Các bệnh nhân ngộ độc nấm điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực 1 (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).
Vụ việc đáng tiếc
Ngày 17/2 xảy ra vụ ngộ độc do ăn phải nấm rừng trên địa bàn xóm Hịch 1, xã Mai Hịch. 6 người trong cùng gia đình và anh em họ hàng phải nhập viện điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Mai Châu. Hai người điều trị không tiến triển được chuyển tuyến lên Khoa Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), 1 người tử vong vào hồi 4 giờ ngày 22/2, nguyên nhân tử vong do ngộ độc nấm, biến chứng suy đa tạng; 1 người trong tình trạng nguy kịch. Bốn người được chuyển tuyến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh.
Tại Khoa Hồi sức tích cực 1 (BVĐK tỉnh), 3/4 bệnh nhân đã có thể ngồi dậy trò chuyện. Anh Vì Văn Duy, 44 tuổi, chủ hộ xảy ra vụ việc kể lại: Sáng 17/2, gia đình tôi mượn anh em họ hàng tới giúp làm nhà. Sáng cùng ngày, em họ tôi lên rừng hái khoảng 200 g nấm về nấu canh với lá lốt. Bữa ăn có thêm các món ăn khác và uống rượu. Khoảng 23 giờ sau ăn, lần lượt 6 người xuất hiện triệu chứng khó thở, tê tay, chướng bụng, buồn nôn, nôn, đi ngoài phân lỏng nhiều lần. Chúng tôi được đưa đi cấp cứu, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện. Sau đó, 4 người được chuyển tuyến lên BVĐK tỉnh điều trị. Đến đây, gia đình được các bác sỹ tận tình chăm sóc, đến nay sức khỏe cơ bản ổn định.
TS, BS Hoàng Công Tình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực 1 cho biết: Khi tiếp nhận, các bệnh nhân đều có triệu chứng đau bụng, nôn, tiêu chảy, đau đầu, mệt mỏi, cơ thể mất nước và mất điện giải. Các bác sỹ nhanh chóng hội chẩn để đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất cho người bệnh. Hiện tại, sức khoẻ các bệnh nhân đã ổn định hơn, các xét nghiệm đánh giá chức năng gan, thận, đông máu và các xét nghiệm cận lâm sàng khác vẫn trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, đây vẫn trong giai đoạn tiến triển của bệnh, người bệnh có thể thay đổi bất ngờ theo chiều hướng xấu đi, đặc biệt là tình trạng suy đa tạng. Chúng tôi tiếp tục điều trị, chăm sóc, theo dõi tích cực và hội chẩn các chuyên gia tuyến T.Ư. Trường hợp cần thiết sẽ hội chẩn để chuyển bệnh nhân về tuyến T.Ư điều trị.
Báo động ngộ độc thực phẩm có yếu tố tự nhiên
Cũng theo bác sỹ Hoàng Công Tình, nấm độc trong trường hợp ở xã Mai Hịch có tên khoa học là Amanita, chứa độc tố Amatoxin. Chất độc Amatoxin rất nguy hiểm vì gây tổn thương tế bào cơ thể, đặc biệt là tế bào gan, thận dẫn đến tình trạng suy đa tạng. Nấm độc thường mọc tự nhiên trên rừng thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc vào mùa xuân và mùa hè. Rất khó phân biệt giữa nấm độc và nấm thường về màu sắc, mùi vị. Người dân không nên sử dụng nấm mọc tự nhiên làm thức ăn. Khi không may ngộ độc nấm cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Bác sỹ Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh cho biết: Ngày 20/2, ngay sau khi nắm được vụ việc, Chi cục đã tiến hành điều tra vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) này. Trước đó, để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên (ĐTTN), đặc biệt là do nấm độc và các loại hoa quả rừng, Cục ATTP (Bộ Y tế) đã có Công văn số 278, ngày 15/2/2023 đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, Ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh phối hợp ngành NN&PTNT, các đơn vị chức năng trên địa bàn tăng cường giám sát, triển khai các giải pháp kiểm soát ATTP trong sử dụng, tiêu dùng sản phẩm nông sản, sử dụng các loại nấm, cây, củ quả rừng tự nhiên làm thực phẩm. Ngày 21/2, Sở Y tế ban hành Công văn số 380 về tăng cường công tác phòng, chống ngộ độc do ĐTTN; Chi cục ATVSTP ban hành Công văn số 42 về việc tuyên truyền phòng, chống NĐTP do ĐTTN, NĐTP do nấm độc.
Từ vụ NĐTP nghi ngờ do ĐTTN trên địa bàn huyện Mai Châu (nghi ngờ do nấm độc), Sở Y tế, Chi cục ATVSTP đề nghị UBND, Ban Chỉ đạo ATTP các huyện, thành phố chỉ đạo các ngành, đơn vị chức năng tăng cường giám sát, triển khai các giải pháp kiểm soát ATTP trong sử dụng, tiêu dùng nông sản, sử dụng các loại nấm, cây, củ, quả rừng tự nhiên làm thực phẩm, đặc biệt đối với các đối tượng nguy cơ cao (dễ xảy ra ngộ độc). Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục kiến thức ATTP và biện pháp phòng, chống NĐTP do ĐTTN cho cộng đồng. Cụ thể, khuyến cáo người dân không sử dụng các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây, củ, quả rừng lạ...; chú ý hướng dẫn biện pháp chế biến bảo đảm an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương; tập trung vào đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuyên truyền bằng cả tiếng Kinh và tiếng dân tộc. NĐTP có ĐTTN có thể gây tử vong nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì vậy, khi có các biểu hiện ngộ độc sau khi ăn uống thực phẩm nghi có ĐTTN, cần nhanh chóng đưa người bị ngộ độc tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, xử trí kịp thời.
Các chuyên gia y tế cũng lưu ý người dân không ăn các loại rau, củ, quả rừng lạ, chưa biết rõ nguồn gốc. Khi chế biến thực phẩm, người dân cần tuân thủ những nguyên tắc sau: Với các loại nấm, chỉ sử dụng khi biết chắc chắn nấm ăn được; tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại. Không được ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ.
Hương Lan