc, tử vong tăng nhanh, nguồn cung ứng vắc xin còn hạn chế, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, gây ra nhiều thách thức trong việc kiểm soát; ảnh hưởng lớn đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và tình hình phát triển KT-XH của đất nước. Do đó, kinh tế nước ta 6 tháng cuối năm 2021 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. thách thức; đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng của các cấp chính quyền; sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị.
Theo đại biểu, để thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép” là vừa quyết tâm phòng, chống dịch bệnh hiệu quả; vừa đẩy mạnh phát triển KT-XH, cần phải thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Một là, Chính phủ tiếp tục thực hiện linh hoạt, chủ động các biện pháp để kiểm soát tốt dịch Covid-19, trong đó tập trung nguồn lực hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhanh chóng tìm nguồn và triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19, cùng với đó là nghiên cứu để chủ động được nguồn vắc-xin trong dài hạn. Thực hiện chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số; phối hợp và hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thu nông sản trên môi trường số.
Hai là, đề nghị Chính phủ, Ngân hàng nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng Thương mại đẩy nhanh tiến độ,có chính sách miễn, giảm lãi, phí cho doanh nghiệp, đồng thời gia hạn trả nợ gốc vay và cơ cấu lại thời hạn trả nợ hỗ trợ doanh nghiệp do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng có các giải pháp đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp như miễn, giảm các loại thuế (đặc biệt thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng), phí, tiền thuê đất và gia hạn thời gian nộp thuế.
Ba là, để kiên định "Mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển KT trong 6 tháng cuối năm 2021, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các dự án giao thông, Đầu tư công có tính kết nối liên vùng, các dự án nước sạch, các công trình thuỷ lợi trọng điểm cấp bách phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp; xem xét có cơ chế đặc thù chỉ định thầu tiết kiệm, giảm giá tối thiểu 5% giá trị các gói tư vấn xây lắp để đẩy nhanh tiến độ dự án, tiết kiệm chi phí đầu tư công và phát triển KT-XH. Hiện nay, các tỉnh khi thực hiện giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án gặp nhiều khó khăn, đề nghị Chính phủ xem xét, có chỉ đạo để thực hiện tách gói giải phóng mặt bằng thành dự án riêng, tạo nguồn đất sạch, thu hút đầu tư.
Bốn là, qua giám sát và tổng hợp ý kiến cử tri, Nhân dân các tỉnh Tây Bắc, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên đề nghị: Hiện nay, trên tuyến Quốc lộ 6, Đoạn tránh đèo Thung Khe qua địa phận tỉnh Hòa Bình tình hình tai nạn giao thông rất nguy hiểm. Quốc lộ 6 tuyến đường huyết mạch nối liền các tỉnh Tây Bắc, việc đầu tư cấp bách đoạn tránh đèo Thung Khe sẽ giải quyết hầu hết các vấn đề liên quan đến hiện trạng khó khăn của nút thắt QL6, góp phần hạn chế tai nạn giao thông, đảm bảo tính mạng, tài sản; đồng thời là cơ sở kết nối giữa Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc, tạo điều kiện phát triển KTXH. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải rà soát, ưu tiên tổng hợp vào danh mục các dự án của Bộ quản lý để bố trí thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021- 2025 theo quy định.
Trong quá trình thảo luận, các Bộ trưởng: Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đã phát biểu giải trình, làm rõ thêm những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Từ 16 giờ 45, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022. Sau đó, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết này bằng hình thức điện tử, kết quả như sau: Có 478 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95.79% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 475 đại biểu tán thành (bằng 95.19% tổng số đại biểu Quốc hội), 2 đại biểu không tán thành (bằng 0.40% tổng số đại biểu Quốc hội), 01 đại biểu không biểu quyết (bằng 0.20% tổng số đại biểu Quốc hội).
P.V - Phan Thanh Nga
(Đoàn ĐBQH tỉnh -TH)