(HBĐT) - Hơn 1.300 hộ dân thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) đã từng được sử dụng nước sạch, nhưng đó là câu chuyện của gần 10 năm về trước. Còn suốt bao năm qua và cho đến nay, nguồn nước sinh hoạt, kinh doanh của hàng ngàn hộ dân, các cơ quan... trên địa bàn chỉ biết trông chờ từ nguồn nước giếng tự đào, nơi thì lấy nước tự chảy quanh các khe núi, không đảm bảo vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khoẻ của nhân dân.
Xót xa nhà máy nước bỏ hoang
Theo tỉnh lộ 433 từ đỉnh dốc Tra đi về phía thị trấn Đà Bắc chừng 300m, rẽ phải, men theo con đường bê tông nhỏ hai bên cây cối um tùm vài chục mét nữa đập vào mắt là cánh cổng nhà máy nước ghỉ sét. Trên cánh cổng không biết khoá chặt từ bao giờ, ai đó đã dùng thêm cành cây khô để ken thêm vào các song sắt, tránh cho đàn gà vài chục con nuôi nhốt bên trong khỏi chui ra ngoài.
Nhà máy cung cấp nước sạch cho hơn 1.300 hộ dân của thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) hoang hoá, cây lau mọc um tùm trước cổng.
Nhìn qua các khe rào trên cổng, các phòng thuộc khu nhà điều hành cái có cửa, cái không. Có phòng cửa đóng im ỉm nhưng mục nát, ngoài sân không có một bóng người. Một số phòng hình như dành cho đàn gà vài chục con có chỗ chui ra chui vào những ngày mưa gió. Cách đó không xa, những bể lọc nước bằng thép sừng sững, hoen ố theo thời gian. Hàng chục chiếc van đóng, mở nước giờ có cảm tưởng như không còn vặn được.
Trao đổi vấn đề này với lãnh đạo Công ty CP nước sạch Hoà Bình được biết, trước đây, Nhà máy nước thị trấn Đà Bắc được xây dựng từ nguồn vốn Nhà nước hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi đơn vị tiếp nhận quản lý, vận hành cung cấp nước sạch cho người dân gần 2 tháng thì giếng khoan bị sụt nên không hút được nước lên. Từ đó đến nay tính ra trên dưới chục năm Công ty đành bỏ hoang công trình này, chỉ cắt cử một người trực ở đó.
Nỗi khổ của người dân thị trấn Đà Bắc
Nằm ngay sát nhà máy nước bỏ hoang là hộ gia đình chị Đinh Thị Nguyện. Theo lời chị Nguyện, thời điểm nhà máy nước đi vào hoạt động, gia đình chị cũng như hàng ngàn hộ khác từ đỉnh dốc Tra xuống đến thị trấn Đà Bắc rất phấn khởi và đã đầu tư nhiều tiền của lắp đặt hệ thống nước khắp nhà. Mặc dù vậy, nhiều hộ sau gần 2 tháng được dùng nước sạch từ nhà máy lại thất vọng vì nhà máy nước đóng cửa.
Từ đó đến nay, gia đình chị Nguyện đành quay lại sử dụng nước giếng khoan. Nhiều hộ xây bể hoặc dùng thùng chứa nước bằng inox đặt trên cao. Sau đó dùng bơm bơm nước từ giếng lên, cho chảy qua bể lọc cát sau đó mới có thể dùng trong sinh hoạt.
Sự khó khăn về nước sạch cũng là tình trạng chung của hầu hết các hộ dân trong thị trấn. Nhiều nơi chỉ một vó nước nhỏ có đến vài chục hộ gia đình trông chờ vào đó. Máy bơm được lắp đặt từ đầu nguồn, từng gia đình phải đợi đến lượt mới bơm được nước về nhà sử dụng.
Chị Bùi Thị Hằng, tiểu khu Liên Phương (thị trấn Đà Bắc) cho biết: “Nơi đây cả mấy chục hộ gia đình chỉ biết trông chờ vào nguồn nước chảy từ khe xuống. Tuy nhiên, người dân phải phân công nhau lấy nước theo buổi mới đủ đáp ứng dùng cho sinh hoạt”. Ngay tại chỗ mó nước, người dân cho xây be thành bằng bê tông để nước dâng cao, tránh cho máy bơm bị hỏng vì cạn nước. Cũng theo chị Bùi Thị Hằng, để phòng mất cắp, mỗi máy bơm tại đây được người dân cho xây kín, khoá chặt, khi nào hỏng hóc mới mở ra để sửa chữa.
Bao giờ người dân thị trấn Đà Bắc mới được dùng nước sạch?
Thị trấn Đà Bắc hiện có trên 1.300 hộ dân với 5.500 nhân khẩu. Ngoài ra, trên địa bàn còn có hàng trăm cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp, hộ SX -KD dịch vụ. Tuy nhiên, việc không có nước sạch sử dụng trong nhiều năm qua khiến cho cuộc sống của người dân hết sức bức bách.
Trao đổi vấn đề này với đồng chí Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty CP nước sạch Hoà Bình được biết, sau khi đơn vị được bàn giao nhà máy nước Đà Bắc gần 2 tháng thì xảy ra sự cố sụt giếng khoan. Từ đó đến nay, do nguồn lực có hạn nên Công ty không triển khai tìm nguồn nước mới. Tuy nhà máy nước dừng hoạt động nhưng mỗi năm Công ty phải bỏ ra hơn 20 triệu đồng để thuê người trông coi. Bên cạnh đó, Công ty có sự tham gia của đối tác tư nhân nên mọi quyết định đầu tư cũng như bố trí nhân lực đều phải có sự thông qua của nhà đầu tư chiến lược này…
Trên thực tế, hàng chục năm nay, hầu hết các nguồn nước của người dân thị trấn Đà Bắc đều không đảm bảo hợp vệ sinh. Cho đến nay, người dân thị trấn Đà Bắc không biết làm gì hơn ngoài mong mỏi một động thái cụ thể từ phía chính quyền và các cơ quan chức năng.
Hồng Trung
(HBĐT) - Trong lá đơn gửi Báo Hòa Bình, vợ chồng ông Bùi Văn Thức và bà Nguyễn Thị Đua, trú tại tổ 5, phường Chăm Mát (TP Hòa Bình) bày tỏ: “18 năm trước (năm 1998), vợ chồng tôi có mua 100m2 đất của ông Lê Văn Chăm, có giấy tờ chuyển nhượng, hàng năm đóng thuế đất đầy đủ - và đã xây nhà để ở. Thế nhưng, không hiểu tại sao em gái ông Chăm lại có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) trên mảnh đất ấy và lấy đó làm cơ sở để đuổi chúng tôi đi, thậm chí còn kiện chúng tôi ra tòa”… phóng viên Báo Hòa Bình đã đã xác minh, tìm hiểu sự việc.
(HBĐT) - Không phải Đảng bộ, chính quyền các cấp huyện Mai Châu không vào cuộc. Ngược lại, các biện pháp từ tuyên truyền, vận động đến xử phạt đều đã được áp dụng, tuy nhiên vấn nạn tảo hôn vẫn chưa được kiểm soát, thậm chí còn bùng phát trong 6 tháng đầu năm nay. Theo thống kê sơ bộ, đến thời điểm này, số vụ tảo hôn ở huyện Mai Châu đã tăng gấp ba so với cả năm 2015 với trên 100 vụ và chắc chắn vẫn còn khó kiểm soát khi có không ít trường hợp tảo hôn là con của Phó Chủ tịch UBND xã, Phó Bí thư Chi bộ, đảng viên, giáo viên.
(HBĐT) - Sau mấy thập kỷ căn bệnh quái ác ập đến, dù được sự quan tâm của toàn xã hội nhưng những người mắc bệnh “sợ” nắng (bệnh khô da sắc tố) ở xã Mường Chiềng (Đà Bắc) vẫn lay lắt sống với “án tử”. Bệnh tật hành hạ nhưng họ khao khát được sống và mong được chữa khỏi bệnh.
(HBĐT) - Luồng khói trắng phụt ra từ miệng lò sau tiếng nổ giòn đanh từ những khối bộc phá của những người lính công binh - Bộ CHQS tỉnh làm núi rừng Cuối Hạ rung chuyển. Một khối lượng lớn đất, đá ụp đổ, bịt kín những đường lò sâu hun hút vào lòng đất đã đặt dấu chấm hết cho nạn “than tặc” vốn gây bức xúc cho người dân bấy lâu nay...
(HBĐT) - Theo giới thiệu của lãnh đạo xã Hợp Hòa (Lương Sơn), chúng tôi đến thăm tổ sản xuất giấy dó thủ công tại thôn Suối Cỏ. Trong không gian nhỏ hẹp, những người thợ thủ công với đôi bàn tay khéo léo đang miệt mài sản xuất ra những tờ giấy dó truyền thống.
(HBĐT) - Đã nhiều ngày nay, người dân sinh sống gần khu vực xử lý rác thải thuộc tiểu khu 10, thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) bức xúc trước thực trạng ô nhiễm môi trường mà nguyên nhân trực tiếp do việc tồn đọng rác thải tại khu xử lý gây ra. Theo ông Nguyễn Hồng Bảo, Bí thư chi bộ tiểu khu 10, nhà dân ở cách xa hàng ki lô mét mà vẫn ngộp thở bởi không khí nặng mùi xú uế, muỗi và ruồi nhặng bay từng đàn. Nguồn nước giếng đào của bà con giờ không ai dám sử dụng trong sinh hoạt.