Chiều 13/11, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030 cho ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội. Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Tiểu ban Văn kiện chủ trì cuộc họp. Tham dự có các đồng chí: Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các thành viên Tiểu ban Văn kiện, các sở, ban ngành tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Tiểu ban Văn kiện kết luận cuộc họp.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe dự thảo Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030 tỉnh Hòa Bình. Theo đó, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Nghị quyết HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, những năm qua, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt kết quả tích cực, có 14/19 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP bình quân hàng năm đạt 6,64%. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, nhiều dự án trọng điểm được khởi công. Tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 38%; lũy kế đến năm 2025 có 92 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác an sinh xã hội được quan tâm, tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng đảm bảo…
Về dự thảo lần 1 Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030, dự kiến chủ đề của Đại hội có 2 phương án: Phương án 1 - "Xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường sức mạnh đại đoàn kết, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc và nền "Văn hóa Hòa Bình"; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững”. Phương án 2 - "Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, bản sắc văn hóa các dân tộc và nền "Văn hóa Hòa Bình"; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững; xây dựng tỉnh Hòa Bình đến năm 2030 đạt trình độ phát triển khá, giữ vững thu nhập bình quân đầu người thuộc nhóm dẫn đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc". Dự thảo Báo cáo gồm 2 phần: Phần thứ nhất - Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Phần thứ hai - Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu góp ý nhiều vấn đề nhằm hoàn thiện các dự thảo báo cáo, tiến tới bổ sung, chỉnh sửa hoàn thiện để tổ chức các bước tiếp theo đáp ứng chất lượng, tiến độ đặt ra, bao gồm: Chủ đề đại hội; bố cục báo cáo chính trị; việc bổ sung số liệu, đánh giá các chỉ tiêu nhằm đảm bảo sát tình hình thực tế; những khó khăn, hạn chế và giải pháp khắc phục trong nhiệm kỳ tới.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Tiểu ban Văn kiện ghi nhận, biểu dương tinh thần làm việc tích cực, trách nhiệm của Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Đối với dự thảo Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030 tỉnh Hòa Bình, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các thành viên tiểu ban theo đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động, tích cực nghiên cứu, rà soát nội dung dự thảo, bảo đảm đánh giá khách quan, trung thực kết quả đạt được trên tất cả các lĩnh vực công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh... sát với kết quả đạt được.
Đối với dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030 cần đánh giá kết quả đạt được trong từng chỉ tiêu, đặc biệt đánh giá đúng nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, đề ra giải pháp đúng, trúng cho nhiệm kỳ tới. Các mục tiêu cần phải cụ thể, lượng hóa được, gắn với nguồn lực và giải pháp cụ thể bảo đảm tính khả thi để thực hiện, tạo bứt phá cho kinh tế - xã hội của tỉnh.
L.C