Bà Bùi Thị Nhu, người có uy tín trong khu Mường Phoi, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) giới thiệu với con cháu về bộ trang phục dân tộc Mường.
Bà Bùi Thị Luyến, Chủ nhiệm CLB giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Mường tại khu Mường Phoi, thị trấn Mãn Đức cho biết: Trước kia, trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và các dịp lễ, Tết, nam nữ dân tộc Mường đều mặc trang phục truyền thống, cầm chiêng đánh vang khắp xóm làng với mục đích cầu cho gia chủ, quê hương một năm an lành, may mắn, mùa màng bội thu. Nhưng lâu nay những bộ trang phục, hay tiếng chiêng không còn được sử dụng phổ biến nữa. Không những thế, trang phục Mường thời nay đã được cách tân cho phù hợp với xu thế thời trang hiện đại. Thay vì may bằng vải thổ cẩm dệt, thêu tay, những bộ trang phục Mường đã được thay bằng vải sợi tổng hợp và họa tiết in công nghiệp. Thắt lưng, xà tích cũng được thay thế bằng những món đồ được làm sẵn, thiếu đi những nét tinh tế vốn có từ bàn tay thủ công của con người.
Không chỉ có trang phục, đối với người Mường, việc lưu giữ tiếng nói cũng là trăn trở lớn. Bà Bùi Thị Nhu, người có uy tín trong khu Mường Phoi, thị trấn Mãn Đức chia sẻ: Hiện nay, các thế hệ thanh niên sinh từ năm 2000 trở lại đây rất ít nói tiếng Mường trong giao tiếp hàng ngày. Sở dĩ vậy là bởi ngôn ngữ này đang dần mất đi tính phổ biến, khi các em đến trường, trưởng thành, ra ngoài lao động, công tác chủ yếu giao tiếp với thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp bằng tiếng phổ thông… Điều này khiến kho tàng ngôn ngữ, văn hóa, văn nghệ của người Mường bị mai một.
Với sự trăn trở đó, bà Nhu cùng các thành viên trong CLB luôn duy trì 1 buổi/1 tuần dạy các cháu nhỏ học và biết tiếng Mường. Được nghe các bà, các mẹ truyền dạy về tiếng nói và trang phục của dân tộc mình, trong mỗi em đều háo hức, phấn khởi. Em Bùi Thanh Thảo, khu Mường Phoi bày tỏ: Hôm nay, em được hiểu hơn về bộ trang phục của dân tộc. Mới đầu mặc em thấy khá khó, nhưng sau khi được mẹ và bà hướng dẫn em thấy dễ dàng hơn và rất đẹp. Em yêu thích trang phục của dân tộc mình.
CLB giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc được thành lập nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Mường qua trang phục, tiếng nói và lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; sưu tầm, bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mường như: trang phục, nhạc cụ, công cụ lao động, các trò chơi dân gian, phục dựng các bài dân ca và văn hóa ẩm thực dân tộc Mường, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, văn nghệ của người dân… Những CLB, lớp học bổ ích rất cần được nhân rộng và phổ biến hơn trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, nhất thiết phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong huyện, nhất là tăng cường công tác tuyên truyền, thu hút các nguồn lực, đổi mới nội dung, hình thức giữ gìn, quảng bá các sản phẩm văn hoá trên toàn địa bàn huyện.
Đồng chí Bùi Minh Hồng, Trưởng Phòng Văn hoá, Thông tin huyện Tân Lạc cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện đã thành lập nhiều CLB như: CLB mo Mường, CLB "Thường rang, bộ mẹng” và tiêu biểu là CLB giữ gìn tiếng nói, trang phục. Huyện khuyến khích các địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình CLB để giữ gìn tiếng nói và trang phục của người Mường.
Mang trong mình dòng máu của con Lạc cháu Hồng, lớp lớp thế hệ người con xứ Mường Hòa Bình nói chung, Tân Lạc nói riêng đã và đang cùng đoàn kết giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần phát triển đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trong thời đại mới, cùng chung tay xây dựng quê hương, đất nước ấm no, hạnh phúc.
Quyên Anh
(Trung tâm VH-TT&TT huyện Tân Lạc)