Toàn cảnh mô hình khu lưu giữ 1.000 vật phẩm.

Toàn cảnh mô hình khu lưu giữ 1.000 vật phẩm.

Không phải đến bây giờ, mà vài năm trước, khi các nhà khoa học được mời tư vấn cho dự án "Gửi tới mai sau", đã nêu nhiều ý kiến không đồng tình. Câu hỏi "để làm gì và gửi cái gì?" của nhà sử học Dương Trung Quốc đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Còn nhà sử học Lê Văn Lan cũng vẫn giữ nguyên quan điểm: "Đó là dự án "tam vô": vô nghĩa, vô lý và vô bổ".

Món quà hay "nồi lẩu"?

Dự án "Gửi tới mai sau" được hình thành cách đây chừng 5 năm, sau khi ông Vũ Phương, Giám đốc Quỹ Văn hóa Hà Nội, đến thăm nơi lưu giữ hiện vật gửi tương lai 600 năm ở Seoul (Hàn Quốc) và thấy Hà Nội cần phải học tập. Vậy là, dự án "Gửi tới mai sau" ra đời.

Theo Ban Tổ chức (BTC), các vật phẩm "Gửi tới mai sau" nhằm giúp hậu thế biết được đời sống thường nhật, trình độ văn hóa ứng dụng và khoa học công nghệ của xã hội ở thời điểm Hà Nội tròn 1000 năm tuổi. Sẽ có 1.000 vật phẩm được chọn và lưu giữ trong một thiết bị hình quả chuông có thể tích 1.000 lít, với ý nghĩa tượng trưng cho 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Quả chuông có chiều cao 3,087m, đường kính 2m, bên trong chứa 4 thùng thép không gỉ, có kết cấu đặc biệt, được chế tạo để hút chân không, nhằm bảo vệ lâu dài các vật phẩm.

Mô hình thùng chôn đồ vật.

BTC dự kiến: 1.000 vật phẩm được chọn lưu giữ trong "quả chuông" gồm 63 vật phẩm, do 63 tỉnh, thành phố chọn lựa gửi đến, còn 937 hiện vật do nhân dân cả nước đề xuất. Hạn chót cùng góp ý kiến là ngày 15/7/2010. Một hội đồng tuyển chọn vật phẩm gồm các thành viên là các nhà văn hóa, khoa học hàng đầu sẽ được thành lập, để nghiên cứu các ý kiến đề xuất và chọn ra 937 vật phẩm. Ngày 9/10/2010 sẽ làm lễ "hạ thổ" 1.000 vật phẩm "Gửi tới mai sau".

Theo BTC, vật phẩm "có thể là những vật dụng đơn giản như  nhãn mác của mặt hàng nổi tiếng, báo hay tạp chí, tấm ảnh, đồng xu, đầu thu sóng truyền hình, điện thoại di động v.v... Các vật phẩm cần có kích thước nhỏ gọn, độ bền vĩnh cửu, khối lượng không quá 1.000cm3".

Khu lưu giữ vật phẩm có hình bông sen, nằm trong khuôn viên Bảo tàng Hà Nội, một công trình chưa chắc đã kịp đúng hẹn với Đại lễ 1000 năm. Phía dưới đài sen là nơi lưu giữ 1.000 vật phẩm, mặt đài sen có 999 lỗ nhụy hoa, tượng trưng 999 năm tới. Hàng năm, vào ngày 10/10, Hà Nội lại làm lễ đặt một viên đá khắc số của năm đó vào lỗ nhụy hoa.

Những vật phẩm đánh mất cội nguồn

Thực ra, ý tưởng "Gửi tới mai sau" không mới ở chính Việt Nam. Vào tháng 1/1983, tại Công trường Thủy điện Hòa Bình đã có một nghi lễ đặt "Thông điệp gửi đời sau" vào một khối bê tông hình thang nặng gần 10 tấn, để đến ngày 1/1/2100, thư sẽ được mở. Lá thư là một công trình tập thể, do một số nhà trí thức tên tuổi được mời tham gia và được nhiều cấp, ngành bàn bạc kỹ càng với đa số đồng thuận, đủ thấy sự tôn trọng cả hiện tại lẫn tương lai của những người có trách nhiệm.

Dự án "Gửi tới mai sau" đi sau, nhưng lại vấp phải nhiều ý kiến do thiếu tính thuyết phục và lúng túng trong khâu tổ chức. Có lẽ ít hoạt động dành cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội được mọi người quan tâm đến thế. Ngay sau khi báo chí đưa tin, các diễn đàn, các blog đã rôm rả bàn về việc "chôn" gì cho 1.000 năm sau. Có điều, đa phần là những lời giễu cợt, kiểu như "chôn theo mấy kẻ tham nhũng", hay "gửi hình ảnh tắc đường Hà Nội: đặc sản mới của thủ đô", hoặc "gửi những lô cốt của Sài Gòn"... Âu cũng là dễ hiểu, khi chính Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Hà Nội còn "không biết ai sẽ thay mặt thế hệ chúng ta" để gửi và gửi vật phẩm gì cho tương lai.

Tiêu chí chọn vật phẩm rất mông lung, lặt vặt, cho thấy BTC chưa đủ tầm để định hướng những hiện vật thật sự mang ý nghĩa tiêu biểu gửi cho hậu thế. Hơn thế, một điều đáng ngạc nhiên là, mục đích của món quà là để hậu thế hướng về cội nguồn, nhưng chính BTC lại quên đi tính dân tộc cần phải có: Lẽ nào bao nhiêu người trong BTC lại ngây thơ (hay cố tình ngây thơ?), để không nhận thấy toàn bộ mặt ngoài của "quả chuông" dùng lưu giữ 1.000 vật phẩm, không có lấy một chữ Việt, mà chỉ có tiếng Hàn bên con số 2010 - 3010.

Thế này thì, 1.000 năm sau, hậu thế sẽ đinh ninh rằng, ở thời điểm Hà Nội 1.000 năm tuổi, tổ tiên chúng là người... Hàn, hoặc sử dụng ngôn ngữ Hàn, chứ chả liên quan gì đến người Việt. Ở hiện vật quan trọng này còn thế, chả trách, BTC cho phép gửi vào tương lai cả đầu thu sóng truyền hình, điện thoại di động, những thứ đều xuất xứ từ nước ngoài. Mà không phải do Việt Nam sản xuất, ta làm gì có quyền nhận thông điệp gì từ món quà hổ lốn này đây?

Việc đưa ra tiêu chí chọn vật phẩm của BTC cũng bộc lộ sự thiếu hiểu biết: yêu cầu "có độ bền vĩnh cửu", nhưng lại có thể là "ảnh, báo chí, đầu thu sóng truyền hình, điện thoại di động v.v...". PGS. TS Trịnh Sinh (Viện Khảo cổ Việt Nam), một người giàu kinh nghiệm về khảo cổ học, cho biết: Rõ ràng những người thực hiện đã không hỏi ý kiến của các nhà khảo cổ,  mới nghĩ rằng những vật liệu như giấy, tấm ảnh, đĩa DVD, điện thoại di động, có thể lưu giữ được qua 1.000 năm. Dù trong môi trường hút chân không, chúng cũng không thể tồn tại nổi, mà chỉ có 3 vật liệu đã được kiểm chứng là đá, gốm và sứ.

Có nhiều năm chuẩn bị, nhưng đến lúc này, chỉ còn cách thời điểm "hạ thổ" vật phẩm 6 tháng, mà khi được hỏi về công tác chuẩn bị, BTC trả lời một cách thành thật rằng: vẫn như... trên mô hình.

Tức là chưa có gì! Vật phẩm của TP Hà Nội gửi đến mai sau cũng vẫn chưa xác định! Lẽ ra, là nơi thực hiện dự án, Hà Nội đã phải hoàn tất món quà của mình, để vui mừng công báo, chứ không phải đến giờ này vẫn "phải giữ bí mật" như ông Giám đốc Sở VH-TT&DL nói. Thế thì việc chuẩn bị 1.000 vật phẩm để "Gửi tới mai sau" đến bao giờ mới hoàn thành? Nếu cứ cố làm cho xong, thì liệu có đảm bảo chất lượng?

Tiếng là lấy ý kiến nhân dân, song dự án "Gửi tới mai sau" lại không được tuyên truyền rộng rãi như cần phải có. Hai cuộc họp báo được tổ chức, nhưng phần lớn các báo không được biết. BTC công bố trang web guitoimaisau.zing.vn đưa thông tin về hoạt động này, nhưng cho đến tận hôm nay, vẫn chả thấy gì, ngoài cái thông cáo báo chí đã có trong cuộc họp báo. Với cách thông tin "càng bó hẹp càng tốt", người dân làm sao biết để mà góp ý hay gửi kỷ vật? Chưa có ai gửi vật phẩm sau 2 tháng kể từ ngày phát động, cũng là dễ hiểu!

Cuộc họp báo về dự án "Gửi tới mai sau" có 2 vị Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội cùng Giám đốc Quỹ Văn hóa Hà Nội có mặt. Nhưng khi báo chí đồng loạt lên tiếng, thì Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội lại khẳng định: "Có một số điều người trong cuộc nói ra là có thật, nhưng không đúng với sự chỉ đạo của cấp có thẩm quyền...".  Không lẽ nào, phát biểu trước các cơ quan truyền thông mà lại tùy tiện thế, thì ai còn lòng tin để "gửi tới mai sau"?

Tiếng nói các nhà khoa học

Trước dự án "Gửi tới mai sau", nhiều nhà nghiên cứu, khoa học tên tuổi đã tỏ rõ quan điểm không đồng tình, với lý do đầy sức thuyết phục: Hà Nội hôm nay còn nhiều việc phải làm hơn.

Nói đến người hiểu và yêu Hà Nội, không thể không nhắc đến nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc. Vậy mà ông cũng cho rằng, dự án "Gửi tới mai sau" tốn tiền của chẳng để làm gì, khi 1.000 năm nữa, trái đất, cuộc sống, thậm chí cả giống người, liệu có như bây giờ?

Biết dự án này từ ngày đầu, mà đến nay, nhà sử học Dương Trung Quốc vẫn chưa hết băn khoăn: Những hiện vật BTC "Gửi tới mai sau" mang thông điệp gì cho 1.000 năm tới? Nếu chúng ta xây dựng một Đài Độc lập, thì hôm nay cũng như thế hệ sau này, còn cảm được. Chứ có gửi thiết bị hiện đại nhất, thì với tốc độ phát triển theo cấp số nhân, sau 1.000 năm, cũng là đề tài hóc búa với các nhà khoa học để vận hành được. BTC kêu gọi đóng góp hiện vật, nhưng nhân dân biết tìm ở đâu thông tin đầy đủ về vấn đề này? Ai hướng dẫn? Hội đồng lựa chọn hiện vật là ai? Hiện vật có tính tiêu biểu và được mọi người nhất trí không? Tôi không cảm nhận được sự nghiêm túc trong hoạt động này, cũng như thấy không xứng tầm Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Việc cho gửi những nhãn mác, thương hiệu sản phẩm cũng đặt ra nhiều vấn đề liên quan, như bản quyền.

PGS. TS Trịnh Sinh cũng bày tỏ, ngoài chất liệu, phải chọn lựa thông điệp gì để thế hệ mai sau hình dung được thủ đô Hà Nội hôm nay và vật phẩm phải thể hiện được tính dân tộc. Điện thoại di động, đầu thu kỹ thuật số là của thế giới, nên họ tự lưu giữ chứ có cần chúng ta làm hộ đâu?

Bên ngoài thiết bị lưu giữ không có một chữ tiếng Việt.

Xin được nêu ra đây cả nỗi băn khoăn của một số nhà sử học trước việc "quả chuông" chôn ở dưới đất, khi đây là thứ phải được treo cao. Do đó, câu chuyện về chuông Quy điền thời Lý từng mở đầu cho một điều không may mắn trong lịch sử đất nước, cũng cần được nhắc nhớ trong thời khắc thiêng liêng này.

Trước sự lên tiếng của công luận, ông Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội đã có hành động dũng cảm là lên tiếng xin lỗi vì đã để xảy ra "những sai sót có thật". Nhưng dự án thì vẫn tiến hành. Liệu rằng, 1.000 món quà mà Hà Nội sẽ gửi cho mai sau có xứng với tầm vóc của thủ đô 1000 năm tuổi hay không? Câu hỏi này là cần thiết, khi BTC đã có tới vài năm chuẩn bị dự án, mà đến nay vẫn còn lúng túng, thì với thời gian chừng 200 ngày, họ sẽ xoay sở sao đây?

                                                                                Theo Báo CAND

Các tin khác

Thầy cúng bắt đầu hành lễ.
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Làm phim Việt: Dễ hay khó?

Mùa phim Tết xem như kết thúc. Các nhà làm phim Việt ngồi tổng kết lại và cảm thấy giật mình, thậm chí hoảng sợ bởi sự thắng - thua quá mỏng manh

Triển lãm cổ vật Việt Nam tại Mỹ: Giá như công chúng Mỹ biết đến văn hóa VN sớm hơn

Lần đầu tiên, nước ta tổ chức triển lãm cổ vật cổ đại "Từ châu thổ ra biển lớn", từ 2.2 - 2.5.2010 tại trụ sở của Hội Châu Á ở New York. Bà Melissa Chiu - GĐ Bảo tàng của Hội Châu Á, một trong những đơn vị tổ chức - phát biểu: "Giá như công chúng Mỹ biết đến văn hóa VN sớm hơn...".

Nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà văn hóa cơ sở

Trong hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, nhà văn hóa có vai trò quan trọng đem lại hiệu quả thiết thực trong việc xây dựng đời sống văn hóa. Mạng lưới nhà văn hóa làng, thôn, ấp, bản phát triển rộng khắp trong cả nước. Tuy nhiên, thực tế đang đòi hỏi các nhà văn hóa hoạt động hiệu quả và thiết thực hơn.

Cracking Bamboo: Sự gặp gỡ của những nền văn hóa gốc

Mặc dù chỉ là buổi giới thiệu các ban nhạc, các nghệ sĩ của các quốc gia tham dự Liên hoan âm nhạc bộ gõ quốc tế nhưng số lượng khán giả đến xem đông chật sân Viện Goeth. Đây là chương trình chuẩn bị cho chuỗi biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Có thể bởi dư âm của sự thành công trong Liên hoan lần thứ nhất đã tạo nên ảnh hưởng lớn đối với công chúng yêu chuộng âm nhạc gõ.

Chọn gì để gửi tới 1.000 năm sau?

Nhằm giúp các thế hệ con cháu biết được quá khứ của cha ông, một dự án dài hơi mang tên Gửi tới mai sau đang được Quỹ Văn hóa Hà Nội và Ban quản lý dự án Bảo tàng Hà Nội thực hiện. Theo đó, 1.000 vật phẩm tiêu biểu, đặc trưng cho cuộc sống văn hóa, khoa học và công nghệ của xã hội đương đại sẽ được lưu giữ trong một thiết bị đặc biệt, được hạ thổ vào ngày 10/10 tới. 1000 năm sau, các vật phẩm này sẽ được mang ra "giới thiệu" với cháu con. Vấn đề khó khăn hiện nay là chọn vật phẩm nào để gửi tới mai sau!

Tưởng tượng ra cả một nền văn hóa

Triển lãm Những chú thích về một nền văn hoá tưởng tượng của nhà điêu khắc Clare Martin (Thạc sĩ nghệ thuật người Australia) đang diễn ra tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Trưng bày kéo dài đến hết ngày 16 tháng 4 năm 2010. Đây là trưng bày thứ 3 của bà ở Việt Nam và là trưng bày thứ 2 tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam do Đại sứ quán Úc tại Hà Nội tài trợ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục