Người dân và du khách thử tài đu trong lễ hội đu Mường Vôi Xuân Giáp Thìn 2024.
Theo truyền thuyết và lời kể của già làng Bùi Văn Quý, các vị thần được thờ chính tại đền Cây Si đã có công dạy dân Mường Vôi khai phá ruộng nương, đóng bai ngăn sông dâng nước, đóng xe nước, đưa nước lên đồng ruộng, dạy dân biết cấy lúa, trồng bông dệt vải. Nhớ ơn công đức, lời dạy của các vị thần, người dân trong vùng lập đền thờ. Cứ đến hẹn 3 năm 1 lần vào mỗi độ Xuân về, người Mường Vôi lại thực hiện các nghi lễ bày tỏ lòng tôn kính các vị thần và cầu mong một năm mới may mắn, mùa màng bội thu, gia đình hạnh phúc, quốc thái dân an.
Từ sáng sớm, các vị chức sắc, già làng đã sắm 3 mâm cỗ chuẩn bị lễ dâng hương. Đoàn sắc bùa đi trước, vừa đi vừa đánh chiêng, theo sau là 3 cô gái bưng lễ vật dâng cúng cùng những người cao tuổi tiến lễ lên các vị thần. Thay mặt cho dân làng, ông mo làm lễ dâng hương trước, ông trưởng làng phụ lễ công, các cụ ông, cụ bà được cử đại diện dân làng cùng kính cẩn làm lễ dâng rượu lên các vị thần.
Làng mường mở hội đu ngay sau khi hoàn tất các nghi lễ tại đền Cây Si và rước kiệu mời các vị thần ra sân làng dự hội. Trong mường đề cử một người già có uy tín thực hiện nghi lễ dậy đu. Xuất phát từ quan điểm mong cầu có thêm sức khoẻ, cần cù, chịu khó để cây lúa thêm bông, hoa kết trái, bản mường ấm no, hạnh phúc nên 2 vị cao niên sẽ khai đu trước, tiếp đó là màn chung đu của cặp đôi "trai tài gái sắc” đã được dân bản lựa chọn từ trước, mở đầu cho hội đu.
Sau màn chung đu, từng cặp trai gái bước vào cuộc chơi, khởi đầu phải có người kéo chiếc đu để lấy đà. Sau đó, người chơi phải nhún theo nhịp để đẩy chiếc đu lên cao dần. Đội thắng cuộc thường là các cặp đôi tâm đầu, ý hợp, có sức mạnh, có bản lĩnh, lòng tự tin và dũng cảm. Ai ai về dự hội cũng háo hức thử tài. Không khí hội đu càng thêm nồng nhiệt với tiếng reo hò và những tràng pháo tay cổ vũ của mọi người.
Anh Nguyễn Đức Giang, du khách TP Nam Định (Nam Định) hào hứng chia sẻ: Tôi không chỉ xem đu mà còn được thử đu cùng các cô gái Mường. Mặc dù đã được hướng dẫn nhưng để đưa cánh đu bay cao không hề đơn giản. Quan trọng là đến đây, tôi được trải nghiệm, được hoà vào không khí lễ hội vui tươi, lễ hội giàu bản sắc.
Ngoài chơi đu, trong phần hội của lễ hội còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian độc đáo của người Mường, như thi đánh mảng, thi kéo co, ném còn. Đặc biệt, trong lễ hội đu Mường Vôi năm nay có màn trình tấu chiêng Mường của 150 nghệ nhân, trình diễn hát đúm của các nghệ nhân cao niên, tiết mục cò ke ống sáo, đêm giao lưu văn nghệ…
Theo đồng chí Bùi Thị Thi, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vụ Bản, lễ hội là niềm tự hào của người dân thị trấn nói riêng, toàn thể người dân huyện Lạc Sơn nói chung. Với giá trị nhân văn sâu sắc, kết hợp các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao nhằm góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc Mường. Cùng với các lễ hội khác của huyện, của tỉnh, lễ hội độc đáo này cũng góp phần phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, quảng bá và thu hút khách du lịch đến với địa phương, tạo nguồn thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế, văn hóa, an sinh xã hội.
Bùi Minh