Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ phát biểu kết luận hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo công tác chuẩn bị diễn tập phòng thủ dân sự ứng phó thảm họa thiên tai, động đất ảnh hưởng đến đập, hồ thủy điện Hòa Bình năm 2023; Báo cáo công tác chuẩn bị diễn tập giai đoạn 1: vận hành phần cơ chế và báo cáo công tác chuẩn bị nội dung triển khai Bệnh viện dã chiến bị ảnh hưởng do thảm họa, sự cố gây ra.
Diễn tập phòng thủ dân sự ứng phó thảm họa, thiên tai, động đất ảnh hưởng đến đập, hồ thủy điện Hòa Bình dự kiến chính thức diễn tập vào ngày 14/8. Cuộc diễn tập được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 diễn tập vận hành cơ chế; giai đoạn 2 thực hành ứng phó thảm họa thiên tai, động đất ảnh hưởng đến hồ, đập thủy điện Hòa Bình và tìm kiếm cứu nạn (TKCN).
Giai đoạn 1 có 3 vấn đề huấn luyện là: Cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - TKCN và Phòng thủ dân sự tỉnh Hòa Bình triển khai nhiệm vụ phòng thủ ứng phó với động đất ảnh hưởng đến đập, hồ thủy điện Hòa Bình và TKCN; Hội nghị Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - TKCN và Phòng thủ dân sự tỉnh Hòa Bình đánh giá tình hình, điều hành, bổ sung kế hoạch ứng phó; giao nhiệm vụ và khắc phục hậu quả động đất làm ảnh hưởng đến đập thủy điện Hòa Bình (tham quan trực tiếp); thực hành ứng phó thảm họa thiên tai, động đất ảnh hưởng đến đập, hồ thủy điện Hòa Bình.
Giai đoạn 2 có 5 vấn đề huấn luyện gồm: Thông tin, thông báo, cảnh báo động đất, di dời Nhân dân, tài sản đến nơi an toàn, thiết lập Sở Chỉ huy phía trước của tỉnh Hòa Bình (thuyết minh dẫn dắt kết hợp xem video clip); vận hành xả lũ khẩn cấp hồ thủy điện Hòa Bình (xem video clip); TKCN người và phương tiện bị đắm chìm, trôi dạt trên hạ lưu sông Đà; khắc phục sự cố sạt lở, sập đổ công trình và TKCN (xem video clip); thiết lập bệnh viện dã chiến, khu vực sơ tán nhân dân bị ảnh hưởng do thảm họa, sự cố gây ra (tham quan trực tiếp).
Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá: Qua theo dõi các vấn đề huấn luyện, diễn tập phòng thủ dân sự lần này, nội dung huấn luyện phù hợp với tỉnh Hòa Bình, trong đó có nhiều nội dung từng xảy ra trên địa bàn tỉnh như sạt lở, ngập úng… Vì vậy, việc vận hành cơ chế diễn tập phòng thủ dân sự tốt sẽ rất có giá trị trong quá trình chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống thiên tai tại địa phương. Diễn tập phòng thủ dân sự lần này có thể coi là một giáo án đối với cán bộ các cấp khi xảy ra biến động lớn trên địa bàn để có cơ chế vận hành, xử lý kịp thời và khắc phục, di dân, cứu dân, cứu tài sản của người dân.
Để công tác huấn luyện đạt kết quả cao, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị các đơn vị thành viên Ban chỉ đạo, Ban tổ chức diễn tập tiếp tục phối hợp, rà soát lại cơ chế vận hành, tập luyện kín kẽ, hợp lý, logic; chuẩn bị tốt công tác hậu cần tất cả các nội dung đảm bảo theo quy định.
Đồng chí đề nghị, về lâu dài, tỉnh cần xây dựng phương án di chuyển người dân ra khỏi thành phố Hòa Bình và vùng phụ cận ra khỏi vùng ảnh hưởng khi xảy ra các sự cố thảm họa, thiên tai ảnh hưởng đến hồ, đập thuỷ điện Hoà Bình và phương án báo động khi có xả lũ hồ thủy điện và các tình huống khẩn cấp khác...