Tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo hoàn thiện dự thảo Luật Giá (sửa đổi), qua đó đã loại bỏ các quy định gây vướng mắc, tạo sự minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Chiều 23/5, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi) trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Giá (sửa đổi).

Quy định rõ hơn nguyên tắc thị trường trong quản lý giá

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Tài chính, Ngân sách phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan khẩn trương nghiên cứu, nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ tất cả các ý kiến đóng góp tại Kỳ họp thứ 4, cũng như tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và tại các Đoàn Đại biểu Quốc hội.

So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã bỏ 3 Điều, bổ sung 6 Điều, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung 14 nội dung của các Luật liên quan, cùng với đó bổ sung Phụ lục số 01 quy định Danh mục các hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Từng Điều, khoản đã được hoàn chỉnh cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo hoàn thiện dự thảo Luật. Đến nay, dự thảo Luật đã loại bỏ các quy định gây vướng mắc, tạo sự minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế.



Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi). (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Dự thảo Luật cũng đã chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng quy định rõ hơn nguyên tắc thị trường trong quản lý giá, nguyên tắc định giá của Nhà nước; làm rõ quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc tự định giá hàng hóa, dịch vụ của mình; quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý giá; quy định đúng bản chất hoạt động thẩm định giá; trách nhiệm pháp lý của các bên trong thực hiện; giá trị pháp lý của các kết luận, chứng thư…

Theo Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh, như vậy, đến nay, dự thảo Luật cơ bản thể hiện ý kiến đa số đại biểu Quốc hội, bảo đảm tính khả thi, minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Trên cơ sở tiếp tục lắng nghe ý kiến thảo luận tại Kỳ họp thứ 5 này, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật để bảo đảm Luật được thông qua sẽ phát huy hiệu quả và đi vào cuộc sống.

Đề xuất duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu; giữ quy định giá trần hàng không

Liên quan đến các điểm chỉnh lý trong dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nêu rõ, về thẩm quyền quyết định Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, tại Kỳ họp thứ 4, Chính phủ trình dự thảo Luật trong đó giao Chính phủ quyết định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.



Các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường chiều 23/5. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Tuy nhiên, qua ý kiến các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, giá là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến từng người dân, doanh nghiệp, ổn định thị trường, do đó các hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá cần được quy định cụ thể trong Luật nhằm tạo sự công khai, minh bạch, hạn chế tối đa sự can thiệp từ cơ quan quản lý nhà nước đến quy luật cung cầu.

Vì vậy, để đúng với chức năng nhiệm vụ của cơ quan dân cử, nhưng vẫn đáp ứng tính linh hoạt, kịp thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, theo đó giữ như quy định của Luật hiện hành, Quốc hội quyết định Danh mục.

Trường hợp cần điều chỉnh, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Đồng thời, bổ sung Phụ lục 01 quy định cụ thể những mặt hàng bình ổn giá, bảo đảm công khai, minh bạch. Dự thảo Luật cũng chỉnh lý các quy định có liên quan tại các điều, khoản khác để bảo đảm tính tương thích.

Đối với Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trong điều kiện hiện nay nên duy trì Quỹ này, bởi Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính.

Trong bối cảnh hiện nay, việc bỏ Quỹ là chưa phù hợp vì thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường; quản lý, điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở; chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước còn tương đối dài (hiện là 10 ngày); lượng dự trữ xăng dầu còn mỏng.

Thực tế cho thấy, khi giá xăng, dầu thế giới biến động thì Quỹ Bình ổn đã phát huy vai trò "điều hòa”, góp phần giảm tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị cần đổi mới trong quản lý, điều hành giá mặt hàng xăng, dầu; đề cao tính công khai, minh bạch về thực trạng nguồn, việc sử dụng Quỹ, nâng cao tính kịp thời, hiệu quả trong điều hành, đồng thời đánh giá kỹ việc thực hiện Nghị định 95/2021/NĐ-CP; sớm đưa giá xăng, dầu của Việt Nam hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường.



Quang cảnh phiên làm việc tại hội trường chiều 23/5. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Về dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa, một số ý kiến cho rằng, không nên áp dụng giá trần. Tuy nhiên, quan điểm của Chính phủ là đề nghị giữ quy định về giá trần và bỏ quy định về giá sàn đối với vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa.

Đa số đại biểu Quốc hội cũng tán thành việc cần giữ quy định về giá trần; bỏ quy định về giá sàn đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc giữ quy định về giá trần và bỏ quy định về giá sàn đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa là cần thiết.

Đối với quy định về thẩm định giá, dự thảo Luật đã hoàn thiện theo hướng quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, cơ quan tương ứng với công việc mà mình thực hiện, đồng thời, bổ sung 2 Điều bao gồm về quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập Hội đồng thẩm định giá và quyền, nghĩa vụ của thành viên Hội đồng thẩm định giá; quy định rõ hơn về phạm vi thẩm định giá của Nhà nước; bổ sung quy định về nguyên tắc hoạt động của Hội đồng thẩm định giá.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của Hội đồng thẩm định giá; bổ sung quy định những hành vi bị nghiêm cấm đối với Hội đồng, thành viên Hội đồng thẩm định giá. Những quy định trên nhằm vừa tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, vừa bảo đảm tính khả thi, giúp các cá nhân, tổ chức yên tâm thực hiện đúng chức trách được giao.

Về thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết đây là nội dung mới so với quy định hiện hành. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung nhiều nội dung về thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá nhằm bảo đảm tính chặt chẽ, khả thi.

Theo đó, dự thảo Luật đã bổ sung mục tiêu, yêu cầu của thanh tra, kiểm tra; bổ sung quy định về kết quả thanh tra, kiểm tra và trách nhiệm xử lý; cùng với đó bổ sung nguyên tắc về xử lý vi phạm pháp luật về giá.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội biểu quyết thông qua, cùng với các vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận một số nội dung liên quan bình ổn giá; định giá của Nhà nước, trong đó có Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; thẩm định giá.

Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) gồm 8 chương, 75 điều và 2 phụ lục, dự kiến sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 19/6 tới.


Theo Nhandan.com.vn

Các tin khác


Khai giảng lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031

(HBĐT) - Ngày 22/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phối với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031. Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo lớp học.

Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Đúng 9 giờ ngày 22/5, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Đại biểu dự Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng 22/5/2023, các đại biểu dự Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cần khắc phục biểu hiện cán bộ sợ trách nhiệm, không dám làm

(HBĐT) - Biểu hiện sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm của một bộ phận cán bộ, đảng viên đang xuất hiện ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương, cản trở sự phát triển KT-XH.

Tổng kết 20 năm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

(HBĐT) - Sáng 19/5, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Đến dự có đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam. Về phía tỉnh có các đồng chí: Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thành phố và các tập thể, cá nhân tiêu biểu.

Đoàn đại biểu lãnh đạo tỉnh dâng hương tại Tượng đài Bác Hồ

(HBĐT) - Nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023), sáng 19/5, đoàn đại biểu lãnh đạo tỉnh do đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã dâng hương tại Tượng đài Bác Hồ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục