(HBĐT) - Cách UBND xã Hữu Lợi (Yên Thuỷ) 2 km, thế nhưng mãi đến năm 2009 xóm Sổ mới có điện. Thoát được gánh nặng về “ánh sáng” thì giờ đây, cuộc sống của 48 hộ dân với 196 nhân khẩu xóm Sổ (1 trong 36 xóm đặc biệt khó khăn của tỉnh) lại đối mặt với khó khăn do sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.

  Gia đình ông Bùi Văn Phong, xóm Sổ, xã Hữu Lợi (Yên Thủy) sử dụng nguồn nước từ giếng tự đào đã 27 năm. Nước bị nhiễm đá vôi, gần ruộng lúa có nguy cơ nhiễm thuốc trừ sâu từ trong đất, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

Nỗi lo từ nguồn nước tự nhiên  

Cụm từ “nước sạch” trở nên quá xa xỉ đối với người dân xóm Sổ. Việc sử dụng trực tiếp nước sông Lạng và giếng tự đào có nhiễm vôi đã diễn ra hàng chục năm nay của người dân nơi đây. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Quách Văn Ngớt, Chủ tịch UBND xã Hữu Lợi cho biết: “Nước sinh hoạt vấn đề nan giải đối với các hộ dân xóm Sổ. Người dân khó có thể tự đào giếng do đất có lẫn than. Nếu giếng đào không đủ sâu thì nước lẫn than sẽ không sử dụng được, mà có muốn đào sâu cũng không có phương tiện kỹ thuật. Vậy nên buộc người dân phải sử dụng trực tiếp nước từ sông Lạng chưa qua xử lý hoặc xử lý thô sơ không đảm bảo vệ sinh. Nước từ giếng tự đào lâu năm có tình trạng nhiễm vôi, gây nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng”.

Cùng cán bộ xã, chúng tôi đến xóm Sổ trên con đường nhỏ hẹp, lầy lội vì trời vừa mưa xong. Trưởng xóm Quách Văn Sin cho biết: “Từ lâu lắm rồi chúng tôi phải sử dụng nguồn nước tự nhiên không đảm bảo vệ sinh, biết là vậy nhưng đâu còn cách nào khác. Mùa khô nước trong nhưng lại bẩn, mùa mưa thì nước đục. Đôi khi tắm chính bản thân tôi cũng dị ứng nổi mẩn đỏ khắp người, nhất là vào mùa khô”.

 

Dẫn chúng tôi đến hộ gia đình ông Bùi Văn Phong sử dụng nguồn nước giếng tự đào đã 27 năm nay, ông Phong giãi bày: “Gia đình tôi tự đào giếng sử dụng từ năm 1989 đến nay. Giếng cạnh ruộng nên cũng lo thuốc trừ sâu phun ngoài đồng sẽ ngấm vào đất, rồi ngấm vào nguồn nước giếng mà cả nhà đang sử dụng nhưng “lực bất tòng tâm”, chúng tôi đành “tặc lưỡi” mà dùng. Nước ở đây là nước đá vôi, nên khi đun lên uống đóng váng trên bề mặt và lắng cặn vôi xuống đáy. Có lúc sử dụng phải trao đi trao lại mấy lượt cho đỡ váng và cặn thì mới uống được. Gia đình tôi xây trụ trữ nước (bể chứa nước hình trụ cao khoảng hơn 2m), rồi bơm nước từ giếng vào trụ cho lắng cặn mới dám sử dụng chứ không qua công nghệ lọc nào cả”.

 

Không có giếng tự đào như nhà ông Phong, gia đình chị Bùi Thị ái cùng xóm phải sắm máy bơm hút nước trực tiếp từ sông Lạng. Không chỉ riêng gia đình chị ái mà hàng chục hộ dân dọc bờ sông Lạng cũng trong tình trạng tương tự. Chị ái chia sẻ: “Do sử dụng nguồn nước không qua xử lý, không đảm bảo vệ sinh dẫn đến việc con tôi thường xuyên bị tiêu chảy, đau mắt. Thấy vậy, đến năm 2014, gia đình tôi phải xây một bể lọc thủ công, chỉ có thể lọc được cặn bẩn chứ không thể lọc được tạp chất lẫn trong nước”.

 

Cùng chung cảnh ngộ với xóm Sổ, gần 20 hộ dân xóm Rộc nằm liền kề dọc bờ sông cũng trong tình trạng tương tự. “Chúng tôi mong lắm một dòng nước sạch để sử dụng. Lo lắng nhất bây giờ là sức khỏe của con trẻ, mong nhận được sự quan tâm của cơ quan chức năng nhanh chóng giải quyết tình trạng này giúp người dân đảm bảo sức khỏe để ổn định cuộc sống”, trưởng xóm Quách Văn Sin gửi gắm.

 

Những sự hỗ trợ chưa tới tầm

 

Theo đồng chí Chủ tịch UBND xã, năm 2014, Dự án khoan giếng cho người dân đã được Tổ chức Tầm nhìn Thế giới triển khai ở 10/48 hộ dân xóm Sổ, nước ở độ sâu cơ bản đảm bảo an toàn cho người dùng. Người dân chỉ việc lắp máy bơm hút nước từ giếng vào bể chứa của gia đình để sử dụng. Năm 2015, từ nguồn hỗ trợ chương trình 135 cũng đã cung cấp 10 téc chứa nước cho 10 hộ dân xóm Sổ dùng để chứa nước và hứng nước mưa được bà con sử dụng hiệu quả. Tuy nhiên, téc đó chỉ là để chứa nước chứ không thể “làm thay” công việc của máy lọc nước, vậy nên, nước vẫn không đảm bảo vệ sinh. Ngoài 10 hộ dân được hỗ trợ đào giếng ra thì 38 hộ còn lại vẫn đang phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

 

“Trong năm 2013, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ vùng dân tộc thuộc Ban Dân tộc tỉnh đã về xã, xóm để bàn bạc, lên kế hoạch đầu tư hỗ trợ người dân xóm Sổ về cơ hở hạ tầng và hỗ trợ sản xuất. Theo đó đã khảo sát địa hình và thiết kế công trình nước sạch phục vụ bà con trong xóm. Tuy nhiên, theo lộ trình thực hiện 5 năm, với số vốn ít ỏi mỗi năm 1 tỷ đồng, 3 năm đã trôi qua nhưng vẫn chưa thể triển khai xây dựng công trình nước sạch phục vụ bà con”, đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết thêm.

 

Tháng 9 năm nay, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ vùng dân tộc đã cho khởi công xây dựng đường từ xóm Sổ đến trung tâm xã giải quyết vấn đề giao thông. Trước đó, trung tâm cũng hỗ trợ giống dê và lợn bản địa cho bà con trong xóm tăng gia sản xuất. Đối với một xóm có tỷ lệ hộ nghèo cao (chiếm 62%), thu nhập bình quân đầu người mới đạt 8 triệu đồng /năm, đất sản xuất tính trên đầu khẩu chưa đầy 400 m2 /khẩu, … thì rất cần có sự đầu tư hợp lý với điều kiện thực tế. Đặc biệt, vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là nước sạch đang cần sự vào cuộc nhanh chóng của các cơ quan hữu quan nhằm giải quyết triệt để tình trạng này.

                                                                         

      

                                                                        Thanh Sơn

 

 

 

 

Các tin khác


Tiếng kêu cứu từ các bản, làng du lịch cộng đồng

(HBĐT) - Massage, xông hơi, karaoke, quầy bar, bàn bi-a, các phòng nghỉ riêng tư rộng chừng 10 m2, nhà sàn bê tông, khách sạn xây mới theo phong cách hiện đại... Đó là những hình ảnh đang xuất hiện ngày càng nhiều ở các bản, làng du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh ta. Nó đã làm cho bức tranh yên bình, đậm đà bản sắc văn hóa ngày càng trở nên hỗn tạp, méo mó. Khách du lịch sụt giảm, văn hóa truyền thống mai một, tiềm ẩn nguy cơ tai - tệ nạn xã hội là “góc khuất” đang diễn ra tại các bản, làng du lịch cộng đồng hiện nay.

Cần sớm giải quyết vụ khiếu kiện tranh chấp đất tại tổ 5, phường Chăm Mát

(HBĐT) - Trong lá đơn gửi Báo Hòa Bình, vợ chồng ông Bùi Văn Thức và bà Nguyễn Thị Đua, trú tại tổ 5, phường Chăm Mát (TP Hòa Bình) bày tỏ: “18 năm trước (năm 1998), vợ chồng tôi có mua 100m2 đất của ông Lê Văn Chăm, có giấy tờ chuyển nhượng, hàng năm đóng thuế đất đầy đủ - và đã xây nhà để ở. Thế nhưng, không hiểu tại sao em gái ông Chăm lại có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) trên mảnh đất ấy và lấy đó làm cơ sở để đuổi chúng tôi đi, thậm chí còn kiện chúng tôi ra tòa”… phóng viên Báo Hòa Bình đã đã xác minh, tìm hiểu sự việc.

“Nóng” tình trạng tảo hôn ở huyện Mai Châu

(HBĐT) - Không phải Đảng bộ, chính quyền các cấp huyện Mai Châu không vào cuộc. Ngược lại, các biện pháp từ tuyên truyền, vận động đến xử phạt đều đã được áp dụng, tuy nhiên vấn nạn tảo hôn vẫn chưa được kiểm soát, thậm chí còn bùng phát trong 6 tháng đầu năm nay. Theo thống kê sơ bộ, đến thời điểm này, số vụ tảo hôn ở huyện Mai Châu đã tăng gấp ba so với cả năm 2015 với trên 100 vụ và chắc chắn vẫn còn khó kiểm soát khi có không ít trường hợp tảo hôn là con của Phó Chủ tịch UBND xã, Phó Bí thư Chi bộ, đảng viên, giáo viên.

Bao giờ người dân xã Mường Chiềng hết “sợ” nắng…

(HBĐT) - Sau mấy thập kỷ căn bệnh quái ác ập đến, dù được sự quan tâm của toàn xã hội nhưng những người mắc bệnh “sợ” nắng (bệnh khô da sắc tố) ở xã Mường Chiềng (Đà Bắc) vẫn lay lắt sống với “án tử”. Bệnh tật hành hạ nhưng họ khao khát được sống và mong được chữa khỏi bệnh.

Xóa tận gốc nạn “than tặc”

(HBĐT) - Luồng khói trắng phụt ra từ miệng lò sau tiếng nổ giòn đanh từ những khối bộc phá của những người lính công binh - Bộ CHQS tỉnh làm núi rừng Cuối Hạ rung chuyển. Một khối lượng lớn đất, đá ụp đổ, bịt kín những đường lò sâu hun hút vào lòng đất đã đặt dấu chấm hết cho nạn “than tặc” vốn gây bức xúc cho người dân bấy lâu nay...

Suối Cỏ bảo tồn nghề làm giấy dó

(HBĐT) - Theo giới thiệu của lãnh đạo xã Hợp Hòa (Lương Sơn), chúng tôi đến thăm tổ sản xuất giấy dó thủ công tại thôn Suối Cỏ. Trong không gian nhỏ hẹp, những người thợ thủ công với đôi bàn tay khéo léo đang miệt mài sản xuất ra những tờ giấy dó truyền thống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục