Lần đầu tiên môn thể dục (tên gọi mới là giáo dục thể chất) có sách giáo khoa dành cho học sinh khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Điều này phải chăng nhằm để nâng cao chất lượng môn học?


Chương trình giáo dục phổ thông mới môn giáo dục thể chất sẽ có sách giáo khoa cho học sinh

Môn học nào cũng phải... có SGK ?

Sau khi Báo Thanh Niên đăng thông tin về kết quả sau 2 vòng thẩm định sách giáo khoa (SGK) lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có SGK giáo dục thể chất, một số chuyên gia giáo dục và cả phụ huynh đã đặt câu hỏi sao lại có SGK giáo dục thể chất?

Một chuyên gia giấu tên bày tỏ: "Không hiểu sao môn giáo dục thể chất lại tổ chức thành SGK, chuyện chưa từng có nên tôi rất lăn tăn”. Theo chuyên gia này, các môn như thể dục hay hoạt động trải nghiệm chỉ nên thiết kế là tài liệu hướng dẫn dạy học, dành cho giáo viên (GV) để tổ chức việc dạy học cho học sinh (HS). "Các môn này mà cũng có sách sẽ tăng chi phí cho gia đình và xã hội không cần thiết. Môn học này là hoạt động trải nghiệm, nhất là các cháu lớp 1 mới có 6 - 7 tuổi thì sao cần có SGK?”, chuyên gia này đặt vấn đề.

Trao đổi với PV Thanh Niên, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, khẳng định: "Khi thiết kế chương trình, chúng tôi có hình dung có sách cho cả HS thay vì chỉ có sách cho GV như chương trình hiện hành. Bởi vì HS phải có sách để học như hướng dẫn các động tác, có thể tự học… Chưa kể HS có quyền lựa chọn những bộ môn thể dục thể thao ưa thích nên trong SGK sẽ giới thiệu nhiều bộ môn thể dục. Chương trình thiết kế là có, nhưng các nhà xuất bản viết sách cho các môn này hay không là quyền của họ”.

Ông Đặng Ngọc Quang, Chủ biên chương trình môn giáo dục thể chất, cũng cho rằng việc có SGK môn thể dục là điều đương nhiên khi đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, lấy HS là trung tâm. Theo đó, chương trình môn học là chương trình khung nên không thể chi tiết tới nội dung chi tiết, do vậy tất cả các môn phải có SGK để cụ thể hóa chương trình đó và làm tài liệu học tập cho HS. Giáo dục thể chất lâu nay đã đưa vào môn học chính khóa, bắt buộc, nhưng chưa được coi trọng đúng mức, chỉ có sách GV. Lần đổi mới này đã xác định lại tầm quan trọng của môn học nên buộc HS phải có tài liệu để nghiên cứu. "Tôi cho là hoàn toàn đúng. Không thể nói là môn này có, môn kia không có sách. Đây là môn học chính khóa cho toàn bộ cấp học thì không thể không có SGK. Trước đây không có sách là vì cách làm không đúng. Không thể để môn thể dục bất hợp lý như chương trình hiện hành và trước đây khi HS đến lớp không có tài liệu học tập trong tay, phụ huynh cũng không biết con mình học gì”, ông Quang nói.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, cho rằng chương trình mới sẽ buộc phải có SGK theo đúng quy định và bình đẳng với các môn học khác. Còn việc HS phụ huynh có mua SGK thể dục hay không sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của người học.

Có cải thiện được chất lượng của môn học ?

Bản thân ông Quang cũng tham gia viết SGK giáo dục thể chất, ông cho biết sách sẽ cụ thể hóa chương trình, có phần lý thuyết và phần thực hành với rất nhiều hình ảnh để HS làm theo...

Một GV dạy thể dục ở Hà Nội cho biết trước nay việc dạy học thể dục chỉ có tài liệu hướng dẫn GV chứ không có SGK, nhưng cái làm cho HS chán và sợ học thể dục là do điều kiện dạy học. Để dạy, học tốt môn thể dục không phải có sách hay không mà là phải có sân chơi bãi tập, dành thời gian, tạo điều kiện cho HS lựa chọn các bộ môn thể dục thể thao phù hợp với sở thích và sức khỏe của mình.

Đây cũng là ý kiến của nhiều GV và HS khi cho rằng các trường chưa coi trọng cả cơ sở vật chất lẫn thời gian dành cho môn học này.

Trong khi đó ông Đặng Ngọc Quang cho rằng thiết kế chương trình mới theo hướng có nhiều lựa chọn cho nhà trường và HS. Các trường căn cứ vào điều kiện sân tập, dụng cụ, trang thiết bị dạy học, vào đội ngũ GV, vào đặc điểm khí hậu và đặc thù phong trào thể thao theo vùng miền để lựa chọn các môn phù hợp đưa vào chương trình giảng dạy. Trên cơ sở các môn thể thao nhà trường lựa chọn, HS được lựa chọn môn thể thao phù hợp với năng khiếu, sở thích của bản thân để học tập.


Theo Báo Thanh Niên

Các tin khác


Xã Trung Hòa: Mong muốn đầu tư xây dựng Trung tâm Học tập cộng đồng

(HBĐT) - Là xã thuần nông thuộc vùng đặc biệt khó khăn nên người dân xã Trung Hòa (Tân Lạc) vẫn còn nhiều hạn chế trong việc tiếp cận và ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Những năm qua, với những hoạt động thiết thực của Trung tâm Học tập cộng đồng (TTHTCĐ) đã trang bị cho bà con nhiều kiến thức bổ ích trong trồng trọt và chăn nuôi.

Tiêu chí giáo dục - nền tảng vững chắc trong xây dựng nông thôn mới

(HBĐT) - Xác định giáo dục là một trong những tiêu chí then chốt trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), những năm qua, tỉnh đã tập trung đồng bộ nhiều giải pháp để có bước phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục.

Khơi dậy và lan tỏa văn hóa đọc ở xã khó khăn Lạc Sỹ

(HBĐT) - Trong thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin, sách, báo, tạp chí dần bị thay thế bởi những phiên bản tiện lợi hơn đó là đọc báo trên internet. Thế nhưng ở xã Lạc Sỹ - một trong những xã khó khăn bậc nhất của huyện Yên Thủy, người dân vẫn luôn duy trì thói quen đọc sách tại Trung tâm Học tập cộng đồng. Tuy đời sống còn ở mức thấp, giao thông đi lại khó khăn nhưng thể thao, văn nghệ và đọc sách đã trở thành những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của người dân.

Viettel Hòa Bình trao học bổng “Vì em hiếu học” cho 30 học sinh huyện Kim Bôi

(HBĐT) - Sáng 3/10, Viettel Hòa Bình phối hợp với Sở GD&ĐT, Hội khuyến học tỉnh, UBND huyện Kim Bôi tổ chức Lễ trao học bổng "Vì em hiếu học” lần thứ 6, năm học 2019 – 2020 cho 30 học sinh nghèo hiếu học của 3 xã Đông Bắc, Hợp Kim, Kim Tiến (Kim Bôi). Tới dự có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở: TT&TT, GD&ĐT, Hội Khuyến học tỉnh, UBND huyện Kim Bôi.

Tri ân, tuyên dương 147 tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác khuyến học

(HBĐT) - Ngày 2/10, Ban chỉ đạo Xây dựng xã hội học tập và phổ cập giáo dục (XHHT&PCGD) huyện Yên Thủy đã tổ chức Lễ tri ân, tuyên dương, khen thưởng nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời.

Tôn vinh lòng hiếu học

(HBĐT) - Tháng 9/2008, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1271/QĐ-TTg lấy ngày 2/10 hàng năm là "Ngày Khuyến học Việt Nam” với mục đích động viên các tầng lớp nhân dân, tổ chức xã hội tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; tôn vinh những gương sáng hiếu học, tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác khuyến học, khuyến tài. Trên địa bàn tỉnh ta, hơn 10 năm qua, các phong trào thi đua hưởng ứng Ngày Khuyến học Việt Nam đã diễn ra sôi nổi, rộng khắp, góp phần thúc đẩy tinh thần hiếu học, nâng cao dân trí cho người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục