(HBĐT) - Vì quá bức xúc trước việc xả thải khói bụi gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT), vào khoảng 8 h ngày 26/10 cho đến sáng ngày 27/10/2016 đã có khoảng trên 200 người dân xóm Quán Trắng, Ao Kềnh, xã Thành Lập (Lương Sơn) tập trung trước cổng nhà máy xi măng Vĩnh Sơn (đóng trên địa bàn xã Thành Lập) để phản đối, yêu cầu nhà máy dừng ngay lập tức việc xả thải khói bụi gây ÔNMT ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân...

 

Bất đắc dĩ mới đến nhà máy để phản đối

 

Theo quan sát, trong suốt thời gian từ 8 h sáng ngày 26/10 đến hơn 12 h ngày 27/10/2016 đã có hàng trăm người dân xóm các xóm Quán Trắng, Ao Kềnh, xã Thành Lập và một số địa phương lân cận của huyện Chương Mỹ (Hà Nội) tập trung trước cổng nhà máy xi măng Vĩnh Sơn để phản đối việc xả thải của nhà máy gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương. ông Nguyễn Xuân Đường, Trưởng thôn Ao Kềnh bức xúc: Việc người dân tập trung trước cửa nhà máy chúng tôi vẫn biết là không đúng, chẳng ai muốn làm như vậy. Nhưng không còn cách nào khác, bất đắc dĩ chúng tôi mới phải làm như vậy để phản đối việc xả thải gây ôNMT, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

 

Trao đổi xung quanh vấn đề này, ông Phùng Văn Dương, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH xi măng Vĩnh Sơn thừa nhận việc xả thải gây ÔNMT làm ảnh hưởng đến đời sống người dân là có thật. Theo ông Dương, nguyên nhân của sự việc này là vào ngày 25/10/2016, Nhà máy xi măng của Công ty đặt tại xã Thành Lập đang hoạt động bình thường đến 14h15’, do gặp sự cố nên toàn bộ hệ thống thiết bị sản xuất của Nhà máy bị dừng đột ngột. Sau khi khắc phục sự cố, nhà máy hoạt động trở lại. Tuy nhiên, hệ thống lọc bụi tĩnh điện của nhà máy chưa thể hoạt động ngay được nên đã dẫn đến hiện tượng có khói bụi theo ống khói phát tán ra môi trường nên đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các hộ dân sống ở xung quanh.

 

 

Trước hàng trăm người dân và cấp ủy, chính quyền địa phương, ông Đỗ Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH xi măng Vĩnh Sơn cam kết sẽ thực hiện tốt công tác đảm bảo môi trường, không xả thải khói bụi.

 

Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Kim Thoa, một người dân ở xóm Ao Kềnh, việc xả thải gây ôNMT của Nhà máy xi măng Vĩnh Sơn đã diễn ra trong một thời gian dài. Theo đó, năm 2013, trước tình trạng xả thải khói bụi gây ô nhiễm môi trường người dân xóm Ao Kềnh đã nhiều lần kiến nghị với nhà máy cần có biện pháp để xử lý, chấm dứt tình trạng xả thải khói bụi. Theo đó, trong buổi làm việc với nhân dân địa phương vào ngày 1/12/2013, đại diện nhà máy cũng đã thừa nhận việc xả thải gây ô nhiễm của nhà máy là đúng, nó đã gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Khi đó, đại diện phía nhà máy cũng đã cam kết sẽ không để xảy ra tình trạng xả thải khói bụi gây ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân. Đồng thời sẽ  kiến nghị với Ban lãnh đạo Công ty phải xử lý, làm tốt công tác bảo vệ môi trường sống cho người dân các địa bàn khu vực xung quanh nhà máy. Tuy vậy, suốt từ đó đến nay, việc xả thải khói bụi gây ôNMT của nhà máy vẫn liên tục diễn ra đã trực tiếp gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, sinh hoạt, sản xuất đời sống người dân. Trong đó, tình trạng mắc các bệnh về hô hấp diễn ra khá phổ biến. Hiện nay ở địa phương có những cháu 2 tháng tuổi đang phải nằm ở bệnh viện để điều trị về bệnh phổi. Thống kê sơ bộ, tính từ năm 2013 đến nay, trong số 10 người ở xóm chết thì có 8 người chết vì bị bệnh ung thư phổi. Đời sống bị ảnh hưởng như vậy nên chúng tôi không thể im lặng mãi được. Chúng tôi cùng nhau lên đây để phản đối và yêu cầu phía nhà máy phải làm như thế nào để không xả khói bụi nữa. Tuy vậy, điều đáng nói là lúc 10 h sáng ngày 26/10, khi thấy người dân tụ tập trước cổng nhà máy để phản đối thì đại diện phía nhà máy đã trực tiếp đứng ra cam kết sẽ không xả  khói bụi nhưng đến đêm ngày 26, rạng sáng ngày 27/10 thì công ty lại tiếp tục xả thải. Khói bụi đã phủ trắng toàn bộ rau màu, cây cối ở khu vực dân cư lân cận. Đáng chú ý, có nhiều hộ gia đình quét sân vào buổi sáng cũng gom được cả một lượng lớn bụi như gia đình ông Nguyễn Hưng Nguyên ở xóm Ao Kềnh, chỉ sau một đêm nhà máy xả thải, đến sáng ngày 27/10, khi quét ở  khoảng sân 35 m2 đã gom được... 1, 6 kg bụi xi măng.

 

Không chỉ những hộ dân khu vực lân cận bị ảnh hưởng mà các hộ dân ở cách xa khu vực Nhà máy xi măng Vĩnh Sơn cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Chị Đinh Thị Hằng ở thôn Phú Mỹ, xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) bức xúc: Gia đình tôi ở cách nhà máy hơn 4 km nhưng vẫn bị ảnh hưởng. Toàn bộ diện tích chè của gia đình thường xuyên bị bụi từ nhà máy xả thải phủ trắng. Trước đây, chè hái đến đâu người ta đến mua hết đến đó. Nhưng kể từ khi Nhà máy xi măng Vĩnh Sơn đi vào hoạt động, khói bụi từ nhà máy gây ảnh hưởng toàn bộ hoạt động sản xuất chè của gia đình tôi và các hộ gia đình ở khu vực lân cận đều không thể tiêu thụ được. Do đó, đời sống của chúng tôi cũng đã gặp rất nhiều khó khăn.

 

Không xử lý được vấn đề xả thải: Công ty sẽ dừng hoạt động

 

Đó là cam kết của ông Đỗ Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH xi măng Vĩnh Sơn trong cuộc đối thoại với nhân dân, trước sự chứng kiến của dại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo UBND huyện, các cơ quan thông tấn báo chí và gần 200 người dân địa phương.

 

Theo bản cam kết của Công ty với nhân dân các xóm Ao Kềnh, Quán Trắng được ký vào ngày 27/10/2016: kể từ ngày 1/12/2016, Công ty đảm bảo khắc phục hết những tồn tại, không còn để khói bụi gây ô nhiễm môi trường. Nếu còn để khói bụi ra môi trường gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Nếu còn xả thải thì Công ty phải đền bù mỗi lần xả thải 100 triệu đồng và phải lập tức dừng sản xuất; Công ty phải phối hợp với các các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát ảnh hưởng do khói bụi đến đời sống nhân dể có biện pháp hỗ trợ trong thời gian từ khi nhà máy hoạt động cho đến ngày 27/10/2016...

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Đường, Trưởng thôn Ao Kềnh chia sẻ: Chúng tôi luôn ủng hộ nhà máy nhưng chúng tôi cũng mong rằng, trong quá trình hoạt động, nhà máy cũng phải quan tâm đến đời sống người dân, trước hết là phải đảm bảo về môi trường sống cho người dân chứ còn cứ xả thải khói bụi gây ôNMT như vậy cũng không có ai chịu nổi. Còn việc đại diện cao nhất của Nhà máy đã cam kết như vậy thì chúng tôi cũng mong họ sẽ thực hiện theo đúng những gì đã cam kết.

 

                                                                  Mạnh Hùng

 

Các tin khác


Đảo chìm Đá Lát vững vàng nơi đầu sóng

(HBĐT) - Đá Lát là đảo chìm đầu tiên trong hải trình thăm, tặng quà Tết cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa đón Tết Bính Thân 2016 của đoàn cán bộ Vùng 4 Hải quân và các phóng viên báo chí. Vì điều kiện trên đảo và việc di chuyển từ tàu 561 đến đảo có nhiều khó khăn nên đại tá, đoàn trưởng đoàn công tác Bùi Đình Dương thông báo danh sách một nửa số nhà báo trong đoàn công tác được xuống đảo. Tôi là phóng viên may mắn có trong danh sách.

“Đón”... rác ở Thung Nai

(HBĐT) - Không chỉ cỏ rác mà còn có nhiều, rất nhiều rác thải là vỏ chai, lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) độc hại theo dòng suối Tráng dồn về xã Thung Nai (Cao Phong).

Lợi dụng tình thân để chiếm đoạt đất đai - chuyện không chỉ ở làng!

(HBĐT) - Thời gian gần đây, Báo Hòa Bình nhận được khá nhiều đơn - thư phản ánh, “kêu cứu” vì bị anh, em, chú, bác, bạn… lợi dụng lòng tin để chiếm đoạt quyền sử dụng đất . Có vụ - việc đã được đưa ra tòa để giải quyết, có vụ đang trông chờ vào sự hòa giải của chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở với hy vọng “mưa dầm thấm đất”, người chiếm đoạt sẽ tự nguyện trao trả… Xin nêu một vài vụ - việc để thấy rằng đó là vấn đề đáng lưu tâm.

Người dân xóm Sổ mong mỏi công trình nước sạch

(HBĐT) - Cách UBND xã Hữu Lợi (Yên Thuỷ) 2 km, thế nhưng mãi đến năm 2009 xóm Sổ mới có điện. Thoát được gánh nặng về “ánh sáng” thì giờ đây, cuộc sống của 48 hộ dân với 196 nhân khẩu xóm Sổ (1 trong 36 xóm đặc biệt khó khăn của tỉnh) lại đối mặt với khó khăn do sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.

Người dân thị trấn Đà Bắc mong mỏi được dùng nước sạch

(HBĐT) - Hơn 1.300 hộ dân thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) đã từng được sử dụng nước sạch, nhưng đó là câu chuyện của gần 10 năm về trước. Còn suốt bao năm qua và cho đến nay, nguồn nước sinh hoạt, kinh doanh của hàng ngàn hộ dân, các cơ quan... trên địa bàn chỉ biết trông chờ từ nguồn nước giếng tự đào, nơi thì lấy nước tự chảy quanh các khe núi, không đảm bảo vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khoẻ của nhân dân.

Ghi ở xóm nghèo “nhiều không”…

(HBĐT) - Cách trung tâm xã 7 km nhưng bao đời nay, người dân ở xóm Pheo, xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn) vẫn sống trong cảnh leo lét ánh đèn dầu. Không ánh điện, không đường giao thông và “nhiều không” khác nên đời sống của bà con nơi đây còn vô cùng gian khó…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục