(HBĐT) - Là một trong những điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn, bắt đầu từ mùng 2 Tết, đền Bờ đã thu hút đông đảo du khách thập phương đến thăm quan, lễ bái, cầu tài lộc, công danh, bình an cho năm mới.
Đền Bờ - điểm đến hấp dẫn đầu năm
Đền thác Bờ tọa lạc trên địa phận xóm Bờ, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc và xã Thung Nai, huyện Cao Phong. Đền Thác Bờ thờ bà chúa Thác Bờ là bà Đinh Thị Vân, người dân tộc Mường và một bà người dân tộc Dao. Tương truyền, hai bà đã có công giúp vua Lê Lợi vượt thác Bờ tiến quân lên Mường Lễ (Sơn La) dẹp loạn đảng Đèo Cát Hãn. Sau này, hai bà mất thường hiển linh giúp dân vượt thác an toàn, phù hộ cho trăm dân trong vùng mưa thuận gió hòa nên nhân dân phong hai bà làm thánh và lập đền thờ từ đó.
Hàng xúc xích bày bán ngay cạnh hàng viết sớ gây phản cảm tại lễ hội.
Không chỉ nổi tiếng bởi sự linh thiêng, đền Thác Bờ còn hấp dẫn du khách thập phương bởi nằm trên lòng hồ sông Đà có nhiều di tích, thắng cảnh đẹp. Đi lễ đền Bờ, người dân vừa được hòa mình với thiên nhiên, thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình vừa được lễ bái cầu tài, cầu lộc. Ngoài ra, du khách đến đây cũng được thưởng thức món cá nướng đặc sản của sông Đà. Chính sự hòa quện giữa thiên nhiên hữu tình với chốn tâm linh, hàng năm, đền Bờ thu hút hàng ngàn du khách trong và ngoài tỉnh về lễ bái, du xuân. Và không chỉ đối với người dân Hòa Bình, rất nhiều người ở các tỉnh khác cũng lựa chọn đền Bờ là điểm xuất hành đầu năm.
Lộn xộn khách “tự do”
Để đến đền Bờ, du khách có thể đi tại cảng Thung Nai (thuộc xã Thung Nai) và cảng Bích Hạ (thuộc xã Thái Thịnh, TP Hòa Bình). Nếu đi từ cảng Thung Nai, du khách chỉ mất khoảng 30 phút ngồi tàu. Còn đối với cảng Bích Hạ, du khách sẽ phải ngồi tàu hơn một tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, với mong muốn được trải nghiệm cảm giác lênh đênh trên sóng nước lòng hồ, hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ, nhiều du khách đã lựa chọn xuất phát từ cảng Bích Hạ. Theo số liệu của Ban quản lý cảng Bích Hạ, hiện nay, cảng quản lý 57 tàu chở khách du lịch lòng hồ. Để đảm bảo việc điều độ tàu thuyền vào bến đón trả khách một cách hợp lý, hiệu quả, Ban quản lý cảng Bích Hạ đã phối hợp với Cảng vụ miền Bắc; cảnh sát giao thông đường thủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát các tàu chở khách đảm bảo theo đúng quy trình, lệnh xuất bến, vào bến.
Được biết, UBND xã Thái Thịnh đã thành lập 3 tổ hợp tác luân phiên khai thác việc đón, chở khách. Tuy nhiên, thực tế trong 3 ngày đầu khai hội, vẫn diễn ra tình trạng lộn xộn tại cảng Bích Hạ. Trong đó, chủ yếu là ở phân khúc khách đi tự do. Bạn Nguyễn Thị Huyền, một khách đến từ Hà Nội cho biết: Năm nay tôi đi đền Bờ rất sớm, từ ngày mồng 2 tết. Cả nhà 4 người đi nên chúng tôi không thể hợp đồng tàu trước mà chỉ chờ ghép tàu để đi. Tuy nhiên, khi lên đây tôi phải mất hơn 30 phút mới xuất bến được. Nguyên nhân do tôi cũng không biết tàu nào chuẩn bị xuất hành, tàu nào là tàu đã có người đặt, có cho ghép đoàn hay không.
Thực tế theo quan sát của phóng viên, các tổ hợp tác khai thác bến đã thành lập Ban đón tiếp để điều phối khách đi tàu, tuy nhiên Ban đón tiếp không có biển hiệu hay đồng phục riêng, cũng không có địa điểm cố định nên khách không biết ai để hỏi. Trong khi lượng người ở bến vào thời điểm này rất đông. Mặt khác, Ban đón tiếp thực chất vẫn là các chủ tàu, làm việc theo hình thức “cò khách”, tức là mời chào khách, thậm chí giành khách từ tàu này sang tàu khác. Ngoài ra, nhiều tàu dù đã có khách đặt trước nhưng vẫn muốn thêm khách thì tiếp tục chèo kéo khách tự do. Tuy nhiên, nếu ghép cả hai đoàn vào mà vượt quá lượng người thì không được phép xuất bến, trong khi người đi lễ thường đi theo nhóm nhỏ một vài người. Chính từ đó, vòng luẩn quẩn chọn khách, ghép đoàn càng làm cho việc xuất bến thêm lộn xộn. Cùng với đó, giá tàu đối với khách tự do cũng không thống nhất, không được niêm yết công khai.
Hàng quán lấn chiếm khuôn viên đền
Với truyền thuyết lâu đời, đền Bờ nổi tiếng linh thiêng và ngày một hấp dẫn du khách. Để đảm bảo cho mùa lễ hội 2017, Ban quản lý đền Bờ đã có sự đầu tư, nâng cấp đền ngày một khang trang, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đi lễ. Được biết, trong 2 năm 2016 – 2017, đền đã được tôn tạo, mở rộng diện tích thành 5 cấp, 2 cầu thang rộng lên đền và đặt các phao nổi, tạo thuận tiện cho du khách từ tàu xuống đền. Năm nay, đền cũng đã cho xây dựng và đang hoàn thiện hệ thống nhà nghỉ, thuận lợi cho những du khách ở xa muốn nghỉ lại. Với những đầu tư này đã cho thấy sự nỗ lực, hướng đi đúng đắn nhằm đánh thức tiềm năng du lịch lòng hồ, trong đó lễ hội đền Bờ là một trong những điểm nhấn quan trọng. Tuy nhiên, tại lễ hội đền Bờ năm nay đã ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều từ du khách. Chị Bùi Thị Nga Hằng, phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình chia sẻ: Lượng khách đến đền rất đông, trong đó có cả người già lẫn trẻ nhỏ, nhà đền xây đường đi lên, rồi xây mái đua ra như vậy mà không hề xây lan can, nhìn rất nguy hiểm.
Tình trạng đặt tiền lẻ tại ban vẫn tồn tại ở lễ hội đền Bờ năm nay.
Hàng quán lấn chiếm khuôn viên Đền Chúa (xã Vầy Nưa).
Rác thải vứt vương vãi ngay gần khu vực làm lễ tại Đền Trình (xã Thung Nai).
Nhiều du khách cũng tỏ ra không hài lòng với việc nhà đền để cho các hàng rong đặt ngay sát đường lên xuống. Thực tế theo quan sát của phóng viên, tại đền trình (xã Thung Nai), nhiều hàng rong bày bán khắp nơi không theo quy củ nào, mạnh ai nấy bán, thậm chí có nhiều hàng xúc xích rán được kê bán ngay sát đường lên, xuống, sát với hàng viết sớ, hàng mã hoặc đường dẫn vào các gian thờ. Thực trạng này cũng diễn ra tại đền chúa (xã Vầy Nưa). Không chỉ là hàng ăn, các hàng bán vàng mã, hàng lưu niệm cũng lấn hết vào khuôn viên đền làm cho đền ngày càng trở nên trật trội. Điều này gây phản cảm khi hàng sớ ngay sát cạnh hàng xúc xích, người làm lễ chen lấn với người ăn quà, người mua bán. Lộn xộn trong bán hàng, khu vực đền cũng khá nhiều rác thải do những du khách vứt ra. Năm nay, để đảm bảo vệ sinh, chủ nhang đã đặt một số thùng rác quanh đền nhưng chủ yếu là các thùng rác “tự chế” không có nắp đậy nên không đảm bảo vệ sinh môi trường. Mặt khác, do ý thức của du khách nên từ dưới sông cho đến đền, rác thải ni lông, lon nước ngọt cũng vứt ra ngay cạnh khu vực làm lễ. Tại đền chúa (xã Vầy Nưa), khu vực dẫn lên đền là tình trạng túi ni lông, vỏ đồ hộp, vỏ hoa quả vương vãi. Không chỉ du khách mà ngay chính các hộ kinh doanh tại đây cũng chưa có ý thức tự bảo vệ môi trường. Đặc biệt, hiện tượng thắp hương, đốt vàng mã nhiều và đặt tiền lẻ tại các bàn lễ vẫn còn tồn tại.
Mùa xuân là mùa của lễ hội với những sinh hoạt cộng đồng hấp dẫn, thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia. Lễ hội đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt văn hoá, tâm linh của mỗi người. Không những vậy, lễ hội còn tạo việc làm cho người dân bản địa từ các hoạt động dịch vụ. Với những lợi thế vốn có, đền Bờ đang là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, để đánh thức được những tiềm năng, lợi thế đó, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời quảng bá những hình ảnh về văn hóa, đời sống của người dân địa phương, là yếu tố thúc đẩy du lịch tỉnh nhà phát triển.
P.V
Tuyệt đối không được lợi dụng tín ngưỡng để hoạt động mê tín dị đoan
Bùi Ngọc Lâm
(Giám đốc Sở VH -TT&DL)
Trong năm 2016, tỉnh ta rất phấn khởi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồ Hòa Bình là điểm du lịch quốc gia. Đây là tín hiệu rất vui nên chúng ta phải phấn đấu từng bước đủ và đạt các tiêu chí khu du lịch quốc gia. Mục tiêu của ngành là làm sao để tất cả mọi người đến hồ Hòa Bình đều cảm nhận được đây là một khu du lịch cấp quốc gia. Khu du lịch đền Thác Bờ đang được đầu tư các hạng mục. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục yêu cầu các đơn vị thi công hoàn thành các hạng mục theo đúng thiết kế. Sau khi hoàn thiện sẽ bàn giao lại cho huyện Đà Bắc quản lý.
Trước mắt, mùa lễ hội năm 2017, đối với lễ hội đền Bờ nói riêng và các lễ hội khác trên địa bàn tỉnh, ngành VH – TT &DL sẽ đặc biệt quan tâm đến 3 vấn đề. Thứ nhất là lĩnh vực tín ngưỡng, tuyệt đối không lợi dụng tín ngưỡng để hoạt động mê tín dị đoan, không có các hoạt động rút thẻ, cờ bạc. Thứ hai là quan tâm đặc biệt đến vấn đề môi trường, vệ sinh môi trường nơi khách du lịch đến thăm quan và vấn đề an toàn thực phẩm, an ninh trật tự. Thứ ba là nghiêm túc kiểm tra tình trạng ra, vào bến đón khách của các thuyền, tàu trên lòng hồ khi đi lễ hội đền Bờ và các dịch vụ xung quanh nói chung. Đồng thời, ngành cũng quan tâm đến các vấn đề bức xúc của nhân dân như việc “chặt chém” du khách. Chính vì vậy, trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, ngành VH – TT &DL sẽ tăng cường kiểm tra, nhắc nhở việc thực hiện quy chế quản lý lễ hội, kiểm tra các huyện, thành phố thực hiện đúng các kế hoạch.
Mỗi du khách hãy nêu cao ý thức chấp hành khi tham gia lễ hội
Nguyễn Xuân Thành
(Phó Giám đốc BQL cảng Bích Hạ)
Khu du lịch đền Bờ đã chính thức bắt đầu mùa lễ hội năm 2017. Trung bình hàng năm, đền Bờ đón hàng vạn du khách hành hương về lễ bái. Với lượng khách đông như vậy, chắc chắn công tác giữ gìn vệ sinh, đảm bảo ANTT tại các bến cảng và trên các tàu chở khách sẽ rất khó khăn nếu như không có ý thức, sự tự giác của mỗi người khi đi lễ.
Năm nay, dưới sự chỉ đạo của Sở VH - TT&DL, Ban Quản lý cảng Bích Hạ, các chủ tàu đã tích cực tuyên truyền, nhắc nhở du khách về việc giữ gìn vệ sinh môi trường, nâng cao ý thức chấp hành nội quy của tàu và của Ban Quản lý di tích. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn rất nhiều du khách, trong đó có cả các bạn trẻ có hành vi xả rác xuống lòng hồ, không chấp hành quy định về việc mặc áo phao, chen lấn khi xuống bến gây mất trật tự công cộng và phản cảm. Vì vậy, chúng tôi mong rằng, du khách khi đi lễ hội hãy luôn có ý thức chấp hành đúng nội quy, giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan bởi cảnh quan chỉ có thể đẹp khi có sự chung tay bảo vệ của tất cả mọi người.
Vẫn còn tình trạng hàng quán lấn chiếm khuôn viên của đền
Lê Quang Hiểu
(Cầu Giấy, Hà Nội)
Tôi là du khách đền từ Hà Nội, năm nào vào ngày mùng 4 Tết gia đình tôi cũng chọn đền Bờ làm điểm xuất hành đầu năm. Mỗi năm lên đây, tôi thấy có sự đổi mới trong khâu quản lý, tổ chức lễ hội. Đặc biệt là các tàu đã được đầu tư nâng cấp hiện đại, đẹp mắt và trang bị đầy đủ áo phao. Các nhà tàu cũng tạo điều kiện về thời gian để du khách thoải mái làm lễ, thậm chí có cả dịch vụ phục vụ ăn uống trên tàu rất tiện lợi.
