Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III bật tăng 7,31%, góp phần đưa tăng trưởng GDP chín tháng tăng cao nhất so với cùng kỳ chín năm qua. Ðây là dấu hiệu cho thấy kinh tế Việt Nam có thể bứt phá.
Ðiểm sáng nhà nước kiến tạo
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố, GDP chín tháng năm 2019 ước tính tăng 6,98%. Trong đó, quý I tăng 6,82%; quý II tăng 6,73% và quý III tăng bật lên 7,31%. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,02%, đóng góp 4,8% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,36%, đóng góp 52,6% và khu vực dịch vụ tăng 6,85%, đóng góp 42,6%. Tổng cục trưởng Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, động lực chính của tăng trưởng kinh tế là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, công nghiệp khai khoáng đã tăng trưởng dương sau nhiều năm tăng trưởng âm, nhờ tăng sản lượng khai thác quặng, khai thác than và giá than cung cấp cho sản xuất điện được điều chỉnh tăng ở mức hợp lý. Ðộng lực quan trọng khác cho tăng trưởng là các ngành dịch vụ. Riêng các ngành dịch vụ thị trường đều có mức tăng trưởng cao, bù đắp cho sự tăng trưởng chậm lại của ngành nông, lâm, thủy sản và bảo đảm thực hiện được mục tiêu tăng trưởng cao hơn tăng trưởng của nền kinh tế như Nghị quyết 01 của Chính phủ đề ra. Bức tranh kinh tế chín tháng cũng ghi nhận điểm sáng của hoạt động xuất, nhập khẩu và đầu tư. Cụ thể, thị trường thế giới suy giảm khiến Việt Nam đối mặt với nỗi lo nhập siêu nhưng tính chung từ đầu năm đến nay, nền kinh tế vẫn xuất siêu 5,9 tỷ USD.
Trong bối cảnh đầu tư công còn nhiều vướng mắc chậm giải ngân, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội vẫn đạt mức tăng khá 10,3% so với cùng kỳ, nhờ khu vực kinh tế ngoài nhà nước tiếp tục đầu tư hơn 624 nghìn tỷ đồng, chiếm 45,3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và đạt tốc độ tăng vốn 16,9%. Ðiều này khẳng định rõ chủ trương của Ðảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế được triển khai mạnh mẽ.
Lần đầu trong hoạt động công bố định kỳ số liệu thống kê, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhắc đến điểm sáng nhà nước kiến tạo và phân tích: Kết thúc ba quý năm 2019, số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới đã vượt ngưỡng 100 nghìn DN, đạt kỷ lục gần 102,3 nghìn DN. Các tiêu chí khác như: vốn đăng ký trung bình một DN và lao động đăng ký cũng tăng lần lượt 26,6% và 13,4% so với cùng kỳ năm trước; số lượng DN quay trở lại hoạt động tăng mạnh trong khi DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn giảm nhẹ và DN hoàn tất thủ tục giải thể chỉ tăng 4,7%. Ði cùng với đó là những số liệu điều tra về xu hướng kinh doanh đối với các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. 43,3% số DN cảm nhận tình hình kinh doanh quý III năm nay tốt hơn quý trước và 52,1% số DN lạc quan cho rằng xu hướng kinh doanh sẽ tốt lên trong quý cuối cùng của năm. Số DN dự báo khó khăn giảm từ 18,3% xuống còn 12,1% cùng giai đoạn. "Ðiều này phản ánh môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đang tốt lên và đó là điểm sáng của nhà nước kiến tạo", Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nói.
Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân chín tháng tăng 2,5%, là mức tăng bình quân chín tháng thấp nhất trong ba năm gần đây. Vụ trưởng Thống kê giá (TCTK) Ðỗ Thị Ngọc cho biết, CPI ba tháng cuối năm ảnh hưởng bởi giá dịch vụ y tế; giá xăng dầu ảnh hưởng theo giá thế giới và giá thực phẩm tươi sống. Bên cạnh đó, một số địa phương trên cả nước có thể bị ảnh hưởng bởi các cơn bão, áp thấp nhiệt đới nên giá thực phẩm tươi sống cục bộ tại các địa phương cũng bị tác động. Tuy nhiên, lạm phát năm 2019 nhiều khả năng sẽ được kiềm chế dưới 3%.
Những nút thắt cần tháo gỡ
Cập nhật số liệu quý III, nhiều tổ chức tài chính quốc tế cũng đưa ra những đánh giá tích cực về triển vọng nền kinh tế Việt Nam năm 2019 và 2020. Theo đó, Ngân hàng HSBC dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2019 vẫn ở mức 6,7%, lạm phát được kiểm soát dưới con số 2,7%. Trong cập nhật triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2019, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo nền kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng cao trong năm 2019 và 2020, ở mức tương ứng là 6,8% và 6,7%. Các dự báo lạm phát được điều chỉnh giảm từ mức 3,5% và 3,8% xuống còn 3,0% và 3,5%. ADB đánh giá, mặc dù tăng trưởng GDP có chậm lại trong nửa đầu năm 2019, song Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng vững vàng trong năm nay và năm sau, bất chấp môi trường bên ngoài suy yếu. Theo ông E.Xít-uých, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, đó là nhờ cầu nội địa tiếp tục gia tăng và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được duy trì; triển vọng về tiêu dùng trong nước tiếp tục sáng sủa, được hỗ trợ bởi sự gia tăng thu nhập, mở rộng việc làm, và lạm phát duy trì ở mức thấp.
Nhiều chuyên gia kinh tế trong nước nhận định, tăng trưởng cả năm 2019 sẽ vượt mục tiêu đề ra là 6,8%, tuy nhiên vẫn phải nỗ lực tháo gỡ các điểm nghẽn cho tăng trưởng. Ðiểm nghẽn đầu tiên cần tập trung giải quyết là đầu tư công. Chín tháng năm 2019, tổng vốn đầu tư công giải ngân chỉ đạt 247.000 tỷ đồng, bằng khoảng 60% vốn kế hoạch được giao. Vụ trưởng Ðầu tư (TCTK) Nguyễn Việt Phong cho biết, khi vốn đầu tư công tăng 1% sẽ giúp GDP tăng 0,6%. Trong quý cuối cùng của năm 2019, cơ quan chức năng cần tập trung xử lý nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Kiến nghị cần tổ chức thực hiện nhanh và hiệu quả Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, TCTK lưu ý đến hiện tượng quy mô các dự án ngày càng thấp, từ mức bình quân sáu tỷ USD/dự án xuống còn bốn tỷ USD đến năm tỷ USD/dự án.
Trong bối cảnh khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản gặp khó khăn, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây vì hạn hán, biến đổi khí hậu và dịch bệnh, cần điều chỉnh phương án sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với các vùng, miền. Ngành chăn nuôi tập trung nguồn lực ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lan rộng. Ngành thủy sản cần gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, phân tích, dự báo tốt tín hiệu thị trường để có bước đi phù hợp.
Ðối với hoạt động sản xuất công nghiệp, cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo, nhất là công nghiệp chế biến sâu, chế biến sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất hàng tiêu dùng, đồng thời giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm được sản xuất ở Việt Nam, hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ sản xuất trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa.