Những điệu múa cổ có từ nghìn xưa, giờ chỉ còn đâu đó trong ký ức những người già từ các làng cổ đất Thăng Long, hôm nay được “hồi sinh” rực rỡ và sống động dưới chân tượng đài vua Lý Thái Tổ bên bờ Hồ Gươm.

 
Tối 4-10, ngày thứ tư Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, mặc dù trời mưa khá nặng hạt, nhưng chương trình Liên hoan múa cổ Thăng Long vẫn thu hút hàng nghìn người đội mưa chiêm ngưỡng.


Đúng như tên gọi “Thăng Long mở hội tìm lại dấu xưa”, lần lượt chín điệu múa cổ đặc sắc, kết tinh và truyền giữ qua lịch sử nghìn năm, kể từ thời vua Lý định đô, hiện chỉ còn bảo lưu trong phạm vi hẹp của các làng cổ đã có dịp hiển lộ trước đông đảo công chúng.



Dù mưa to những vẫn có rất đông khán giả đội mưa xem biểu diễn.


Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên, Liên hoan múa cổ Thăng Long được tổ chức. Cũng tại vườn hoa Lý Thái Tổ, công chúng đã có dịp thưởng thức những điệu múa cổ hai lần vào dịp tết Nguyên đán. Liên hoan múa cổ lần thứ ba, nằm trong chương trình Đại lễ kỷ niệm 1000 năm, có thể nói là lần đầu tiên được đầu tư công phu nhất. Kết quả nghiên cứu, khảo sát, phục dựng nằm trong dự án “Phục hổi, phát triển múa cổ Thăng Long-Hà Nội” do các nhà nghiên cứu, nghệ của Hội nghệ sĩ Múa Hà Nội thực hiện trong năm năm qua, lần đầu tiên được “phô diễn” đầy đủ nhất.



Chương trình có ba phần: Lửa thiêng Hà Nội - Mở hội ngàn năm; Những dấu xưa (trình diễn các điệu múa cổ) và màn kết: Mừng Thăng Long chiến thắng, tái hiện một lịch sử Thăng Long từ những ngày hoang sơ cho đến khi phồn thịnh.



Múa chạy chữ.


NSND Chu Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa cho biết, chín điệu múa cổ là phần lõi của chương trình, do các nghệ nhân dân gian từ các làng múa cổ biểu diễn. Còn hai phần mơ đầu và kết thúc là màn múa của các nghệ sĩ chuyên nghiệp, tái hiện những hoạt cảnh về lịch sử Thăng Long.


Đối với người dân và du khách tới dự xem, thì nét hấp dẫn độc đáo chính nằm ở những điệu múa cổ. Độc đáo ở trang phục, nghi thức, hấp dẫn bởi những trình thức, động tác hết sức điêu luyện và chứa đựng, kết tinh những giá trị văn hóa lâu đời.



Múa chạy cờ.


Có chín điệu múa cổ được thể hiện: múa Trống Hội, múa Trống Bồng (Triều Khúc), Tổ khúc múa Giảo Long, Tổ khúc múa Phù Đổng, múa Bài Bông, múa Lục Cúng, múa Giải Oan Thích Kết, múa Lễ Chữ, múa Chạy Cờ.


Nếu như múa Bồng sôi nổi, múa cờ mạnh mẽ, múa Giảo long hấp dẫn, thì các điệu múa Bài bông khoan thai trang trọng, múa Lục cúng trang nghiêm huyền bí...



Múa Giải oan thích kết.


Theo các nhà nghiên cứu, những điệu múa cổ (có thể gọi là múa cổ truyền) có thể nói chính là “minh chứng” đặc sắc nhất về nền văn hiến của đất kinh đô nghìn năm. Chính là múa cổ đã xuất hiện từ khi Đại La trở thành thành Thăng Long-thủ đô của vương triều nhà Lý. Càng về sau, cùng với sự phồn vinh của kinh thành, các điệu múa càng ngày càng phát triển phong phú với nhiều loại hình, gắn liền với các sinh hoạt từ trong cung đình đến dân dã, từ nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo đến lễ hội dân gian...


Những điệu múa hát trong cung đình từ triều Lý, Trần, Lê... múa trong lễ thức Phật giáo, múa hát trong lễ hội làng... được ghi dấu trong sử sách và trong ký ức của nhiều lớp người ở các vùng đất kinh thành Hà Nội.



Múa lục cúng.


Ngoài những điệu múa tưởng niệm danh nhân lịch sử qua các triều đại, Hà Nội còn có nhiều điệu múa cờ, múa trống, múa chiêng trong các lễ hội làng.


Như múa lễ hội làng Phù Đổng được ghi nhận là có lịch sử hàng thế kỷ trước, kể từ khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long lập nghiệp và cho xây đền thờ Thánh Gióng, nâng cấp hội làng Phù Đổng lên làm quốc lễ.


Những hình thức múa trong tín ngưỡng như múa Lục cúng hoa đăng do các sư thầy chùa Minh Quang thực hiện, hiện là điệu múa trong Phật giáo hiếm hoi còn tìm lại được.


Phần di sản quý giá nhất của múa cổ Hà Nội nằm ở các điệu múa dân gian lâu đời, như múa rồng, múa cờ, và đặc biệt là múa bồng ở làng Triều Khúc, múa đèn ở hội đền Hai Bà Trưng ở Đồng Nhân, múa rắn ở làng Lệ Mật, múa rồng lửa ở làng Khương Thượng, múa cởi yếm mo ở làng Đường Yên, múa chén ở làng Mọc, múa roi ở làng Cót.


Nghệ nhân Hoàng Ngọc Dậu, 82 tuổi, ba lần “lĩnh xướng” với cây đao trong tiết mục múa rắn của làng Lệ Mật, cho biết, mỗi lần cầm cây đao trình diễn những động tác thuần thục, ông lại thấy trong mình cái không khí của làng quê thời trai trẻ.


Nhưng, cũng khác với hai lần trước, thì liên hoan múa cổ lần này đã vắng bóng một vài nghệ nhân. Trước Liên hoan diễn ra chỉ vài tuần, đội múa Bài bông của làng Phú Nhiêu (huyện Phú Xuyên) đã ngậm ngùi đưa tiễn nghệ nhân Nguyễn Thị Ga, bà tham gia múa bài bông từ năm 10 tuổi. Đó cũng là một nỗi ngậm ngùi lo lắng của những người phục hưng múa cổ.


Cùng với sự ra đi của nghệ nhân, việc nhận diện các điệu múa cổ không hề dễ dàng, bởi sự phân bổ rộng khắp trên địa bàn thành phố và khu biệt với từng lễ hội, gắn bó chặt chẽ với từng đền chùa, miếu. Các lễ hội gắn liền di tích này lại có quy luật tái hiện rất khác nhau. Có lễ hội diễn ra hằng năm, nhưng cũng có lễ hội phải 20 năm mới lặp lại và các điệu múa gắn liền lễ hội đó phải chờ chừng ấy thời gian mới có dịp tái hiện. Ngày nay, cũng có những lễ hội năm năm mới được tổ chức một lần. Vậy nên, khó có cơ hội để tiếp xúc với toàn bộ di sản múa cổ Hà Nội.



 


Múa bài bông.


Đưa các điệu múa cổ, phần nhiều là các điệu múa thiêng, mang tính tâm linh, ra trình diễn ngoài không gian thiêng của làng, là muốn phô diễn vẻ đẹp độc đáo và màu sắc lịch sử của chúng. Cùng với những trình thức, động tác nhuần nhuyễn, uyển chuyển của các vũ công làng, những điệu múa này đã gây được ấn tượng cho khán giả về sự đa dạng hình thức, ngôn ngữ âm nhạc múa, sự khác biệt về màu sắc cảm xúc giữa các điệu múa.


Rất khó để phục hồi nguyên vẹn toàn bộ phẩm chất, giá trị nghệ thuật của di sản múa cổ Hà Nội. Bởi nó chỉ được hiển lộ đầy đủ khi trình diễn trong môi trường sinh hoạt văn hóa truyền thống. Khảo sát, nghiên cứu và phục hồi các điệu múa cổ, qua ký ức của những người già, đã là vô cùng khó. Nhưng việc tìm kiếm cách thức tái hiện môi trường cho múa cổ trong đời sống hiện đại là việc làm còn khó khăn gấp bội. Vậy nên, cố gắng mang những điệu múa cổ trình diễn trước công chúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là một nỗ lực rất đáng ghi nhận của các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu và các nghệ sĩ múa.
 
 
 
                                                                                         Theo ND

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Vua Trần Nhân Tông và những tác phẩm văn chương bất hủ

Tố Hữu - Thân thế và sự nghiệp”: Trọn vẹn cuộc đời cho cách mạng, cho thơ

Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu (4/10/1920 - 4/10/2010), sáng 4/10, Ban Tuyên giáo TƯ, Bộ VH-TT và DL, Hội Nhà văn Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội thảo “Tố Hữu - Thân thế và sự nghiệp”. Tới dự, có đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ; các thế hệ lãnh đạo Ban Tuyên giáo TƯ và đông đảo các nhà văn, nhà nghiên cứu cùng gia đình nhà thơ Tố Hữu.

Để Hà Nội “đẹp và duy nhất”

Hội thảo kiến trúc quốc tế “1.000 năm Thăng Long - Hà Nội: những dấu ấn kiến trúc qua năm tháng” nằm trong hoạt động thường niên “Gặp gỡ mùa thu” của các kiến trúc sư (KTS) Việt Nam và thế giới được tổ chức tại Hà Nội

Trình diễn điệu múa nghi lễ Phật giáo nhân Đại lễ

Những ngày Hà Nội và cả nước đang nô nức không khí Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, chúng tôi có dịp gặp Đại đức Thích Thanh Phương, trụ trì chùa Đống Lim, quận Long Biên (Hà Nội).

Phục hồi múa cổ

Giới nghệ sĩ múa chuyên nghiệp có thể học hỏi, khai thác từ vốn cổ để làm phong phú nghệ thuật múa hiện đại

Thăng Long - Hà nội Thăng Long - Hà Nội từ năm 1954 đến năm 1975: "Thủ đô của phẩm giá con người"

Sau thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Thủ đô Hà Nội lại cùng cả nước dưới sự lãnh đạo của Ðảng, cùng tiến hành cách mạng XHCN ở miền bắc, tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở miền nam, tiến tới thống nhất nước nhà

20 năm gắn bó với các giá trị văn hoá cổ

(HBĐT) - Hai mươi năm không phải là dài, nhưng đã chiếm một nửa tuổi đời của chị  Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Bảo tàng tỉnh. Sớm “kết duyên” với nghề “hoài cổ” mà càng ngày càng ít bạn trẻ lựa chọn. Đến nay, chị đã có hơn 20 năm gắn bó với các giá trị văn hoá đặc sắc của đất Mường Hoà Bình, mặc dù tuổi đời của chị chưa tròn con số 40.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục