Tại huyện Lạc Sơn, đoàn đã khảo sát thực tế tại mái đá làng Vành (xã Yên Phú), hang xóm Trại (xã Tân Lập). Đây là 2 trong số 10 di tích khảo cổ tiêu biểu của tỉnh về Văn hoá Hoà Bình đã được xếp hạng di tích quốc gia. Năm 2022, tỉnh Hòa Bình được Bộ VH-TT&DL cho phép khai quật khảo cổ tại hai điểm di tích khảo cổ quốc gia này và đã phát hiện được hàng nghìn hiện vật, đặc trưng vẫn là hiện vật đồ đá, đồ xương và đồ gốm. Trong đó nhiều nhất là hiện vật công cụ cuội ghè định hình, mảnh tước, cuội nguyên liệu và lõi hạch.
Sau khi khảo sát thực tế hiện trạng tại 2 di tích khảo cổ này, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu: Ngành VH-TT&DL khẩn trương thực hiện các bước lập hồ sơ khoa học trình xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt cho 2 di tích. Chính quyền địa phương cần quan tâm thực hiện tốt công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị của di tích. Huyện Lạc Sơn chủ động, tích cực tham mưu về công tác quy hoạch, đầu tư kinh phí xây dựng Bảo tàng văn hóa Hòa Bình, trưng bày hiện vật quý của các di tích khảo cổ trên địa bàn cũng như các giá trị văn hóa Hòa Bình. Việc trùng tu, tôn tạo di tích phải đúng quy định, giữ nguyên được giá trị; đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Nhân dân trên địa bàn. Huyện cũng cần quan tâm đầu tư hệ thống đường giao thông kết nối giữa các di tích với các đường giao thông trục chính, các điểm du lịch nghỉ dưỡng khác trên địa bàn.
Tại huyện Tân Lạc, đoàn khảo sát thực tế tại xóm Lũy Ải (xã Phong Phú). Năm 2008, xóm Ải được Bộ VH-TT&DL công nhận là làng truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người và là xóm đại diện dân tộc Mường xây dựng 20 làng truyền thống của cả nước với 69 nếp nhà sàn trong xóm được giữ gìn; miếu thờ Thành Hoàng xóm Luỹ Ải được công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh.
Khảo sát thực tế tại miếu thờ Thành Hoàng làng, nhà văn hóa xóm Lũy Ải và các hộ đang làm homestay của xóm Lũy Ải, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu: Ngành VH-TT&DL tham khảo ý kiến của các chuyên gia văn hóa, phối hợp với các sở, ngành liên quan lên phương án xây dựng không gian văn hóa Mường để giữ gìn, phát huy và tôn vinh văn hóa đất Mường. Đặc biệt lưu ý cần có phương án tạo sinh kế cho người dân để giữ lại 69 ngôi nhà sàn cổ của nhân dân. Ngành VH-TT&DL và huyện Tân Lạc quan tâm hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị, kiến thức để bà con phát triển du lịch. Địa phương cũng cần quan tâm tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, trồng những loại cây bản địa, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Quan điểm là phát triển du lịch nhưng phải giữ gìn vẹn nguyên làng Mường cổ, bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống, cảnh quan thiên nhiên đẹp, không khí trong lành để phát triển du lịch, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
Tại huyện Cao Phong, đoàn đã khảo sát việc triển khai thực hiện dự án xây dựng "Khu không gian bảo tồn Di sản văn hóa Mo Mường gắn với dịch vụ du lịch tại xã Hợp Phong”. Dự án xây dựng Khu không gian bảo tồn di sản văn hóa Mo Mường gắn với dịch vụ du lịch tại xã Hợp Phong được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương tại Nghị quyết số 455/NQ-HĐND, ngày 11/5/2021 với tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng. Công tác lập quy hoạch đã hoàn thành 100%, được UBND tỉnh phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 2642/QĐ-UBND, ngày 12/11/2021.
Khảo sát thực địa tại dự án, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu: Huyện Cao Phong khẩn trương thực hiện cắm mốc, giải phóng mặt bằng, có phương án bố trí tái định cư theo đúng quy định. Việc triển khai thực hiện Dự án phải đảm bảo chất lượng, tiến độ và đặc biệt là không được tác động làm phá vỡ cảnh quan thiên nhiên; đảm bảo giữ gìn an toàn tuyệt đối các giá trị văn hóa, tâm linh của khu vực. Trong quá trình xây dựng dự án cần tổ chức hội thảo, xin ý kiến các nhà nghiên cứu văn hóa để việc xây dựng dự án đảm bảo yêu cầu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tâm linh truyền thống.
D.L