Ông Bùi Văn Lon ở xóm Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) thường xuyên xem lịch đoi để hướng dẫn người dân làm nông nghiệp.

Ông Bùi Văn Lon ở xóm Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) thường xuyên xem lịch đoi để hướng dẫn người dân làm nông nghiệp.

(HBĐT) - Vậy là Tết Giáp Ngọ 2014 đã về. Người Mường ở khắp nơi cùng bà con các dân tộc trên địa bàn tỉnh đón năm mới sau một năm lao động miệt mài. Cùng với việc xem lịch phổ thông để biết ngày lành, tháng tốt, đồng bào Mường tỉnh ta còn xem lịch cổ truyền của dân tộc mình là lịch đoi (còn gọi là lịch tre) để cầu mong một năm mới tốt lành, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu…

 

Xưa kia, cộng đồng người Mường ở Hòa Bình được chia thành 4 vùng Mường là Mường Bi (nay là huyện Tân Lạc), Mường Vang (nay là huyện Lạc Sơn), Mường Thàng (nay là huyện Cao Phong), Mường Động (nay là huyện Kim Bôi) với câu ca đã lưu truyền từ ngàn đời nay: “Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động”, trong đó, Mường Bi được xem là Mường lớn. Quả thật, tại Mường Bi, người ta còn thấy lưu lại khá nhiều giá trị văn hoá cổ của người Mường. Một trong những giá trị văn hoá đặc sắc là nơi còn nhiều người dân lưu giữ được lịch đoi và cách xem lịch đoi. Trên đường dẫn chúng tôi đến tìm hiểu về lịch đoi ở xóm ải, đồng chí Bùi Văn Xuân, Trưởng ban Văn hoá xã Phong Phú (Tân Lạc) gợi mở: Theo lời của những thầy mo trên địa bàn thì lịch đoi là bộ lịch cổ xưa nhất của người Mường. Hiện nay, người Mường vẫn dùng song song 2 loại lịch là lịch tây và lịch đoi. Lịch đoi được người Mường xưa đúc kết từ nhiều đời rồi truyền lại cho con cháu sau này. Trên lịch có vạch khắc những hình tượng trưng cho ngày mưa, ngày bão, hao, lỗ, ngày cá, thú. Lịch đoi là một sự tổng hợp, đúc kết kinh nghiệm qua nhiều đời của người Mường xưa, là biểu hiện rực rỡ tư duy Mường trong sự nhận thức thế giới xung quanh. Lịch đoi giúp người Mường tránh những ngày xấu, không may mắn để chọn thời điểm cấy hái, dựng vợ gả chồng, những ngày đẹp trời. Từ đó về sau, người Mường Bi đi cày đi cuốc, bắt tôm mò cá, dựng vợ gả chồng, ngày lành tháng tốt..., tất cả cứ theo lịch Đoi mà làm...

 

