Đông đảo du khách thập phương đến thăm quan khu di tích Nhà máy in tiền tại xã Cố Nghĩa (Lạc Thủy).

Đông đảo du khách thập phương đến thăm quan khu di tích Nhà máy in tiền tại xã Cố Nghĩa (Lạc Thủy).

(HBĐT) - Những ngày đầu xuân, huyện Lạc Thủy phấn khởi đón nhận kỷ lục Việt Nam được trao cho di tích Nhà máy in tiền đầu tiên tại xã Cố Nghĩa. Nơi đây, những “tờ bạc tài chính Cụ Hồ” đầu tiên mang sứ mệnh lịch sử lớn lao đã ra đời và cũng là địa điểm được hai lần Bác Hồ về thăm.

 

Dấu ấn di tích đạt kỷ lục Việt Nam

 

Di tích Nhà máy in tiền hiện nay nửa đầu thế kỷ trước là khu đồn điền Chi Nê thuộc sở hữu của dòng họ Bô-ren người Pháp. Năm 1943, gia đình nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện mua lại với giá 2.000 lượng vàng. Thời kỳ đầu độc lập, ngân khố quốc gia gần như trống rỗng, Chính phủ quyết định thành lập cơ quan ấn loát (nhà máy in bạc) để phát hành tờ bạc Việt Nam độc lập. Trong bối cảnh việc in tiền trở nên gấp rút nhưng chưa biết thực hiện ở đâu, như thế nào, ông Đỗ Đình Thiện đã mua lại nhà in tô-panh  của Pháp ở Hà Nội và hiến tặng cho cách mạng. Năm 1946, cơ sở in này bị lộ, Chính phủ quyết định chuyển toàn bộ máy móc lên đồn điền Chi Nê. Tại đây, ông Đỗ Đình Thiện đã dành vị trí phù hợp, cho mượn nhà xưởng, máy điện, nhà kho để lắp đặt Nhà máy in tiền.

 

Để đảm bảo bí mật, công nhân Nhà máy phải làm việc từ 4 giờ chiều đến 3 giờ sáng hôm sau. Khi đó, Nhà máy còn thô sơ, việc in tiền khó khăn, phải qua nhiều công đoạn: in lần lượt từng màu, số sê-ri, sau đó mới cắt. Mệnh giá lớn in ốp-xét, mệnh giá nhỏ in bằng máy sốp, ti pô. Tiền in xong được đóng hòm cho lên xe bò chuyển lên cất giữ vào “kho bạc” tại gia đình ông Bùi Văn Xin ở xóm Đồng Thung rồi mới cấp phát đi khắp nơi. Đồng tiền ra đời có ý nghĩa lịch sử lớn lao, khắc phục tình trạng trống rỗng ngân khố, vực dậy nền tài chính non yếu, kiệt quệ, lệ thuộc. Trên mặt trận kinh tế, đồng tiền trở thành lợi thế đấu tranh tiền tệ, dần loại bỏ đồng tiền Đông Dương của Pháp ra khỏi nước ta. Nơi đây đã hai lần được Bác Hồ về thăm. Tối 19/2/1947, Bác đã nghỉ lại tại đồn điền Chi Nê của gia đình ông Đỗ Đình Thiện. Đến thăm cán bộ, công nhân Nhà máy in tiền, Bác dặn: “Đây là Nhà máy in tiền của ta, các chú cần giữ gìn cẩn thận, phải thi đua nhau làm việc để in được nhiều tiền cho cả nước tiêu dùng và công cuộc kháng chiến cứu quốc. Sau đó, Bác đi thăm một số gia đình người Mường ở xóm Đồng Thung. Tháng 4/1947, khu vực đồn điền Chi Nê bị máy bay ném bom, tàn phá nghiêm trọng và phải chuyển lên căn cứ Việt Bắc.

 

Như vậy, Nhà máy in tiền in tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà đặt tại đồn điền Chi Nê chính là nơi lưu giữ những dấu ấn lịch sử của nền tài chính quốc gia. Nơi đây không chỉ là chứng tích về gia đình nhà tư sản yêu nước mà còn là một địa phương giàu truyền thống cách mạng.

 

Phát huy giá trị của di tích 

 

Những năm qua, huyện Lạc Thuỷ đã có nhiều biện pháp chỉ đạo, phối hợp trong việc trùng tu, tôn tạo, bảo vệ di tích. Năm 2007, Bộ VH-TT&DL công nhận Nhà máy in tiền là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Năm 2009, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu di tích với diện tích 15,64 ha, tổng mức đầu tư giai đoạn I là 58 tỉ đồng. Năm 2010, di tích được khởi công và hiện đã hoàn thành các hạng mục: tu bổ, phục hồi di tích I khu tưởng niệm Bác Hồ và những năm đầu ngành Tài chính; di tích II xưởng in bạc và phụ trợ khu xưởng in, nhà quản lý đón tiếp khách thăm quan, hội trường chiếu phim tư liệu lịch sử, đường vào kho bạc xóm Đồng Thung Huyện cũng đã tích cực phối hợp với các cơ quan T.ư, địa phương để xác lập kỷ lục cho di tích. Đến ngày 14/2, Hội Kỷ lục Việt Nam đã chính thức trao Kỷ lục Nhà máy in tiền đầu tiên. Huyện đã thành lập BQL các khu di tích để việc quản lý đạt hiệu quả và đi vào nền nếp theo đúng quy định. BQL đã thiết kế sơ đồ, biển chỉ dẫn nội quy thăm quan. Thường xuyên tổ chức vệ sinh, chăm sóc cây xanh, vườn cây Bác Hồ đảm bảo môi trường luôn xanh, sạch, đẹp. Xây dựng kế hoạch tổ chức cho các đoàn trong, ngoài tỉnh dâng hương báo công với Bác. Khu di tích chia thành 3 điểm: ngôi nhà trung tâm đồn điền Chi Nê xưa; xưởng in bạc; kho để tiền với trên 200 hiện vật. Di tích đã phục dựng hình tượng công nhân của xưởng in đang làm việc và tái hiện việc in tiền những năm 1946-1947. Từ sau khi công bố kỷ lục, số lượng khách đến thăm quan khu di tích đông hơn.

 

Chủ tịch UBND huyện Phạm Quang Vinh khẳng định: Khu di tích có ý nghĩa lớn, là nơi tái hiện, gìn giữ, phát huy các giá trị lịch sử cũng như nét văn hoá truyền thống của nhân dân các dân tộc Lạc Thuỷ, đáp ứng nhu cầu thăm quan du lịch, tìm hiểu của của nhân dân. Nơi đây còn giúp các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ mãi hướng về Đảng, Bác Hồ. Công trình là cầu nối với các điểm du lịch như chùa Tiên, hồ Đồng Tâm, tạo thế liên kết phát triển toàn diện các sản phẩm du lịch, là động lực hiện thực hoá chỉ tiêu cơ cấu ngành dịch vụ chiếm 39,8% đến năm 2015. Đến năm 2013, huyện đã đón 600.000 lượt khách, phấn đấu, đến năm 2020 đạt 1 triệu khách về thăm quan, nghỉ dưỡng. Huyện cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến nghiên cứu, đầu tư phát triển du lịch. Trong giai đoạn II xây dựng khu di tích, UBND huyện đang trình UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư với tổng kinh phí khoảng 215 tỉ đồng. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, xã Cố Nghĩa tiếp tục huy động nguồn lực địa phương vào phát triển du lịch. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, từ đó tạo sự đồng thuận, ủng hộ từ nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị tại khu di tích.

 

 

 

                                                                                    Cẩm Lệ

 

 

Các tin khác

Lễ hội Đình Cổi ở xã Bình Chân (Lạc Sơn) đã tạo được sức hút hấp dẫn đối với đồng bào các dân tộc nơi đây. Hàng năm, lễ hội có nhiều hoạt động VH-TT giàu bản sắc văn hoá dân tộc.
Hội chùa Tiên, xã Phú Lão (Lạc Thủy) kéo dài từ sau Tết Nguyên đán đến hết tháng 3 âm lịch – điểm du lịch tâm linh hàng năm thu hút hàng trăm nghìn lượt khách.
Không có hình ảnh
Hàng năm, huyện Mai Châu tổ chức nhiều đợt giao lưu văn nghệ, hội diễn nghệ thuật quần chúng thu hút được đông đảo người dân tham gia.

Trên 1.300 buổi chiếu phim phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa

(HBĐT) - Theo Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh năm 2013, đơn vị đã tổ chức 1.450 buổi chiếu phim phục vụ nhân dân trên địa bàn. Trong đó có 1.350 buổi chiếu phục vụ nhân dân vùng sâu, xa ở 105 xã với hơn 400 thôn, bản, hoàn thành kế hoạch đề ra.

Thầy bói "đắt khách" những ngày đầu năm

(HBĐT) - Như một thông lệ, cứ đầu xuân mọi người lại đua nhau đi xem bói. Có người đơn giản chỉ để giải trí, với những người mê tín hơn cho rằng, xem để biết vận hạn, mong năm mới được suôn sẻ... Cũng chính từ nhu cầu tăng cao đó đã hình thành nên "nghề bói" với nhiều biến tướng khó lường.

Đón bằng di tích cấp quốc gia hang động núi Niệm

(HBĐT) - Ngày 23/2, huyện Lạc Thủy đã tổ chức lễ đón nhận bằng di tích cấp quốc gia hang động núi Niệm.

Đầu năm vui hội Chùa Hang

(HBĐT) - Đến hẹn lại lên, cứ đến ngày rằm tháng Giêng, con em trong vùng và du khách thập phương lại cùng nhau về với hội chùa Hang (xã Yên Trị - Yên Thuỷ). Lễ hội được tổ chức từ ngày 13 – 15 tháng Giêng, chính hội vào ngày Tết Nguyên tiêu. Những ngày này, xã đã đón hàng nghìn du khách đến tham quan, thắp nén hương thành kính lên cầu đức Phật ban lộc, tiếp tài và cùng tham gia các cuộc giao lưu văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian vui nhộn.

Tôn vinh giá trị lễ hội đền Rem

(HBĐT) - Có mặt tại đền Rem, khu 5, thị trấn Chi Nê (Lạc Thuỷ) từ rất sớm, hàng vạn từ người già đến trẻ trên khuôn mặt đều rạng rỡ nụ cười. Sự kiện đền Rem được công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh được người dân nơi đây mong đợi từ lâu.

Du xuân đền Bờ

(HBĐT) - Là điểm du lịch tâm linh có tiếng trên địa bàn tỉnh, những ngày đầu năm, đền Bờ đã thu hút hàng vạn lượt du khách thập phương đến thăm quan, hành hương lễ bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục