(HBĐT) - Hòa Bình là 1 trong 10 tỉnh trên phạm vi toàn quốc có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) cao, với 74,43% dân số, gồm các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông và một số dân tộc thiểu số khác. Vùng ĐBDTTS của tỉnh trải dài và bao phủ khắp các huyện, thành phố với 145/151 xã, phường, thị trấn. Xác định công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị, ngày 7/11/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trong tình hình mới (NQ 22).
Cuối năm 2021, niềm vui lớn đến với cán bộ, Nhân dân xã Bắc Phong (Cao Phong) khi được tỉnh xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Đây là kết quả ghi nhận sự bền bỉ vượt khó của cả hệ thống chính trị vì mục tiêu xây dựng quê hương đổi mới. Theo chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND xã Bùi Xuân Thiết, thành quả có được là nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, địa phương từ nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng NTM và lồng ghép vốn từ các chương trình, dự án, chính sách dân tộc triển khai trên địa bàn. Đến nay, Bắc Phong huy động tổng nguồn lực xây dựng NTM là 262.890 triệu đồng, qua đó đã đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu khá đồng bộ, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. Xã đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, mở mang ngành nghề, từ đó nâng cao đời sống người dân với thu nhập bình quân đạt gần 40 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từng năm.
Cũng như Bắc Phong, từ hưởng lợi qua các chương trình, dự án, chính sách dân tộc triển khai trên địa bàn đã giúp nhiều xã, nhất là những xã, xóm vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) trong tỉnh có sự chuyển mình rõ nét. Đồng chí Đinh Thị Thảo, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Những năm qua, thực hiện NQ 22, công tác phối hợp tuyên truyền, vận động ĐBDTTS thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành từ tỉnh đến địa phương, cơ sở quan tâm thực hiện. Tập trung vận động đồng bào khắc phục khó khăn, tích cực lao động sản xuất, thực hiện giảm nghèo, tham gia xây dựng NTM, giữ gìn bản sắc văn hóa, đấu tranh ngăn chặn hành vi lợi dụng các vấn đề dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo để kích động, chia rẽ khối đoàn kết các dân tộc, từ đó bảo đảm ANCT - TTATXH ở cơ sở.
Bên cạnh đó, thông qua các chương trình, dự án, chính sách của T.Ư và địa phương ban hành để đầu tư, hỗ trợ phát triển các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, QP-AN trên địa bàn tỉnh nói chung, ở vùng ĐBDTTS, vùng ĐBKK nói riêng đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thu hẹp khoảng cách chênh lệch phát triển giữa các địa phương.
Trong giai đoạn năm 2018 - 2021, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn bám sát nhiệm vụ công tác dân tộc, đặc biệt là tập trung các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển KT-XH trên địa bàn các xóm, xã ĐBKK. Theo đó, tổng nguồn vốn đầu tư trong giai đoạn là 3.965.626 triệu đồng, đã phân bổ vốn ưu tiên các công trình dở dang, dự án trọng yếu, phát huy hiệu quả đầu tư phục vụ đời sống đồng bào vùng dân tộc. Ngoài ra, từ nguồn vốn ODA, nhiều công trình giao thông, thủy lợi, bệnh viện, trường học, trạm y tế xã... được đầu tư, đưa vào sử dụng.
Sau gần 4 năm thực hiện NQ 22, các cấp, ngành đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS. Đến nay, số xã thuộc diện ĐBKK của tỉnh còn 39%/tổng số xã, phường, thị trấn, giảm 29 xã so với năm 2017. Thu nhập bình quân tại các xã ĐBKK tính đến hết năm 2020 đạt 25,2 triệu đồng/người (vượt 5,2 triệu đồng so với mục tiêu nghị quyết). Hàng năm, bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 3%; tỷ lệ hộ nghèo các xã ĐBKK còn 23,12%, đạt mục tiêu nghị quyết.
Kết quả đạt được rất quan trọng, song trên thực tế, thu nhập bình quân khu vực ĐBKK chưa bằng 1/2 so với mức bình quân chung của tỉnh. Tình trạng hộ nghèo, cận nghèo là người DTTS vẫn là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay, khi hộ nghèo người DTTS chiếm trên 90% trong tổng số hộ nghèo cả tỉnh. Do vậy, vừa qua, UBND tỉnh phê duyệt đề án thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, kỳ vọng sẽ tạo lực đẩy giúp vùng dân tộc phát triển bền vững, củng cố niềm tin của đồng bào với sự lãnh đạo của Đảng.
Bình Giang