Đến thăm gia đình ông Bùi Văn Lon ở xóm ải, năm nay 57 tuổi. Khi hỏi về bộ lịch đoi của gia đình, ông Lon bảo chúng tôi chờ một chút để ông đi lấy từ nhà văn hóa xóm về. Sau khoảng thời gian ngắn chờ đợi, ông Lon cùng bộ lịch đoi trên tay đã về tới nhà. Ông Lon giải thích: Sở dĩ tôi để lịch đoi ngoài nhà văn hóa vì muốn giới thiệu lịch và nhiều hiện vật khác tồn tại lâu đời trong cuộc sống của người Mường đến du khách khi đến thăm làng Mường cổ. Lúc rỗi, ông lại mang lịch đoi ra để dạy cho con cháu cách xem và làm theo lịch. Ông chia sẻ: Đã là người Mường Bi thì hầu hết người già, thầy mo đều làm theo lịch đoi. Bên cạnh lịch đoi, người dân xứ Mường còn sử dụng lịch tây, nhưng việc này chỉ để biết ngày tháng hành chính theo qui định của Nhà nước thôi. Bộ lịch đoi của gia đình được lưu truyền qua nhiều thế hệ, cha ông để lại cho ông, sau này ông truyền lại cho con, cho cháu mình. Trân trọng cầm bộ lịch trên tay, ông Lon chỉ cho chúng tôi những nét đặc trưng nhất về lịch đoi của người Mường. Cũng giống như cách tính lịch của người Việt, lịch đoi được chia làm 12 tháng. Bộ lịch có 12 thanh tre, mỗi thanh dài khoảng 20 cm, rộng 3 cm và tượng trưng cho một tháng. Mỗi tháng có 30 ngày, được chia thành 3 khoảng gọi là tuần, gồm có thượng tuần, trung tuần và hạ tuần. Mỗi tuần có 10 vạch tượng trưng cho các ngày và có những tên gọi riêng. Lịch đoi được xem như lịch vạn sự của người Mường với những chỉ dẫn chọn ngày lành tháng tốt cho các công việc quan trọng trong đời sống. Thượng tuần gọi là “ngày kâl”, những ngày này được người Mường chọn để tổ chức cưới xin, khánh thành, xây nhà mới. Hạ tuần là những ngày hết trăng, được gọi là “ngày cối”. Trung tuần là 10 ngày giữa tháng, được gọi là “ngày lồng”, tức những ngày có trăng và theo quan niệm của người Mường, ngày có trăng người cõi âm hay lên ngắm trăng nên không nên làm việc quan trọng vào thời điểm này. Nhưng trẻ con sinh vào những ngày này sẽ trắng trẻo, thông minh, sáng dạ. Từ xa xưa, căn cứ trên chu kỳ hoạt động của sao Đoi, người Mường đã xác định được các tháng, tuần, ngày trong năm có những sự kiện về thời tiết ra sao để từ đó đưa ra các quyết định cho công việc đồng áng, làm ăn của mình. Vì người Mường đã thất truyền chữ viết nên để xem được lịch, trong vạch của mỗi ngày có những kí hiệu đặc biệt để người ta có thể biết đó là ngày làm ăn thuận lợi hoặc hao tổn, cũng có ngày để đi làm đồng, gieo mạ, đi săn, đánh bắt cá được nhiều nhất ông Lon giải thích: Trên lịch đoi, nếu thấy vạch nào hình chữ V- hình đuôi có thì gọi là ngày cá, vạch nào có một chấm ở trên gọi là ngày tiểu hao, hai chấm gọi là ngày hao, vạch hình mũi tên là ngày mưa bão. Số lượng và mật độ của các ngày này thay đổi theo từng tháng. Tháng nào thấy có nhiều vạch hình mũi tên thì tháng đó rất nhiều mưa bão, nếu gieo mạ, cấy lúa... vào những ngày mưa bão thì sẽ bị hư hỏng. Nếu vào ngày cá thì người dân đi đánh cá, mò cua, bắt ốc sẽ được nhiều. Trong lịch đoi, tháng 1 là tháng có nhiều ngày cá nhất vì đó là thời điểm mùa cá đẻ. Nếu vào ngày hao thì người dân dù có buôn bán bốn phương, lắm tiền nhiều của thì cũng bị thua lỗ... Đặc biệt, hàng năm, các thầy mo có tài chiêm tinh thường lên ngọn núi Cột Cờ hay ra khoảnh đất rộng, thoáng đãng... để nhìn sao đoi (sao tua rua). Tính từ đông sang tây, vào lúc trăng lên, nếu sao đoi vào trước mặt trăng thì năm tới sẽ nóng, hạn hán. Nếu sao đoi vào sau mặt trăng thì năm tới sẽ có nhiều mưa bão. Nếu sao đoi vào cùng với mặt trăng thì năm tới thời tiết ôn hòa, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu... Lịch đoi chậm hơn lịch âm khoảng 15 ngày. Chính vì thế mà hiện nay người Mường ăn tết hai lần, một lần Tết Nguyên đán theo lịch âm, và một lần ăn tết theo lịch đoi. Đợt ăn tết thứ hai sau đợt Tết Nguyên đán khoảng 15 ngày gọi là ăn tết lại, tết đoi.

 

       

               Bộ lịch đoi (lịch tre) của người Mường cổ Hoà Bình.

 

Là người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất văn hóa cổ Mường Bi, chị Bùi Thị Thư, nhân viên Bảo tàng tỉnh luôn tự hào với những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mường Hòa Bình. Khi chúng tôi hỏi về lịch đoi, chị Thư giới thiệu: Như một số dân tộc khác, người Mường Hòa Bình có nét văn hóa độc đáo và riêng biệt. Điển hình là bộ lịch đoi. Hiện nay, bộ lịch đoi vẫn còn được lưu giữ và bảo tồn trong đời sống của người Mường. Bộ lịch đoi có từ lâu đời, là biểu hiện rực rỡ tư duy của  người Việt - Mường trong nhận thức thế giới quan và sự phân chia thời gian và được tính theo sự vận động của mặt trăng và các vì sao. Đó là sự đúc kết qua nhiều thế hệ của người Mường xưa truyền lại. Điều đáng chú ý là các tháng đều tính sớm lên so với tháng âm lịch của người Việt. Bởi thế, người Mường mới có câu nói khái quát những đặc điểm trong sinh hoạt của tộc người Mường: “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới”. Ở các vùng Mường khác nhau thì bộ lịch đoi có ký hiệu, ký tự và sự lý giải giống và khác nhau. Hiện nay, Bảo tàng tỉnh còn trưng bày 2 bộ lịch đoi gồm 1 phiên bản lớn làm bằng chất liệu gỗ để người xem dễ nhận biết và 1 bộ lịch tre nhỏ. Hai bộ lịch đoi của Bảo tàng đã được đưa đi trưng bày ở Hà Nội và một số nơi khác. Được biết, khi biết về nguồn gốc và ý nghĩa của lịch đoi, nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia và người dân đánh giá cao về giá trị của bộ lịch đoi của người Mường Hòa Bình. Hy vọng rằng, trong tương lai không xa, với giá trị và sức sống riêng có của mình, lịch đoi của người Mường sẽ trở thành di sản văn hóa của nhân loại.

 

 

 

                                                                                 Hương Lan

 

 

 

Các tin khác

Giây phút nghỉ ngơi trong hành trình khám phá các cung đường của nhóm “phượt” thành phố Hoà Bình.
Được sự uỷ quyền của UBND tỉnh, lãnh đạo Sở VH,TT&DL đã trao bằng công nhận Đình Cổi là di tích lịch sử văn hoá cho xã Bình Chân (Lạc Sơn).
Thầy mo làm lễ mời thành hoàng làng dự hội.
Ông Vì Văn Nhứt, bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu) hướng dẫn thế hệ trẻ múa xòe sao cho đẹp mà vẫn giữ được nét đẹp truyền thống.

Ngày xuân đi lễ chùa

(HBĐT) - Đi lễ đầu năm từ lâu đã trở thành nét văn hoá truyền thống của người Việt Nam, nhiều người đến chùa những ngày đầu xuân với mong muốn gửi gắm tấm lòng thành kính đến ông bà, tổ tiên và mong ước một năm mới dồi dào sức khoẻ, gặp nhiều may mắn. Và cũng không ít người đi lễ chùa đầu năm là để được du ngoạn thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh chốn linh thiêng trong tiết xuân, tìm kiếm giây phút thư thái trong tâm hồn.

Gắn phát triển kinh tế với xây dựng làng văn hóa

(HBĐT) - Đánh giá về phong trào xây dựng làng, KDC văn hoá trong 5 năm qua, đồng chí Hoàng Đức Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn khẳng định: Phong trào đã có những tác động tích cực, góp phần cải thiện đời sống kinh tế, làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 5,8%, hộ khá, giàu chiếm 93%, số hộ có nhà bền vững đạt trên 94%. Phong trào đã phát huy ý thức chủ động, tích cực của người dân tham gia hưởng ứng, thực hiện các CVĐ, phong trào do Trung ương, tỉnh, huyện phát động. Hàng năm, tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hoá liên tục tăng, năm 2008 là 75,6%, đến năm 2013 phấn đấu đạt 81%, tỷ lệ KDC, làng đạt văn hoá cũng tăng theo từng năm, năm 2013 ước có 142 làng, khu dân cư đạt văn hoá, chiếm tỷ lệ trên 75%.

Tưng bừng lễ hội đầu xuân

(HBĐT) - Đền Bờ thuộc 2 xã Thung Nai (Cao Phong) và Vầy Nưa (Đà Bắc) đã chính thức mở lễ từ chiều ngày 31/1 (mùng 1 Tết) và thường kéo dài hết tháng 3 âm lịch. Phần hành lễ đã được tiến hành trang nghiêm tại 2 đền.

Lễ hội Đình Xàm, Yên Thuỷ

(HBĐT) - Ngày 5/2 (tức ngày mồng 6 tháng Giêng, năm Giáp Ngọ), UBND xã Phú Lai, huyện Yên Thủy đã tổ chức Khai hội Đình Xàm năm 2014.

Quần ngựa

(HBĐT) - Dễ đến gần năm nay không thấy Thạch Sanh xuất hiện. Hôm nay tự dưng lại đến nhà Lý Thông. Sau một hồi vồ vập hỏi han “thế à, vậy hả...” anh em lôi hũ rượu cao ngựa bạch ngâm từ hồi nảo, hồi nào ra để hàn huyên.

Khai hội Chùa Tiên

(HBĐT) - Ngày 3/2 (mùng 4 Tết), huyện Lạc Thủy đã tổ chức lễ khai hội Chùa Tiên xã Phú Lão năm 2014. Tới dự có đồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, huyện Lạc Thủy, xã Phú Lão và đông đảo du khách thập phương. Về phía Giáo Hội Phật giáo có đại đức Thích Đức Nguyên, UV Hội đồng trị sự T.Ư Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Hòa Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục