(HBĐT) - Không quá cầu kỳ với mâm cao, cỗ đầy, tiền bạc, quần áo, ngựa xe… nhưng thờ cúng tổ tiên là một phần không thể thiếu trong mỗi gia đình đồng bào dân tộc Mường khi Tết đến, xuân về. Cũng vì lẽ đó, tục thờ cúng tổ tiên đã trở thành nét đẹp văn hóa khó phai mờ đối với những người con của đất, của Mường.
Tục thờ cúng tổ tiên của người Mường (Kim Bôi) đơn giản nhưng là nét đẹp văn hóa trường tồn.
Trong ký ức của riêng tôi, Tết của người Mường (Mường Động) thực sự bắt đầu từ ngày 27 tháng 12 âm lịch. Đến ngày này, mọi công việc bộn bề được gác lại, già trẻ, lớn bé chen chân đến chợ Bo Kim Bôi - phiên chợ cuối năm (còn gọi là chợ phiên Bảy) để vui chơi và sắm Tết. Chiều cùng ngày hoặc cũng có thể là ngày sau đó 28 Tết, theo sự sắp đặt của người trưởng họ (con trưởng hoặc người trực tiếp thờ cúng ông bà, cha mẹ), tất cả các anh em trong gia đình, dòng họ (chủ yếu là nam giới: con trai, con rể, cháu trai) tựu về cùng đi sửa sang mồ mả ông bà. Chưa bày biện mâm cơm cúng trong ngày này, nhưng các con cháu đi tạ mộ cùng tựu về nhà gốc (trưởng họ) để ăn bữa cơm sum vầy, bàn bạc, hỏi han việc chuẩn bị Tết của mỗi nhà. Đây cũng là dịp để người già nói lại với người trẻ (con cháu, dâu rể) về dòng giống, gia phả...
Việc cúng tổ tiên trong ngày Tết bắt đầu từ ngày 29 tháng chạp (theo lịch Mường), tức ngày 30 Tết âm lịch. Ngày này nhà nhà cùng tập trung mổ lợn, gói bánh chưng và làm bữa cơm "chín đụn”. Đây là bữa cơm quan trọng và thiêng liêng để giã từ năm cũ, chuẩn bị đón chào năm mới. Mọi thức ngon, vật lạ đều được dồn trong bữa cơm này. Tất nhiên, mâm cơm cúng tổ tiên trong ngày này cũng được bày đủ món, nếu nhà thịt lợn thì gia chủ bày nguyên cả chiếc thủ lợn, miệng ngậm đuôi lên ban thờ. Ban thờ chính cúng gia tiên của người Mường ngày Tết cũng giống nhiều dân tộc khác có đầy đủ các loại bánh, mứt, kẹo, hoa, quả, bánh chưng. Tục cúng thờ tổ tiên của người Mường là thờ đích danh chứ không thờ chung như các dân tộc khác. Bởi vậy, thông thường, bàn thờ tổ tiên được đặt thành 3 mâm: Mâm ngoài cùng thờ bố mẹ, mâm thứ hai thờ ông bà, mâm thứ ba (trong cùng) thờ cụ kỵ. Gọi là mâm, nhưng đến nay hầu hết các gia đình cũng giản lược đi nhiều bằng cách: chung một mâm cỗ nhưng trên ban thờ thờ mấy người thì bày thêm chừng ấy chiếc bát, đôi đũa và chiếc chén…
Mía là cây không thể thiếu trên 2 cột của ban thờ của mỗi gia đình trong ngày Tết. Còn nhớ Tết xưa, khi thay mẹ đi chợ Tết, tôi đã cố tình "quên” đôi cây mía thờ, chỉ đơn giản vì thấy rườm rà và không phù hợp với ban thờ được thiết kế cho nhà xây (nhà ở truyền thống của người Mường là nhà sàn). Cha tôi nghiêm mặt nhắc: Đó là cây gậy của ông bà, ông vải không được phép thiếu, nhất là trong ngày lễ, Tết này! Tôi lóc cóc đi chọn về đôi mía đẹp.
Sau này, khi đã trưởng thành, quá trình học tập, công tác, tôi có dịp tìm hiểu kỹ hơn về tín ngưỡng dân gian của người Mường (ngoài không gian của Mường Động quê tôi) và được biết thêm rằng: Cây mía giống như một biểu tượng của sự giao hòa trời - đất, kết nối hai thế giới âm - dương. Tán lá tượng trưng cho mây, trời. Gốc rễ tượng trưng cho đất, cho gốc cội gia đình. Những dóng mía như những nấc thang nối liền đất - trời, âm - dương dẫn đón linh hồn tổ tiên từ trên trời trở về hạ giới sum vầy cùng cháu. Bởi vậy, cây mía được xem là "vật bất li thân” trong hành trình tổ tiên trở về trời sau những ngày Tết sum vầy cùng cháu con dưới hạ giới.
Trong lễ "tiễn ông vải” (thường được tổ chức từ ngày mồng 1 đến mồng 3 Tết - tùy theo mỗi nhà), con cháu sẽ chọn những sản vật là thành quả lao động trong năm cũ dâng lên gia tiên. Lúc này mía trở thành "đòn gánh” chuyên chở những sản vật ấy. Dọc đường đi không tránh khỏi những tà ma, cô hồn tranh cướp những tài sản con cháu đã dâng tặng tổ tiên, cây mía lúc này là thứ vũ khí gần gũi nhất đánh đuổi tất cả. Có khi trên hành trình đôi chỗ gặp những khúc sông vắng không cầu, không đò... mía lại trở thành những cây cầu để lộ trình của tổ tiên được thuận lợi…
Giao thừa, người đàn ông trụ cột trong gia đình tiếp tục bày lên ban thờ mâm cỗ giản đơn với cặp bánh chưng, bánh, mứt, kẹo, rượu màu… quan trọng nhất là món chay được làm từ quả bí xanh hoặc đủ đủ xanh luộc chín. Khi cúng giao thừa trong nhà, tất cả các thành viên trong gia đình đứng trang nghiêm trước bàn thờ khấn tổ tiên để xin được các cụ phù hộ độ trì, cầu an khang thịnh vượng, sức khỏe dồi dào. Mâm cỗ chay được bày đến sáng sớm hôm sau và được thay bằng mâm cỗ mặn đủ món.
Trong những ngày Tết, khi chưa làm lễ tiễn ông bà, ông vải thì nén hương trên bàn thờ tổ tiên của người Mường luôn đỏ rực. Dẫu đơn giản về hình thức nhưng nghi lễ thờ cúng tổ tiên là tất cả tấm lòng, sự trân trọng của con cháu đối với ông bà tổ tiên mỗi dịp Tết đến, xuân về. Bởi vậy, trong nhịp sống hiện đại, phong tục thờ tổ tiên của người Mường vẫn là nét đẹp văn hóa.
Lam Nguyệt
(HBĐT) - Xưa kia, trong mỗi bản làng của vùng Mường Bi rộng lớn đều có những "cây hát” (người hát hay, đối đáp thông minh) nổi tiếng. Tuy nhiên, trong nhịp sống bận rộn, bà con không còn được chứng kiến các "cây hát” thức trắng đêm để hát đối. Những buổi đi chặt củi ở rừng hát say sưa đến quên lối về cũng chỉ còn là những ký ức thi thoảng lại chấp chới trong tâm khảm của những người con ở vùng mường Bi rộng lớn.