Tuy nhiên, nhiều năm đến đây và năm nay cũng vậy, tình trạng hàng quán lấn chiếm vào khuôn viên của đền, nhất là đền phía bên bờ trái, thuộc xã Vầy Nưa khiến cho không gian của đền bị thu hẹp và trở nên rất trật trội. Trong đó có nhiều hàng quán tạp nham, từ hàng vàng mã, hàng bán đồ lưu niệm, thậm chí hàng bán đồ ăn cũng lấn chiếm sân đền. Người lễ bái chen lấn với người mua bán, người ăn hàng trông rất phản cảm. Do vậy, thiết nghĩ Ban quản lý đền cần phải nghiên cứu quy hoạch riêng một khu vực kinh doanh bán hàng, khu vực hàng ăn uống để vừa tạo điều kiện cho người dân kinh doanh, vừa giữ được sự tôn nghiêm của chốn tâm linh.
(HBĐT) - Những tưởng, “voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao” chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng ra đời với mụ đích làm nổi bật tài năng của vị thần đại diện cho chính nghĩa, ý trí và khả năng trị thủy của dân tộc Việt thì thật bất ngờ khi ở một vùng “sơn cùng thủy tận” trên đất Tổ Phú Thọ vẫn hiện hữu một giống gà mang đầy đủ những nét đặc trưng của “gà 9 cựa” mà truyền thuyết Sơn Tinh- Thủy Tinh đã mô tả.
(HBĐT) - Vãn hồi chiều cuối năm, bên ấm trà dư, tôi với ông Nguyễn Hữu Kỳ, một cán bộ nghỉ hưu ở TP Hòa Bình, sau một hồi xoay quanh câu chuyện thế thái nhân tình, rồi bập vào chuyện thú chơi cờ tướng lúc nào chẳng hay. Chả là ngày trước rảnh rỗi, tôi và ông thường rủ nhau đến điểm chơi cờ tướng cạnh Nhà thiếu nhi ở phường Phương Lâm để xem các cụ chơi cờ tướng. ông là tay kỳ thủ khá ở tỉnh một thời, thế nhưng ông ít khi tham gia các trận thư hùng, chỉ ngồi xem cho vui. Tôi mến ông ở chỗ, ông xem các ván cờ rất chăm chú, ít khi tham gia. Mỗi lần nhìn bên phải, bên trái xuất quân, ông thường ghé tai nói nhỏ với tôi về phía sẽ thắng.
(HBĐT) - Trong không khí vui xuân đón Tết rộn ràng, theo âm thanh réo rắt, bổng trầm của làn điệu chèo, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của chị Lê Thị Thu Hoàn ở tiểu khu 8, thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn). Trên khoảng sân rộng trước hiên nhà, dưới ánh nắng xuân chan hòa một nhóm chị em trong phang phục áo váy sắc màu đang uyển chuyển, nhịp nhàng trong điệu múa, lời ca. Dàn nhạc có đủ bộ gõ, trống cơm, đàn tam, đàn tứ, đàn nhị, phách, nhạc công đều là các ông, bà cao tuổi nhưng vẫn say sưa với nhịp phách, tiếng đàn. Đó là một buổi tập dượt của các thành viên Câu lạc bộ (CLB) chèo 30/4 của huyện để chuẩn bị cho các buổi biểu diễn mừng xuân mới.
(HBĐT) - Khi em hát lên, cả núi rừng như mơ màng, say tiếng hát, anh quên cả thời gian, quên cả bó củi đang đốn dở. Thương mến nhau vì câu hát, ta nên bạn tâm giao, thành đôi tri kỷ... Là người con đất Mường, từ lúc thơ bé, tôi đã được chìm đắm trong những câu hát ví (hát đối), hát thường rang. Với tôi, những câu hát vừa ngọt ngào, vừa thể hiện sự đối đáp thông minh, khéo léo là một di sản thật đáng tự hào. Những ngày đầu xuân, trong chuyến tìm về mảnh đất Mường Động giàu truyền thống, một lần nữa, tôi lại được lắng đọng trong những câu hát, mẩu chuyện và những giai thoại vui…
(HBĐT) - Tối 27/1 (30 Tết), tại tiền sảnh nhà văn hóa tỉnh, Sở VH – TT&DL đã phối hợp với UBND thành phố Hòa Bình tổ chức chương trình văn nghệ “Mùa xuân Hòa Bình”. Tham dự chương trình có lãnh đạo Sở VH – TT&DL, Sở TT&TT, UBND tình phố Hòa Bình và đông đảo người dân trên địa bàn thành phố Hòa Bình.
(HBĐT) - Trong những ngày tháng Tám lịch sử năm 1945, khi cao trào kháng Nhật nổi lên mạnh mẽ khắp cả nước, ở chiến khu Mường Khói lúc bấy giờ, những người con đất Mường một lòng đi theo cách mạng. Lớp học “Trường Sơn du kích kháng Nhật học hiệu” ra đời, đặt tại xóm Lọt, xã Hoài ân (nay thuộc xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn) là một minh chứng đầy đủ cho một thời đào măng nuôi cách mạng ở nơi núi rừng heo hút này.